CHÍNH PHONG -
Lễ hội khởi nghiệp đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam mang tên Saigon Tech Startup Fest vào ngày 12-3 vừa qua tại TPHCM được giới chuyên môn nhận định là một cú hích lớn đối với cộng đồng khởi nghiệp. Khoảng 3.500 người trẻ quan tâm đến khởi nghiệp đã dành nguyên một ngày để tìm kiếm cảm hứng, cơ hội việc làm với trên 50 doanh nghiệp tại chương trình này.
Thiếu người, thiếu sáng tạo
Các bạn trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm tại Saigon Tech Startup Fest 2016.
Ông Hoàng Linh, đại diện cho Mạng lưới khởi nghiệp trẻ Việt Nam (Viet Youth Entrepreneus), một trong số các đơn vị đồng tổ chức lễ hội này, cho biết ban tổ chức đã nhận được hơn 5.000 đơn đăng ký qua mạng từ các bạn trẻ trên cả nước để ứng tuyển vào các vị trí việc làm tại các công ty công nghệ trẻ ở Việt Nam. Ngay tại chính lễ hội, các doanh nghiệp với những bàn đăng ký cũng phát các tờ rơi tuyển nhân sự.
Theo ông, khởi nghiệp hiện có hai hướng, thứ nhất là tạo ra một sản phẩm hữu hình như máy móc, phần cứng hoàn chỉnh rồi kêu gọi đầu tư. Thứ hai là tạo ra các ứng dụng di động để phục vụ các dịch vụ cụ thể nào đó và sau đó cũng kêu gọi đầu tư. Dù đi theo hướng nào thì đều cần nhân lực công nghệ thông tin tay nghề cao.
Theo đánh giá của nhiều cá nhân và tổ chức uy tín, nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam đang thiếu đến mức báo động đỏ. Tại Diễn đàn CNTT cao cấp ICT Summit năm 2015, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam dự báo, từ năm 2015 đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu 400.000 nhân lực làm CNTT, tức là mỗi năm Việt Nam thiếu 80.000 người. Trong khi đó, mỗi năm thị trường chỉ cung cấp 32.000 sinh viên tốt nghiệp CNTT và các ngành có liên quan đến lĩnh vực này. Cuối năm 2015, Công ty Tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks còn đưa ra dự báo là từ nay đến 2020, Việt Nam sẽ thiếu 1 triệu nhân lực làm CNTT.
So với những con số trên, việc chỉ có hơn 5.000 người trẻ đăng ký ứng tuyển vào các công ty công nghệ mang tính khởi nghiệp qua lễ hội Saigon Tech Startup Fest vẫn là quá ít. Theo ông Hoàng Linh, có đến 90% nhân lực CNTT hiện nay làm việc cho các công ty gia công phần mềm hoặc ở nước ngoài đặt tại Việt Nam, hoặc ở công ty Việt Nam gia công phần mềm cho nước ngoài. Đó là những công việc an toàn, lĩnh lương ổn định, ít mạo hiểm nhưng không có nhiều cơ hội tạo ra sự đột phá trong sự nghiệp.
Ông Linh cho rằng các bạn trẻ không được khuyến khích sáng tạo ở các cấp học, chương trình đào tạo ở các trường chuyên ngành CNTT không kích thích các bạn tìm tòi, tạo ra các sản phẩm cho riêng mình. Nhiều bạn vì áp lực phải kiếm tiền ngay phụ giúp gia đình và ổn định cuộc sống tự lập sau những năm học đại học nên không dám mạo hiểm. Trong khi đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp chứa đựng nhiều mạo hiểm, thất bại nhiều lần trước khi thành công là chuyện thường tình, có nhiều khởi nghiệp còn không gượng dậy nổi sau thất bại đầu tiên.
Công ty khởi nghiệp đòi hỏi sản phẩm phải độc đáo, đáp ứng nhu cầu thị trường ngay hoặc có tầm nhìn xa nhất định mới trụ lại thị trường. Vì vậy, nhân sự trong các công ty này không những phải có tinh thần dấn thân, mà còn đòi hỏi kỹ năng cao, độc đáo, “có chất”. Nguyễn Hoàng Trung, nhà sáng lập ứng dụng Lozi gây đình đám gần đây với việc gọi được hơn 1 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư từ các quỹ nước ngoài cho biết, 50 nhân sự của Lozi tuyển đều không thông qua đăng tuyển mà họ tự đi tìm người. “Chúng tôi phải thực hiện chiến lược nhân sự này vì phải đi nhanh bắt kịp làn sóng công nghệ ngay, nếu tuyển nhân sự về rồi đào tạo lại thì sẽ đi chậm lại so với các đối thủ khác”, ông Trung cho biết.
Như vậy, bài toán nhân lực trong ngành CNTT Việt Nam có đến hai lớp thiếu: thứ nhất là thiếu nhân sự trong toàn ngành, thứ hai là thiếu nhân sự sáng tạo, sẵn sàng dấn thân để tạo ra những công ty khởi nghiệp có giá trị cao.
Chọn một làn sóng đang lên
Tính “làn sóng” trong khởi nghiệp và ngành công nghệ rất quan trọng. Trong lễ hội Saigon Tech Startup Fest vừa qua, ông Nguyễn Hoành Tiến, Phó chủ tịch Tập đoàn VNG Corporation đã dành gần một giờ đồng hồ để nói chuyện với các bạn trẻ về tầm quan trọng của làn sóng. Làm công nghệ cần tính thời điểm cũng giống như người lướt sóng, nếu không bắt được con sóng thì không thể đi xa được, nếu không đủ lực trụ trong con sóng đó thì sẽ bị nhấn chìm.
Ông Tiến nói rằng, VNG rất thành công với game online, sau đó ban lãnh đạo ngồi lại để chọn làm gì tiếp theo, tức là cưỡi con sóng nào tiếp theo. VNG đã quyết định làm báo điện tử với sự ra đời của Zing.vn và Zing MP3. “Thời đó ai cũng nghĩ đó là mạo hiểm khi đang có tượng đài sừng sững như Yahoo nhưng ai ngờ Yahoo xuống dốc và tạo điều kiện để chúng tôi vọt lên hàng đầu. Tiếp theo, chúng tôi lựa chọn phát triển mạng xã hội Zing Me nhưng thất bại vì Facebook quá mạnh. Song thất bại trên lại tạo tiền đề để Zalo thành công, trên nền tảng Zalo này chúng tôi sẽ tạo ra nhiều sản phẩm nữa”, ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, câu chuyện ở đây là gì? VNG đã tổng kết với nhau 20% thành công là lựa chọn đúng nên làm cái gì, tức là nên bắt con sóng nào. 70% thành công là do may mắn, cái may mắn này tất nhiên gắn với ngành mình làm, gắn với việc mình chọn làm, nhưng gọi nó là may mắn vì mình không kiểm soát được các điều kiện ngoại cảnh. Ví dụ, khi chọn phát triển Zalo năm 2011 thì ở Việt Nam chỉ có 5% người dùng smartphone, VNG tin rằng smartphone sẽ là xu hướng tương lai và lựa chọn này đóng góp 20% thành công. “Nhưng lúc đó, chúng tôi không tin smartphone lại phát triển quá nhanh như hiện nay với rất nhiều dòng smartphone giá rẻ khiến ai cũng có thể tiếp cận được, cái này được coi là may mắn, góp 70% thành công. Còn 10% thành công còn lại là do bền bỉ, tập trung đầu tư phát triển sản phẩm”, ông nói.
Ông Tiến cho rằng làn sóng đang lên thậm chí tạo nhiều cơ hội cho người mới hơn là người cũ. Người cũ có những kinh nghiệm để họ phải vứt hết đi, nhưng họ không sẵn lòng vứt và nhiều người sau khi đi qua làn sóng trước bị tổn thương không dám bước vào làn sóng tiếp theo. Quan trọng nhất với những người muốn khởi nghiệp là có đủ sức khỏe và dũng cảm để cầm ván bước ra biển không.