LÊ ANH -
Từ ngày 1-7 tới đây, hành khách đi tàu hay đi đò ngang sông nếu không mặc áo phao hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh sẽ bị phạt tiền đến 200.000 đồng, theo Nghị định số 132/2015 của Chính phủ về xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
Hành khách đi phà Cát Lái không bắt buộc phải mặc áo phao.
Khác với nghị định cũ (Nghị định 93/2013), Nghị định 132 quy định rõ ràng và chi tiết hơn nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách sau khi xảy ra nhiều sự cố tai nạn đường thủy nghiêm trọng.
Cụ thể, đối với hành khách đi tàu, đò nếu không mặc áo phao hoặc mang dụng cụ nổi cứu sinh sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Nếu hành khách không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện qua sông, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên và người lái phương tiện thì bị phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.
Đối với chủ tàu, chủ đò, nếu vẫn chở người không mặc áo phao thì bị phạt từ 200.000 đồng đến 4 triệu đồng (tùy theo sức chở của tàu). Trong trường hợp chủ tàu, đò không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao cho hành khách thì bị phạt từ 200.000 đồng đến 3 triệu đồng. Trong trường hợp được bố trí áo phao mà hành khách không mặc thì chủ tàu, chủ đò được quyền từ chối chở hành khách và được quyền không cho tàu xuất bến.
Ngoài ra, khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa, nếu thấy mà không báo kịp thời cho cơ quan công an hoặc UBND địa phương nơi gần nhất thì bị phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.
Mặc dù các quy định đã có đầy đủ nhưng theo Ban An toàn giao thông TPHCM, người dân khi đi đò vẫn chủ quan với tính mạng của mình, hành khách vẫn viện đủ lý do như trời nóng, quãng đường đi ngắn nên không chịu mặc áo phao. Hành khách chỉ chịu mặc áo phao khi có sự kiểm tra của cơ quan chức năng, còn những lúc không kiểm tra thì không ai mặc.
Hiện nay, theo quy định hành khách đi phà hay đò đều phải mặc áo phao, song có khá nhiều hành khách thắc mắc vì sao đi phà Cát Lái và Bình Khánh thì hành khách không bắt buộc phải mặc áo phao. Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban An toàn giao thông TPHCM, cho biết loại phà sử dụng ở Cát Lái và Bình Khánh là loại phà lớn với hai cửa và được trang bị đầy đủ các loại phao cứu sinh. Những loại phao này còn được kết nối với nhau thành một phao lớn với nhiều chỗ nắm cho hành khách, nếu xảy ra sự cố thì hành khách chỉ cần bám vào phao này. Vì thế, hành khách đi trên loại phà này không bắt buộc phải mặc áo phao.
Riêng đối với tàu du lịch, nhà hàng nổi trên sông, việc mặc áo phao cũng chưa được thực hiện đầy đủ. Chủ một nhà hàng nổi hoạt động ở Bến Nhà Rồng, quận 4 cho rằng đối với tàu nhà hàng nổi nếu bắt hành khách ngồi ăn mà mặc áo phao thì rất bất tiện nên dù có nhắc nhở, yêu cầu thì hành khách cũng nhất quyết không chịu mặc. Tuy nhiên, chủ nhà hàng này cho biết thêm, không vì thế mà coi nhẹ vấn đề an toàn, mỗi khi hành khách ngồi vào bàn ăn đều được nhân viên chỉ nơi để áo phao và hướng dẫn cách sử dụng. Bên cạnh đó, dưới các bàn ăn còn được bố trí các dụng cụ nổi cứu sinh phòng trường hợp hành khách không kịp lấy áo phao thì có thể lấy dụng cụ nổi.