Thứ hai, Tháng Một 27, 2025

Không dễ du lịch chợ đầu mối

Đoàn Xá -

Gần đây, TPHCM có đề án chuẩn bị đưa những chợ đầu mối nông-thủy sản ở vùng ngoại ô thành những địa điểm du lịch phục vụ du khách. Đề án này thực sự đã gợi ra nhiều tiềm năng đáng chú ý nhưng để thu hút được khách du lịch, nhất là người nước ngoài, là điều không hề dễ dàng bởi có rất nhiều rào cản ở những khu chợ đầu mối này.

Cho-Hoc-Mon_nTiểu thương đang bốc dỡ hàng hóa tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn – một trong hai chợ đang thí điểm mô hình chợ an toàn thực phẩm. Ảnh: Thành Hoa

Bắt đầu từ chợ nông sản Hóc Môn (xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn), chợ đầu mối nông sản và gia súc lớn nhất thành phố. Mỗi ngày, hàng trăm tấn rau, củ quả cũng như thịt heo từ đây mà được đưa về các khu chợ dân sinh khác. Thế nên, không có gì lạ khi chợ này luôn có mức độ ô nhiễm rất cao. Vào buổi sáng khi chợ bắt đầu vãn khách, hàng hóa hầu như đã được mua bán xong thì rác thải ở khắp nơi. Những khi trời có mưa, rác thải kết hợp với nước thải và nước cống bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Đến quận 8, nơi có chợ Bình Điền – một chợ đầu mối về thủy hải sản lớn nhất ở thành phố – tình trạng ô nhiễm môi trường cũng không khá hơn. Thêm nữa, cơ sở hạ tầng ở chợ này khá chật hẹp, khiến người bán cứ bày hàng hóa tràn lan, trông rất nhếch nhác.

Ngoài việc môi trường chợ bị ô nhiễm, khung giờ hoạt động của các chợ đầu mối cũng không thích hợp lắm với du khách bởi chúng thường nhộn nhịp lúc đêm, gần sáng. Đây là nhịp hoạt động khó thay đổi vì các chợ này phải giao dịch sớm hơn chợ dân sinh thông thường một khoảng thời gian nhất định. Vả lại, phần lớn các chợ đầu mối không có dịch vụ kèm theo như ẩm thực đặc trưng của chợ. Vì thế, sẽ rất khó thu hút du khách với khung giờ như vậy, trừ phi là việc đi thăm chợ đầu mối nằm trong một lịch trình thăm thành phố của công ty du lịch.

Một nguyên nhân khác cũng khiến cho việc biến các khu chợ buôn bán đông đúc trở thành điểm đến du lịch lý thú chính là hạ tầng của các chợ đầu mối này. Cụ thể, việc các gian hàng được bố trí liền kề nhau và khá sít sao khiến cho khách tham quan không có điều kiện để nhìn ngắm, trò chuyện với người bán-người mua hay có chút không gian để chụp ảnh làm kỷ niệm. Các khu chợ nổi tiếng khi trở thành địa điểm du lịch cũng ít nhiều mất đi giá trị thương mại, khiến cho việc mua bán trở nên khó khăn hơn, như mô hình chợ nổi ở khu vực miền Tây Nam bộ. Dù gắn bó mật thiết với đời sống người dân nhưng khi trở thành địa điểm du lịch, các khu chợ này hầu như chỉ phục vụ khách du lịch, không còn buôn bán giao thương như trước đó nữa. Nói một cách nôm na, để kết hợp giữa buôn bán thương mại và du lịch thì cần làm sao để khách du lịch có một không gian nhất định để tham quan và giao lưu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối