Xu hướng xây dựng thân thiện với môi trường thông qua các giải pháp giảm nhẹ công trình, sử dụng công nghệ tiên tiến đã và đang trở thành xu hướng của nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam, giá cả vật liệu và chính sách lại chưa hấp dẫn các chủ đầu tư dự án.
Biết nhưng còn ngại
Trao đổi với một số doanh nghiệp địa ốc, hầu hết cho biết họ rất chú trọng việc sử dụng vật liệu xây dựng “xanh” nhằm góp phần bảo vệ môi trường trong các dự án chung cư. Chẳng hạn Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long từ nhiều năm nay đã sử dụng gạch không nung cho tất cả các dự án nhà ở của doanh nghiệp này, trong đó có dự án EHome 3, EHome 4, EHome 5... Ông Cao Tấn Thạch, Giám đốc khối quản lý dự án và xây dựng của công ty này, cho biết việc sử dụng gạch không nung đã giúp tiết kiệm được 20-25% thời gian thi công dự án, đồng thời, giảm bớt chi phí cho việc đầu tư phần móng công trình khi tổng trọng lượng của mỗi tòa nhà nhẹ hơn từ 20% so với việc sử dụng gạch nung.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nhận định, giá cả loại gạch không nung hiện còn khá cao, cho nên dù biết rằng sử dụng gạch này là bảo vệ môi trường nhưng họ rất lúng túng trong bài toán cân đối chi phí.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng ngoài chi phí cao, tâm lý của khách hàng hiện nay cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn vật liệu xây dựng của doanh nghiệp. Cụ thể, khách hàng thường không dễ chấp nhận một loại vật liệu mới vì e ngại độ an toàn của nó nên họ vẫn thích các dự án được xây bằng gạch truyền thống hơn.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, TS. Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp quan niệm sử dụng gạch không nung sẽ làm tăng kinh phí đầu tư là sai lầm. Vị tiến sĩ này giải thích, sử dụng vật liệu không nung sẽ làm giảm tải 30% cho công trình, tiết kiệm được tổng kinh phí đầu tư 15-18%, đồng thời cũng rút ngắn đáng kể thời gian thi công.
[box type="bio"] Bộ Xây dựng cho biết sẽ thực hiện thí điểm dự án "Thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành xây dựng" nằm trong chương trình Năng lượng sạch Việt Nam tại các tỉnh thành Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ.
Chương trình do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện. Theo đó, các địa phương sẽ được hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản lý, thu thập, phân tích, xây dựng và sử dụng dữ liệu năng lượng trong xây dựng tại các tòa nhà văn phòng, bệnh viện, khách sạn, chung cư, trường học, tòa nhà thương mại...[/box]
Xu hướng văn phòng xanh
Tháng 4 năm ngoái, tòa cao ốc văn phòng President Place tọa lạc tại góc đường Nguyễn Du-Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM đi vào hoạt động. Đây là một trong những tòa nhà xanh tại thành phố, với thảm cây xanh trên mái nhà giúp giảm việc sử dụng máy điều hòa nhiệt độ. Ngoài ra, tòa nhà cao 13 tầng này còn được thiết kế với kính lấy ánh sáng tự nhiên góp phần hạn chế thất thoát năng lượng và giảm bức xạ nhiệt, được lắp đặt các thiết bị tiết kiệm nước và có hệ thống xử lý nguồn nước thải để tái sử dụng. Được biết, với những thiết kế này, tòa nhà đã tiết kiệm năng lượng khoảng 12% và hơn 45% nước.
Với những lợi ích đó, nhiều tòa nhà cao tầng hiện nay cũng có xu hướng sử dụng các công nghệ xanh nhằm tiết kiệm năng lượng cho công trình, trong đó có việc sử dụng tường thạch cao để cách âm, cách nhiệt, chống cháy cho công trình.
TS. Trần Bá Việt, Phó viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng, nêu kinh nghiệm từ tòa nhà cao 65 tầng Lotte Center tại quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết sử dụng tường thạch cao sẽ giảm được tải trọng 270 kg trên mỗi mét vuông so với việc sử dụng gạch đất sét nung truyền thống. Việc sử dụng tường thạch cao cũng góp phần tiết kiệm điện sử dụng máy lạnh cho các công trình.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xây dựng cho biết sở dĩ họ còn “lạnh nhạt” với các vật liệu này là vì chi phí. Cụ thể, sử dụng tường thạch cao sẽ phải tốn thêm 300.000 đồng cho mỗi mét vuông so với gạch đất sét nung. Điều đó khiến các công trình cao ốc sử dụng vật liệu xanh chỉ xuất hiện đơn lẻ chưa trở thành một trào lưu cho các chủ đầu tư hiện nay.
Tại một cuộc hội thảo về vật liệu xây dựng không nung gần đây, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cũng đã nêu thực trạng này, cho rằng Nhà nước cần hoàn thiện các cơ chế chính sách ưu đãi cụ thể cho sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng không nung, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và sử dụng loại vật liệu xây dựng này.
Mạnh Tùng