NGUYỄN VĨNH NGUYÊN -
Trên mạng xã hội, ta dễ đi vào đời tư của một ai đó và thiết lập tình thân nhưng cũng quá dễ dàng đánh mất những quan hệ tốt đẹp. Điều gì khiến ta trở nên dễ chịu hơn và điều gì kích hoạt ta dễ gắt gỏng hơn?
Một trong những cách hiểu (khá nguy hiểm) bấy lâu, đó là cho rằng những gì diễn ra trên mạng xã hội là ảo, để đối lập với một thế giới “thực” thế giới – có thể “sờ chạm” hay cảm nhận được. Quan niệm này phổ biến từ khi vừa xuất hiện Internet. Với định kiến này, người ta phân chia đời sống của một con người trong thời đại công nghệ thông tin ra làm hai nửa: nửa cho cuộc sống trên mạng, mối quan hệ trên mạng và nửa cho những gì hiện hữu trong đời mà kẻ ấy phải đối diện trực tiếp trong thực tiễn.
Nhưng trên thực tế, thì có đúng như vậy?
Đời sống con người suy cho cùng là một tổng hòa chỉnh thể với đầy đủ vẻ sống động. Ngay cả cách phân chia thế giới theo kiểu nhị nguyên, gồm vật chất và tinh thần, cho đến nay cũng đã quá cũ kỹ, ít ai buồn nhắc tới. Thêm vào đó, việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số, mạng Internet xét cho cùng là một phương tiện lưu trữ và truyền thông thay thế (và trong nhiều trường hợp, là song hành) với các phương tiện truyền thống đảm bảo tính ưu việt, tiện ích hơn, không có nghĩa là nó làm thay đổi ý nghĩa bản chất hay cứu cánh. Một bức e-mail, suy cho cùng là một bức thư, chỉ khác trong hình thức trình bày (đọc, viết trên giấy và đọc, viết trên máy tính) còn bản chất truyền thông, giao tiếp thì hoàn toàn như nhau.
Tương tự, một đoạn nhật ký cá nhân trên blog hay Facebook thì về bản chất không khác một đoạn nhật ký viết trên cuốn sổ ngày hôm qua, cái khác chỉ là phương tiện thao tác để lưu giữ cảm xúc, ý tưởng, suy tư của ta mà thôi. Xa hơn, những mối quan hệ trên mạng thực chất cũng là tương quan con người trong cuộc sống, đó là thái độ, tình cảm giữa cá nhân này với cá nhân kia, cá nhân với cõi nhân quần mà mình đang tham dự, đó là những cuộc gặp gỡ giao tiếp dưới một phương thức mới, sao gọi này là ảo, kia là thực?
Có lẽ những gì diễn ra trên mạng bị coi là ảo, ở chỗ, người ta không hiện diện “trên không gian mạng” bằng xương bằng thịt, mà bằng tên, bằng biệt danh (nick name). Và trong nhiều trường hợp, người ta dùng biệt danh như một thứ mặt nạ, một sự nhập vai để che giấu con người thực vì những mục đích riêng, lắm khi mờ ám, gây nguy hiểm cho người khác. Đồng thời, cũng có những người dễ ảo giác bởi những mối quan hệ “diễn xuất” đó mà bị lọc lừa, gặp bất trắc. Nhưng cũng xét cho cùng, trong đời sống được coi là “thực”, có hiện tượng con người thay tên đổi họ, ngụy trang để che đậy mình, thực hiện những hành vi đáng ngờ hay không? Có. Và hẳn nhiên, cũng trong đời sống thực, cũng có những kẻ nhẹ dạ cả tin, tự huyễn, sập bẫy trước những chiêu trò mà kẻ khác đóng vai lành tạo dựng nên. Tức là cái ảo (hiểu theo nghĩa tiêu cực) ở đây, hiện diện ngay chính trong đời sống thực chứ không chỉ có trong đời sống trên mạng.
Nhưng một khi đã tự định kiến, cho rằng, những gì trên mạng là ảo, ngoài đời mới thực, thì hệ lụy kéo theo đó là người ta dễ mất trách nhiệm với những hành xử trên thế giới mạng. Có những tình bạn được xây dựng năm này qua tháng khác, vậy mà chỉ trong một phút bốc đồng trên mạng, trong cơn say của cái tôi ích kỷ, được kích động bởi đám đông đứng ngoài cuộc, người ta có thể dễ dàng làm đổ vỡ. Kể cả trong các mối quan hệ gia đình, được cho thiêng liêng, đôi khi trong một cơn bốc đồng nào đó muốn khẳng định bản thân trước những người khác, những lời lẽ không phải dành cho người thân yêu dễ được công khai hóa và sau đó phải rất lâu những vết thương gây ra “trên mạng” mới được lành lặn…
Mạng là cộng đồng, nhưng mỗi con người trên cộng đồng đó, là một cá nhân riêng lẻ. Một khi không xem không gian giao tiếp và những tương quan thiết lập qua mạng là nghiêm túc, không nhìn thấy mối dây trực tiếp liên đới với thực tiễn cuộc sống của mình, con người ta dễ đánh mất những nguyên tắc sống và lơ là trách nhiệm vun đắp hướng tới sự tốt đẹp và nhọc công đuổi theo những phô trương hão huyền.
Có lẽ ngoài việc xem mạng chính là đời thực để có bản lĩnh và trách nhiệm hơn với những mối quan hệ trong đời sống thì việc chấp nhận sự khác biệt, đa dạng nơi người khác cũng là điều giúp những cá nhân trong xã hội số không trở nên đơn độc và vị kỷ. Thêm vào đó, sự độc lập cá nhân sẽ giúp con người sử dụng những tính năng mà công nghệ mang lại một cách tối ưu, hữu ích, đem lại giá trị cao cho quan hệ cộng đồng, cho lao động và sáng tạo.
Công nghệ, như các chuyên gia dự báo, rồi đây sẽ đi xa hơn những gì chúng ta hình dung, sẽ tạo ra những “thực tế ảo”, máy tính sẽ được gắn với cơ thể con người và tác động lên thần kinh một cách trực tiếp. Cho dù là như thế, thì điều mà những người tạo ra công nghệ mong muốn, vẫn là, các phát minh sẽ làm cho đời sống con người giàu có hơn, và ngược lại, chẳng ai mong muốn con người sẽ làm nô lệ cho máy móc hay máy móc can dự tiêu cực vào tương quan con người, đánh mất đi những gì làm nên con người – xã hội.
Trong thế giới công nghệ, mặt địa cầu rồi đây sẽ không còn khái niệm vùng hẻo lánh. Tất cả, địa lý và cả chuyển động tâm lý con người sống trong lòng nó sẽ được công cộng hóa trên không gian “big data” (dữ liệu lớn). Vì vậy, trang bị kỹ năng, kinh nghiệm chung sống một cách hài hòa với tha nhân là một đòi hỏi muôn thuở, nhưng đã khoác vào hình thái, biên độ và ý nghĩa mới.
Và chỉ khi nào không còn nghĩ đó là không gian ảo, khi nào hiểu ra mỗi hành vi ở trên mạng có thể tạo ra một nỗi đau khổ hay hạnh phúc rất thật cho tha nhân thì lúc đó cái cái sự ảo giác về hai nửa cơ thể trong một con người mới thực sự chấm dứt, chúng ta mới thực sự sống đầy đủ trọn vẹn với con người của mình.