Phú Li -
Nhiều hộ nông dân trồng hồ tiêu tại tỉnh Bình Phước hiện đang lâm cảnh khó khăn khi hàng loạt vườn tiêu đang xanh tốt bỗng trở nên khô héo và chết dần. Đặc biệt, đây là năm mà hồ tiêu cho số lượng chuỗi nhiều, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, thay vì chỉ còn hơn hai tháng nữa là có thể thu về hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỉ thì thoáng chốc những nông dân phải rơi vào cảnh trắng tay.
Ông Nguyễn Văn Đức (chồng bà Trần Thị Ly) bên vườn tiêu chỉ còn trơ trụ của gia đình. Dây tiêu chết đã được ông dọn sạch mang đốt nhằm tiêu hủy mầm bệnh.
Một buổi chiều cách đây chưa lâu, bà Trần Thị Ly ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp ra thăm vườn và bỗng… bủn rủn chân tay. Trước mắt bà, vườn tiêu 1.007 trụ đang rũ chết gần như toàn bộ. Khó khăn lắm, bà Ly mới gắng gượng trở vào được đến nhà và gần như ngã quỵ. Các con của bà Ly phải cấp tốc đưa bà nhập viện với kết luận huyết áp tăng cao quá mức.
“Trước đó vườn tiêu đã có chết rải rác nhưng tôi không ngờ nó lây lan nhanh như vậy. Cả nhà phải cố gắng làm lụng, chắt chiu mãi mới trồng được chừng ấy tiêu. Năm nay thấy tiêu ra trái nhiều, cứ tưởng sắp thoát khỏi khó khăn, ai ngờ…”, bà Ly nghẹn ngào kể lại.
Với 1.007 trụ tiêu, lấy bình quân ở mức thấp, mỗi trụ cho 1,5 kg thì nếu không có sự cố thì nhà bà Ly sẽ thu về 1,5 tấn hạt tiêu. Với mức giá khoảng 143.000 đồng/kg hiện nay, xem như nhà bà Ly mất đi trên 210 triệu đồng. Chưa kể, khi vườn tiêu vừa có triệu chứng cây chết, nhà bà đã tốn hơn 30 triệu đồng để mua thuốc bảo vệ thực vật về phun xịt nhưng vẫn không thể cứu vãn.
Cạnh bên vườn nhà bà Ly là vườn tiêu hơn 300 trụ của anh Đặng Văn Kỉnh cũng “chết sạch không còn một dây” với cùng một triệu chứng là vàng, héo rũ, sau đó rụng lá, trái, đốt và khô cả dây. Thời gian từ khi có triệu chứng đến lúc tiêu chết hẳn thường trong khoảng mười ngày.
Anh Kỉnh nói: “Nhà đất ít nên chỉ trồng được hơn 300 trụ. Năm nay tiêu vừa cho trái bói, hai vợ chồng tôi chưa mừng được bao lâu thì đã chẳng còn gì”. Hiện tại, bên cạnh việc đi làm thuê, vợ chồng anh Kỉnh đã dọn hết dây tiêu bị chết và tiến hành trồng mướp nhằm đắp đổi cuộc sống trước mắt.
Cách nhà anh Kỉnh và bà Ly không xa là nhà ông Tô Văn Mến. Vườn tiêu 1.000 trụ đang năm thứ hai của ông Mến tuy không chết hẳn nhưng đồng loạt bị quăn lá và thun đọt (nông dân thường gọi là tiêu điên). “Tôi đã tốn hơn 40 triệu đồng vừa tiền phân vừa tiền thuốc nhằm cứu vãn mà không được. Sắp tới sẽ phải nhổ bỏ hết, tiến hành xử lý đất để sang năm trồng lại”, ông Mến cho biết. Theo ông Mến, để trồng được vườn tiêu này, nhà ông đã chi phí gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, ông chỉ mới thu về được 100 triệu đồng tiền bán dây tiêu giống thì xảy ra cớ sự.
Tại những xã, huyện khác của tỉnh Bình Phước, nơi nào có trồng tiêu cũng đều có hiện tượng tiêu chết hay bị “tiêu điên” (thun đọt). Tuy ngành chức năng chưa thể có con số thống kê cụ thể vì sự việc vẫn đang tiếp diễn, song, như lời ông Mến, gần như chẳng có vườn nào thoát khỏi tình trạng này. “Chỉ là bị ít hay nhiều mà thôi. Năm nay nhà nào bị chết hay điên chỉ vài chục trụ tiêu thì xem như còn quá may mắn”, ông Mến nói.
Để trồng và chăm sóc tiêu, không ít nông dân đã vay nợ ngân hàng. Họ cho biết đang “rối như tơ vò” khi kỳ hạn trả nợ đang đến gần.
Theo các nông dân, những năm trước cũng hay xảy ra hiện tượng tiêu điên hay chết do bệnh chết nhanh, chết chậm. Tuy nhiên, mức độ chỉ là rải rác và vườn có, vườn không chứ không đại trà như năm nay. Những nông dân có nhiều kinh nghiệm phỏng đoán rằng có thể năm nay mùa nắng thì khô hạn gay gắt, mùa mưa thì lượng mưa quá nhiều, độ ẩm quá cao dẫn đến các loại nấm gây hại hình thành và phát triển mạnh.
“Đó cũng chỉ là phỏng đoán chứ chưa chắc chắn. Nông dân tụi tui mong ngành chức năng hỗ trợ, nghiên cứu kỹ về nguyên nhân cũng như cách phòng trừ, vì tiêu là một trong những loại cây trồng chủ lực của người dân ở đây”, ông Mến nói.