Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Khỏe từ bên trong

(SGTT) - Hệ miễn dịch tốt là chiếc chìa khóa vàng cho một cơ thể khỏe mạnh. Một hệ miễn dịch tốt có khả năng bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh, bao gồm nhiều loại vi khuẩn, virus.

Không phải đến khi có dịch bệnh hay đau ốm mới bắt đầu quan tâm đến sức khỏe. Sở hữu một hệ miễn dịch tốt, một sức khỏe cường tráng đòi hỏi sự quyết tâm theo đuổi và duy trì lối sống lành mạnh.

Cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM – cho biết miễn dịch là cách cơ thể con người ngăn chặn không cho virus xâm nhập và sinh sôi nảy nở trong tế bào cơ thể. Hệ miễn dịch thực chất là một hệ thống gồm nhiều cơ quan từ ngoài vào trong, phối hợp với nhau để bảo vệ sức khỏe. Cụ thể, hệ miễn dịch bên ngoài da ngăn không cho virus xuyên qua khi chúng bám vào cơ thể; hệ miễn dịch trong ruột ngăn virus khi chúng có trong thức ăn ta ăn vào; hệ miễn dịch trong cơ quan hô hấp ngăn virus con người hít vào và một hệ thống miễn dịch lớn ngăn virus trong máu.

Hệ miễn dịch bao gồm các kháng thể được tạo ra trong quá trình con người trưởng thành hoặc được người mẹ truyền sang. Chẳng hạn, khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài, cơ thể bị virus tấn công. Lúc này, tế bào nhận biết, bắt lấy virus này và tạo ra kháng thể lưu hành trong máu.

Tuy nhiên, khi kháng thể không đủ mà lượng virus quá nhiều, quá mới hoặc virus mới đó không chéo với virus có sẵn trong cơ thể thì kháng thể không tiêu diệt được virus. Khi đó, virus sẽ xâm nhập vào máu. Các tế bào bạch cầu nhanh chóng làm nhiệm vụ, đến “bắt lấy” virus. Nếu bạch cầu đủ mạnh, tế bào bạch cầu sẽ giữ lại và giết chết virus để virus không thể sinh sôi nảy nở. Nhưng nếu bạch cầu yếu, không thể bắt được virus hoặc virus xâm nhập vào máu quá nhiều khiến bạch cầu không bắt được hết thì virus sẽ tìm đến các tế bào thích hợp mà chúng có thể chui vào để sinh sôi.

Tại đây, virus lợi dụng hệ thống di truyền của con người trong tế bào để sản xuất protein rồi tổng hợp thành biến thể virus mới. Một khi cơ thể đã bị nhiễm virus, một cơ chế sẽ báo về cho tế bào bạch cầu để sản xuất kháng thể. Song, nếu virus quá nhiều không thể tiêu diệt hết, hệ miễn dịch sẽ khó lòng bảo vệ cơ thể.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, hệ miễn dịch của con người có sự thay đổi dần theo thời gian. Từ bé cho đến khi trở thành người trưởng thành, hệ miễn dịch sẽ ngày càng được tăng cường và mạnh hơn rồi chững lại cho đến khi con người bước qua tuổi trung niên, hệ miễn dịch sẽ suy yếu dần.

Trong đó, người có hệ miễn dịch tốt thường ít bị bệnh vặt hoặc có thể lướt qua các trận cảm rất nhanh mà không cần dùng đến thuốc. Trong cuộc sống hằng ngày, những người này thường là người có lối sống năng động. Ngược lại, người có hệ miễn dịch yếu thường là người lớn tuổi, người có thói quen hút thuốc lá hoặc đang mắc các căn bệnh mãn tính như tiểu đường, tâm phế mãn, bệnh gan… Chính vì vậy, việc xây dựng lối sống lành mạnh để có hệ miễn dịch tốt, tránh được nhiều bệnh tật luôn là điều cần thiết.

Tích lũy cho hệ miễn dịch

Để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể từ sớm, cha mẹ nên khuyến khích con trẻ tiếp xúc với môi trường bên ngoài từ khi chúng còn nhỏ. Môi trường có rất nhiều tác nhân gây bệnh, nhưng nếu chúng ta có thời gian tiếp xúc với chúng dần dần, tế bào bạch cầu sẽ nhận biết được loại virus đó và tạo ra kháng thể cho cơ thể. Đây là một quá trình tích lũy, giúp cho hệ miễn dịch của trẻ ngày càng được tăng cường. Bên cạnh đó, việc ra ngoài vận động còn giúp trẻ tăng cường thể chất, phát triển chiều cao, trở nên năng động hơn và không bị thừa cân, béo phì. Khi không có điều kiện cho con ra ngoài chơi, cha mẹ cũng nên khuyến khích các con vận động trong nhà và nhắc con ngủ đủ giấc. Bên cạnh việc tiếp xúc với môi trường bên ngoài, trẻ em nên được chích vắc xin phòng ngừa bệnh tật.

Đặc biệt, bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý, người có một hệ miễn dịch tốt cũng không nên chủ quan mà phải giữ gìn và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể nhờ vào những thói quen sinh hoạt điều độ; không nên đợi tới khi bị bệnh mới bồi bổ bằng nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng mà cần có một chế độ ăn đầy đủ chất mỗi ngày; không thức khuya và chú ý vận động đều đặn, phù hợp với lứa tuổi.

Để bảo vệ sức khỏe cho thành viên có hệ miễn dịch yếu trong gia đình, cần mang khẩu trang khi tiếp xúc với họ nếu bạn đang mang mầm bệnh. Đặc biệt, nếu thường xuyên làm trong môi trường tiếp xúc với virus như bệnh viện, nhà trẻ… cần thay quần áo, rửa tay trước khi tiếp xúc với người có hệ miễn dịch yếu.Bên cạnh đó, bản thân người có hệ miễn dịch yếu cần có ý thức bảo vệ sức khỏe cho mình bằng cách ngủ đủ giấc, ăn nhiều trái cây, rau xanh và uống đủ nước, hạn chế tới nơi đông người.

Thiên Nhiên ghi lại

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối