Y Nguyên -
Từng có một thời ấu thơ tôi mê trò chơi tung vụ. Con vụ (người Bắc gọi là con quay) được tiện bằng gỗ, tròn, trơn láng hình chóp nón. Đầu chóp con vụ cắm cây đinh mài nhọn để làm “chân” và thân vụ sơn nhiều màu. Không cần sơn giáp vòng quanh thân; chỉ một bệt sơn – lúc quay, nhờ hiện tượng lưu ảnh của mắt, vụ sẽ cho ta chiêm ngưỡng một vòng màu liền lạc.
Bắt đầu, người chơi vụ dùng một đoạn dây nhợ quấn vòng quanh thân (quấn cẩn thận, lớp lang, đừng cho vướng; nếu vướng, sẽ không tung vụ được). Một tay cầm vụ, hai ngón kẹp chặt đầu dây, người chơi tung vụ xuống nền xi măng; ngón tay giữ đầu dây, lôi ngược. Tung thành công, vụ lao xuống, lảo đảo vài vòng rồi bắt đầu quay. Chế tác đúng tiêu chuẩn, nền xi măng trơn láng cộng với việc người tung “có nghề”, vụ sẽ quay rất “bình”, rất lâu. Con vụ “bình” (tức đạt trạng thái cân bằng tối ưu) quay mạnh, quay nhanh mà nhìn như thể đứng yên (thi đánh vụ, đáng gờm là những con vụ quay như thể đứng yên; chứ con nào quay mà thấy… đang quay thì kể như thua chắc). Chỉ bằng duy nhất một chân mà vụ lại có thể đứng yên, kỳ diệu chưa? Vậy nhưng, cái lạ lùng ở đây lại chính là chỗ vụ chỉ có thể đứng yên nhờ… chuyển động! Phải, còn quay là còn đứng, quay chậm hoặc không quay thì vụ sẽ ngã.
Ấy là những ngẫm nghĩ của tôi khi đã quá nửa đời người chứ ngày nhỏ thì chỉ biết say mê cái trạng thái diệu kỳ của món đồ chơi. Nhìn con vụ đứng bất động một chân mà tha hồ tưởng tượng, mộng mơ, cứ mong nó quay mãi, quay hoài để có thể đứng mãi trên chân, đừng bao giờ ngã. Có lần, tôi đem cái mong ước “không bao giờ ngã” thỏ thẻ với cha. Cha cười, bảo: vụ cũng như người. Sao lại như người hở cha? Con biết vụ không ngã nhờ đâu không? Nhờ… nó quay! Nếu nó quay, “làm siêng” quay, nó sẽ không bao giờ ngã. Người cũng vậy, người siêng làm lụng, học hành sẽ không bao giờ ngã. Chỉ người làm biếng mới ngã thôi.
Chẳng biết đầu óc trẻ thơ của tôi “ngộ” được bao nhiêu từ câu nói của cha nhưng từ bữa ấy, hình như tôi làm lụng, học hành siêng năng hơn. Cha tôi không được học hành bao nhiêu nhưng, ngẫm ra, mới thấy ông là một “nhà giáo dục” đại tài với tôi.
Bài học của cha tôi vẫn còn nhớ, còn dùng mãi đến hôm nay. Đôi khi, giữa nghiệt ngã đời thường, thấy bất lực, thấy nản lòng muốn buông xuôi; nhưng chợt nhớ mình là con vụ, tôi lại cố gượng quay; quay để giữ mình không ngã. Và những lúc ấy, từ trong sâu thẳm, bất chợt tôi nhìn ra bóng dáng cha tôi. Người đang cúi xuống tôi với nụ cười an ủi, yêu thương. Tai tôi dường văng vẳng câu nói năm xưa: vụ cũng như người.