Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Khoác áo mới lên giềng mối cũ

HOÀNG KHANG - 

Bà mẹ già từ dưới quê lên Sài Gòn thăm con trai – một năm cũng vài ba lần như thế, vì với khoảng cách 80 cây số từ Đồng Nai thì tàu xe bây giờ cũng khá thuận tiện. Ngồi trò chuyện khoảng nửa tiếng, rồi như bỗng chợt nhớ ra điều gì, bà cụ hỏi: Ơ hay! Vậy thằng Sơn với thằng Khang đi học hay sao mà nãy giờ không nghe tiếng tụi nó? Không mẹ ạ – con trai trả lời – Tụi nó đang ở trên lầu, chắc lại đang cắm đầu vào game hay Facebook.

Bà nội 80 tuổi chép miệng: Rõ khổ! Mấy đứa cháu ở quê cũng thế, có khi cả ngày chẳng thấy mặt, cơm nước cũng chẳng buồn ăn uống.

Đằng sau câu nói có vẻ bâng quơ ấy là nỗi buồn hay nỗi lo của cả một thế hệ. Giềng mối gia đình suy yếu, ít còn những dịp sinh hoạt chung thường xuyên; các giá trị truyền thống bị đe dọa, thậm chí chuyện ly dị ngày càng tăng cũng một phần do mạng miếc; chủ nghĩa cá nhân lên ngôi khi lớp trẻ dành phần lớn thời gian của mình tham gia vào các mạng xã hội; cuộc sống đời thực với những sinh hoạt thường ngày bị đảo lộn vì lớp trẻ dành phần lớn thời gian cho những “chuyện vớ vẩn” trong thế giới ảo…

Nhưng dĩ nhiên lớp người trẻ – không chỉ là thế hệ mới lớn mà còn là những người đã trưởng thành với kỹ năng và hiểu biết về công nghệ – lại không nghĩ thế!

Thách thức và lợi ích

Cho dù chưa thấy có khảo sát nào đưa ra số liệu thống kê về số người ủng hộ và phản đối Internet, nhưng cả thách thức và lợi ích của Internet là không thể phủ nhận.

Những lời than phiền của những bậc phụ huynh có thể thấy tràn ngập trên báo chí về ảnh hưởng và tác hại của Internet đối với con cái họ.

44

Khi chúi mũi vào màn hình máy tính hay điện thoại thông minh, giới trẻ không chỉ lơ là chuyện vận động tay chân cho minh mẫn đầu óc, không chỉ quên bữa ăn giấc ngủ, không chỉ bỏ qua chuyện gặp gỡ, giao tiếp với người thân và bạn bè, mà còn xao nhãng chuyện học hành, bỏ bê công việc, và có vẻ thờ ơ với mọi chuyện diễn ra xung quanh. Nhiều bậc cha mẹ lo lắng về việc con cái mình nhiễm những thói hư tật xấu từ việc truy cập vào những trang web đen, băn khoăn không biết con cái mình kết bạn với những ai trên thế giới ảo, liệu có bị tác động bởi những xu hướng lệch lạc về lối sống, tính dục hay sa vào những chuyện vi phạm pháp luật ngoài tầm kiểm soát của họ hay không. Nghĩa là có muôn vàn mối lo âu, mà đều là những mối lo âu rất chính đáng.

Một khảo sát của tổ chức Kaiser Family Foundation (Mỹ) cho thấy giới trẻ từ 8 đến 18 tuổi sử dụng đến bảy tiếng mỗi ngày để giải trí trên mạng. Những người trẻ này thường lười vận động, dễ tăng cân, thiếu tập trung, và ít quan tâm đến việc phát triển những mối quan hệ trực tiếp với người khác. Hình ảnh rất thường thấy là thậm chí khi đi cà phê hay ăn uống chung, thì chẳng ai nói chuyện với ai mà mỗi người chúi mũi vào một chiếc máy.

Rõ ràng, thách thức đối với những giá trị gia đình truyền thống là điều không thể phủ nhận. Điều này gây ra rất nhiều lo âu, không chỉ cho những bậc cha mẹ ở nông thôn ít có điều kiện tiếp cận với công nghệ, mà còn cho cả cộng đồng do những biểu hiện lệch chuẩn ngày càng phổ biến nơi giới trẻ vốn đã được cảnh báo từ lâu.

Nhưng, những lo âu đó, những thách thức đó có vẻ mang nặng tính cảm quan. Những lợi ích mà công nghệ mang lại cho gia đình cũng không hề nhỏ, thậm chí có những nghiên cứu ở nước ngoài cho rằng những lợi ích này vượt xa những tác động tiêu cực.

Nếu người trẻ có thể bắt chước những thói xấu từ Internet, thì chưa chắc những thói xấu đó tệ hơn những điều chúng có thể học đòi từ việc tụ tập bù khú ngoài đường phố; nếu người trẻ có thể làm gì vi phạm pháp luật trên mạng, thì chưa chắc chúng không làm điều tệ hại hơn nếu chúng bụi đời hay tham gia băng nhóm ngoài đường phố; và nếu Internet chiếm mất quá nhiều thời gian của người trẻ thì ai dám quả quyết rằng không có Internet thì người trẻ ở nhà nhiều hơn! Cứ nhìn những quán nhậu mở thâu đêm suốt sáng cũng có thể thấy một phần câu trả lời.

Với xu hướng đô thị hóa ngày càng tăng, một bộ phận không nhỏ – lên đến hàng triệu người mỗi năm – đang rời bỏ nông thôn lên thành thị. Nghĩa là con cái phải rời bỏ cha mẹ hay ngược lại; bạn bè hay người yêu phải xa nhau. Và Internet cùng với smartphone chính là giải pháp để những người “tha hương cầu thực” này duy trì mối liên lạc thường xuyên với gia đình, bạn bè. Cha mẹ có thể nói chuyện với con cái mình, thấy con cái mình qua những thiết bị cầm tay nhỏ gọn – nhiều khi miễn phí qua Internet. Một người cha làm ăn xa vẫn có thể kiểm tra bài vở của con cái, hay thậm chí chơi game với con cái của mình.

Tổ chức Pew Internet & American Life (Mỹ) trong một khảo sát từ năm 2008, khi các mạng xã hội mới chỉ trong giai đoạn đầu của phát triển, đã khẳng định rằng “công nghệ đang tạo ra những hình thái mới của gắn kết gia đình xoay quanh Internet và điện thoại thông minh. Thậm chí còn hơn thế nữa, có những người bà con xa hay bạn bè tưởng rằng đã thất lạc không còn có thể “lần ra” được nữa bỗng đâu xuất hiện qua Facebook.

Những gia đình, đặc biệt là những gia đình trẻ, cũng dễ dàng kết nối với nhau nhiều hơn nhờ công nghệ, dù rằng họ rất bận rộn với chuyện kiếm sống. Khảo sát của Pew Internet & American Life cũng chỉ ra rằng với smartphone, các thành viên trong gia đình chia sẻ thông tin với nhau nhiều hơn trong ngày.

Internet không chỉ cho phép con người kết nối với nhau, mà còn tạo ra một môi trường học tập rất lý tưởng, giúp con người tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nhất là đối với những người trẻ ham hiểu biết. Và đó là một tiền đề rất quan trọng khẳng định một xu hướng không thể đảo ngược, rằng bất chấp những quan ngại từ những bậc cha mẹ nhiều lo âu, giới trẻ sẽ ngày càng hăm hở tham gia vào đời sống trên mạng vừa ảo vừa thực.

Công nghệ đang ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt, thâm nhập ngày càng sâu vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, nhờ vào tính phổ biến ngày càng cao của điện thoại thông minh và Internet.

Ước tính số lượng thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay đã lên đến 150 triệu so với dân số chỉ hơn 90 triệu người, một con số rất cao so với tỷ lệ 27 điện thoại di động/100 dân vào năm 2007 và chỉ 1 điện thoại di động/100 dân vào năm 2000 (báo cáo của World Bank). Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng Internet tại Việt Nam hiện nay cũng đã lên tới 48%, theo số liệu được công bố bởi Tổ chức Thống kê số liệu Internet quốc tế (internetworldstats) tính đến hết tháng 6-2015.

Mức độ thâm nhập của điện thoại di động và Internet là nền tảng rất quan trọng cho việc phát triển công nghệ mới phục vụ cuộc sống, và những người trẻ hiện nay lại rất hăm hở tiếp thu những thành tựu của thế giới.

Không chỉ dừng lại ở chuyện thương mại điện tử với những cuộc mua bán trên mạng, đặt hàng và giao hàng bằng một cú nhấp chuột, Việt Nam đang trở thành một điểm đến của công nghệ mới trên thế giới: Internet kết nối vạn vật (Internet of Things). Tham gia giao thông qua các ứng dụng Internet, mua hàng từ máy bán hàng tự động, căn hộ thông minh, đô thị thông minh, xe hơi không cần người lái… và biết bao ứng dụng hữu ích khác từ Internet là điều không thể bỏ qua.

Chưa rõ những công nghệ mới trên nền tảng Internet trong những năm sắp tới sẽ phát triển như thế nào, nhưng có một điều chắc chắn là chúng sẽ làm thay đổi sâu sắc mô hình gia đình truyền thống. Gia đình của thời đại công nghệ thông tin – như một nhà báo nào đó đã nói rất hay – sẽ là một lát cắt từ một tấm vải mới, khác với các giềng mối từ một tấm vải cũ dệt nên những giá trị truyền thống.

Với công nghệ mới sẽ là những kiểu quan hệ gia đình mới thay cho quan hệ truyền thống, thậm chí còn bền chặt hơn. Có thể một bộ phận giới trẻ dễ sa đà vào những “nguy cơ” sống ảo, nhưng một bộ phận khác đông đảo hơn tìm thấy ở Internet những cơ hội lớn lao hơn cho đời sống thực. Họ nắm bắt, học hỏi được những tiến bộ của nhân loại một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.

*****

Và bà cụ già trách những đứa cháu nội của mình: Sao tối ngày lo chơi game trên mạng vậy hả Sơn, Khang?

- Không, tụi cháu đang học qua mạng mà!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối