Chánh Tài -
Các công cụ số hóa hiện diện ngày càng phổ biến trong mọi loại hình nghề nghiệp. Chúng giúp tăng năng suất lao động, nhưng đồng thời cũng gạt bỏ những người có kỹ năng số hóa thấp ra khỏi thị trường việc làm.
Mức độ ngày càng cao
Ngày 15-11 vừa qua, Viện Brookings (Mỹ) công bố một báo cáo nghiên cứu, cho thấy mức độ sử dụng các công cụ kỹ thuật số đang tăng mạnh mẽ ở 517 nghề nghiệp trong tổng số 545 nghề nghiệp được khảo sát trong giai đoạn 2002-2016. Con số 545 nghề nghiệp này chiếm 90% tất cả các loại hình nghề nghiệp trong nền kinh tế của nước này.
Báo cáo dựa vào dữ liệu khảo sát nghề nghiệp của Bộ Lao động Mỹ để đánh giá mức độ sử dụng công nghệ số hóa ở mỗi nghề nghiệp theo thang điểm từ 0-100. Báo cáo cho biết điểm trung bình về mức độ sử dụng công nghệ số hóa ở tất cả 545 nghề nghiệp là 29 vào năm 2002 nhưng con số này đã tăng lên 46 vào năm 2016, tăng 57%.
Báo cáo nêu bật sự cần thiết ngày càng lớn của các kỹ năng số hóa đối với người lao động ở mọi loại hình công việc. Theo báo cáo, người lao động ở mọi ngành nghề từ tài chính, kinh doanh cho đến y tế, dịch vụ điện nước giờ đây đang dành một phần thời gian đáng kể trong mỗi ngày làm việc để sử dụng các công cụ đòi hỏi kỹ năng số hóa.
Một số nghề nghiệp, đặc biệt là những nghề liên quan đến dịch vụ có mức lương cao, từ lâu đã sử dụng các công cụ kỹ thuật số. Các dịch vụ kỹ thuật, tài chính, bảo hiểm, truyền thông đều có mức điểm số hóa trên 50. Các nghề nghiệp như nhân viên phát triển phần mềm, phát triển ứng dụng đứng hàng đầu trong số những công việc cần kỹ năng số nhất vào năm 2002 lẫn năm 2016.
Nhiều nghề nghiệp không đòi hỏi hoặc đòi hỏi rất ít kỹ năng số hóa vào năm 2002, nhưng giờ đây chúng lại đòi hỏi nhiều hơn những kỹ năng này. Hiện nay, mức độ số hóa trong các nghề nghiệp liên quan đến dịch vụ nhà kho, sản xuất hàng hóa cơ bản, vận tải và xây dựng đều đã tăng mạnh so với năm 2002.
Chẳng hạn như công việc của nhân viên nhà kho. Những nhân viên này giờ đây sử dụng các thiết bị cầm tay để theo dõi hàng tồn kho và các thiết bị phát ra cảnh báo khi nhân viên nhà kho chuyển nhầm một thùng hàng lên xe tải.
Đe dọa việc làm
Báo cáo của Viện Brookings cho biết, những nghề nghiệp đòi hỏi kỹ năng số hóa cao thường có mức lương tốt hơn và tập trung ở các trung tâm công nghệ như Thung lũng Silicon, thành phố Seattle và thành phố Austin.
Mức lương trung bình của nhóm nghề nghiệp đòi hỏi kỹ năng số hóa cao là 73.000 đô la Mỹ/năm. Các nghề nghiệp như chuyên viên phát triển phần mềm, quản lý tài chính có mức lương trên 100.000 đô la Mỹ/năm. Mức lương của nhóm nghề nghiệp có kỹ năng số hóa thấp như nhân viên bảo vệ, đầu bếp, công nhân viên xây dựng chỉ trên dưới 30.000 đô la Mỹ/năm.
“Điều chúng tôi phát hiện là một công việc càng đòi hỏi nhiều kỹ năng số hóa thì sẽ có mức lương càng cao và ít có nguy cơ bị thay thế”, Mark Muro, học giả cao cấp ở Viện Brookings, đồng tác giả của bản báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ của các công cụ kỹ thuật số vào gần như mọi loại hình nghề nghiệp cũng là mối đe dọa thực sự đối với việc làm chứ không phải robot. Nhiều người bị lao động gạt ra bên lề vì không được trang bị các kỹ năng số hóa. Nhiều người lao động khác có thể đứng trước nguy cơ mất việc làm vì không nhanh chóng nắm bắt các kỹ năng số hóa mới.
Bên cạnh đó, khi các công cụ số hóa ngày càng phổ biến thì số việc làm cũng giảm đi, vì nhờ chúng một người lao động có thể đảm nhận khối lượng công việc cần nhiều người làm trước đây. “Số lượng nghề nghiệp đòi hỏi kỹ năng số hóa thấp đang ngày càng giảm”, ông Mark Muro cho biết.
Ông Muro cho rằng vấn đề cấp bách hiện nay là các chính quyền thành phố ở Mỹ cần phải chuẩn bị tính sẵn sàng về kỹ năng số hóa cho người lao động thông qua việc phân bổ thêm nguồn lực cho giáo dục khoa học máy tính và mở các chương trình đào tạo đội ngũ lao động, trong đó nhấn mạnh đến các kỹ năng số hóa.