HUỲNH TRẦN -
Anh bạn tôi có một cơ sở nhỏ, thuê toàn người ngoài. Có nhiều lời than từ người thân của gia đình anh chuyện thuê người ngoài mà không lo cho người nhà, nên anh bộc bạch với tôi: “Thà tôi mướn người ngoài mà làm được việc, còn hơn giúp đỡ bà con, em cháu trong gia đình mà vô tích sự. Giận thì chịu chứ biết làm sao”. Cái sự giận này của anh thì tôi cũng đã từng bị.
Khi tiền gửi tiết kiệm có lãi suất giảm, tôi mới rút ra mua một chiếc xe chạy kinh doanh. Việc này tôi không báo cho gia đình gồm mẹ, hai ông anh và bốn bà chị vì sợ họ lại nghe bàn ra nói vào.
Khi biết chuyện, mẹ tôi phát pháo đầu tiên: “Tại sao không bàn với gia đình, làm ăn mà không bàn gia đình thì không thể thành công”. Chị tôi nói lắc léo đủ thứ. Anh tôi thì một ngày đẹp trời gọi điện thoại: “Cho anh mượn xe đi về quê”.
Ba lần về quê của anh tôi đều là mượn chạy miễn phí. Tiền xăng anh cũng không đổ, bồi dưỡng tài xế cũng không có. Chưa kể anh “nổ banh xác” là xe này của anh, anh cho thằng em – là tôi thuê, coi như làm phước giúp tôi khởi nghiệp.
Lần thứ tư, anh lại điện thoại: “Mốt anh lấy xe, dặn tài xế đổ xăng đầy bình, đi loanh quanh hơi nhiều”. Tôi nói thẳng: “Xe của em chạy kinh doanh mà anh. Em đã kín lịch, anh đi tìm xe khác”. Và tâm lý tôi đã chuẩn bị cho một cơn mưa trách móc đổ xuống đầu.
Mẹ và các chị gọi tôi về: “Cái thằng hơi có chút tiền là đã làm phách. Coi gia đình không ra gì” và còn bao nhiêu trách móc, giận hờn, nói móc họng khác. Bực mình, tôi lôi hết ra nguồn cơn. Riêng chuyện anh tôi, tôi lý sự là anh thì cũng phải hiểu xe của tôi để chạy kiếm tiền chứ không phải để cho mượn, cũng như tôi đã trưởng thành, biết phải làm ăn như thế nào.
Giận, cả nhà đùng đùng nổi giận, tuyên bố sẽ bỏ mặt cho tôi chết, sẽ chống mắt coi tôi tán gia bại sản, sẽ bị tai nạn làm cho thương tật banh xác (rủa cực độc)… Mà suy đi nghĩ lại tôi đã nào có tội tình gì? Tôi chỉ làm ăn bằng tiền riêng, đâu có vay mượn gia đình, mà cũng chưa phải về gia đình làm phiền lần nào.
Sau mấy năm, công việc của tôi vẫn ổn định. Tôi vẫn gửi tiền về cho gia đình theo định kỳ cấp dưỡng cho mẹ. Còn các anh chị, vẫn ngồi lê đôi mách: “Ghét cái thằng làm bộ chảnh. Bao nhiêu là mối kêu xe thà kêu xe ngoài chứ không kêu nó. Kinh doanh mà không thông qua gia đình thì chỉ có cầm chắc là chết”.
Con đường trước nhà mở thông, bà xã tôi quyết định dọn lại mặt trước để bán cơm bình dân thì lại tiếp tục xảy ra lắm chuyện, dù trước đó cũng khối chuyện cười ra nước mắt.
Hồi trước, mẹ ruột tôi xin cho một người cháu con chị tôi bán cà phê trước cửa. Nói là xin chứ mọi sự đã phán quyết xong. Đầu tiên bán cà phê, sau đó mẹ ruột lấy chìa khóa cho cháu cất đồ vào phòng khách. Rồi cho một cháu khác đưa bồ về tâm sự kiểu bãi đáp, một cháu bụng bầu về nằm chờ sinh. Dần dà, họ coi như nhà của họ, thậm chí ghen tuông, đánh nhau ở nhà của tôi.
Nên nhân chuyện đường đã thông thoáng, bà xã quyết tâm làm “sạch mặt bằng”. Cô cháu mới sinh có con nhỏ thì được ở lại nhưng phải thu dọn gọn gàng và chấp nhận lên gác ở. Các cháu khác, dù có được bảo lãnh của mẹ tôi thì cũng phải dọn đi để có chỗ bán cơm, lý do chính đáng mà.
Quán cơm đang hình thành thì lần này thì tới lượt mẹ vợ đưa một bà chị tới: “Giao cho nhỏ này đi chợ mua hàng”. Sau đó bà đưa thêm ông anh rể vốn từ lâu sống vô tích sự thì giao cho trông giữ xe. Rồi thêm bà chị dâu nổi tiếng trong nhà là bầy hầy phụ trách thâu tiền để “lời lỗ gì để nhà mình còn biết”, mẹ vợ tôi nói.
Rồi một thằng cháu gọi mẹ vợ tôi bằng bà nội (bà nội họ) lo vụ trà đá, thằng cháu ngoại khác đi giao cơm và gợi ý mua cho nó cái xe và chu cấp xăng. Vợ tôi lo đứng bếp nấu cơm, mướn cô em người bạn lo phụ múc cơm, chồng cô này lo bưng bê cơm. Nhân lực cũng đã đâu vào đó nên khi bị mẹ giao người, nàng nói rõ: “Quán con cần người rửa chén, người quét dọn. Chứ không cần người nắm thóp”.
Thế là mẹ nàng nổi giận: “Lo là lo cho nó, kinh doanh bộ dễ ăn lắm sao. Bố trí người nhà để giúp đỡ nhau và phải nhìn xa trông rộng, phải biết giúp đỡ lẫn nhau. Sống bo bo ích kỷ thì thế nào cũng tàn mạt”. Mẹ giận thì con cũng tức cành hông nhưng bà xã tôi lầm lỳ điều hành quán cơm cho tới ba bốn năm qua cũng đông khách, đã mướn thêm vài người bên ngoài đi giao cơm văn phòng, đầu tư thêm cho quán lớn hơn.
Còn gia đình nàng, tôi vẫn nghe tin tức gần xa như là “mới có kinh doanh quán cơm bình dân mà đã không nghe ai; coi chừng bên y tế vô kiểm tra vệ sinh, lòi ra bếp chuột không hay lỗ sặc máu đừng có về than khóc”.
Tôi đã từng nghe về những “bố mẹ trực thăng”, có mặt trên từng cây số chỉ để quản lý con trong lòng bàn tay mình mà quên mất các con đã lớn, có quyền làm chủ những ước mơ và hành động của mình. Thú thật là luôn có những công ty gia đình, mà trong đó cả nhà làm việc rất chung tay kề vai với nhau nhưng khi chúng tôi mới khởi nghiệp, đừng đùng đùng đến bảo ban dạy dỗ chúng tôi phải làm như thế này, phải cưu mang người nọ kẻ kia.
Giờ đây, tuy khởi nghiệp của vợ chồng tôi chưa thể gọi là thành công nhưng ít ra nó đi đúng hướng mà hai vợ chồng đầu tư công sức và mơ ước, ít ra cũng tự tạo việc làm cho mình và cho vài người khác nhưng thú thực, đôi khi người thân trong gia đình lại trở thành gánh nặng, phiền não chứ không phải những lời động viên khích lệ.