Lê Anh-
Hiện nay, ngành đường sắt đang tung ra hàng ngàn vé tàu giá rẻ, chỉ 10.000 đồng/lượt. Thế nhưng, nhiều hành khách phản ánh rất khó mua được loại vé này. Hành khách muốn có được vé 10.000 đồng thì chỉ còn chờ vào sự may mắn.
Phản ánh với Sài Gòn Tiếp Thị, một hành khách tên Tuấn cho biết, khi biết ngành đường sắt mở bán vé 10.000 đồng tuyến Hà Nội – Vinh, anh đã túc trực trên máy tính để đặt vé. Ngày nào anh cũng vào trang web để xem, song cả tuần chẳng thấy vé 10.000 đồng để đặt mua. Vị hành khách này đặt nghi vấn, không biết có khuyến mãi giá vé như vậy hay không hay chỉ là quảng cáo để hành khách chú ý?
Tương tự, gia đình chị Huệ dự định đi nghỉ mát ở ba địa điểm gồm Huế, Đà Nẵng và Nha Trang. Để tiết kiệm chi phí, gia đình chị quyết định chọn tàu để đi. “Khi biết ngành đường sắt tung vé 10.000 đồng, tôi hồ hởi “săn vé” cả tuần nay mà chưa được vé nào. Cuối cùng tôi quyết định chuyển sang săn vé máy bay giá rẻ”, chị Huệ phàn nàn.
Với cách bán vé như hiện nay, hành khách không dễ mua được vé tàu 10.000 đồng. Ảnh: Anh Quân
Trước phản ánh của nhiều hành khách về việc khó mua vé tàu 10.000 đồng, một nhân viên tư vấn của trang vetau.com.vn cho biết, đối với chặng Hà Nội – Vinh, đường sắt Việt Nam sẽ mở bán vé ngẫu nhiên đồng giá 10.000 đồng/vé trong khoảng từ 1-6 đến 31-8. Mỗi tàu SE35 và SE36 chỉ có 10 vé rẻ/ngày và hành khách mua vé trước khi tàu chạy 72 giờ.
Tìm hiểu kỹ mới biết, cách phân bổ vé ngẫu nhiên của ngành đường sắt khác hoàn toàn với hàng không. Đối với vé máy bay, hành khách chỉ cần truy cập vào trang web là đã thấy vé giờ nào, chặng nào có khuyến mãi dù chưa đặt và thanh toán tiền. Ví dụ, hãng Vietjet thường bán vé giá rẻ trong khung giờ từ 12 đến 14 giờ, khi đó hành khách sẽ vào những khung giờ đó để “săn” vé rẻ. Hành khách nào nhanh tay thì sẽ mua được.
Còn đối với ngành đường sắt thì hoàn toàn khác. Với một chuyến tàu 1.000 vé thì chỉ có 10 vé được bán khuyến mãi 10.000 đồng. Khi truy cập vào trang web thì tất cả các vé đều là giá bình thường. Loại vé 10.000 đồng chỉ xuất hiện khi hành khách đặt lệnh mua vé và lệnh chuyển tiền, lúc đó hành khách mới biết được mình mua được vé 10.000 đồng hay là vé bình thường.
Cách khuyến mãi của ngành đường sắt được hành khách đánh giá là thiếu tính thực tế, khiến hành khách chán nản và không còn tin vào cách khuyến mãi kiểu như vậy. Hành khách tên Huệ đã đề cập ở trên, cho rằng loại vé khuyến mãi nên để hiển thị theo cách đặt trước có trước, chứ không nên để ngẫu nhiên may rủi như cách mà ngành đường sắt đang áp dụng. Nếu khuyến mãi mà để theo kiểu may rủi thì khó thu hút được khách đi tàu.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, vé tàu giá 10.000 đồng chỉ là một trong hàng loạt chính sách linh hoạt trong điều chỉnh giá vé để thu hút hành khách đi tàu.
Thông thường giá vé tàu được ngành đường sắt điều chỉnh tăng, giảm theo từng chặng, từng loại chỗ, theo thời gian bán vé và thời gian đi tàu. Ví dụ, giá vé được điều chỉnh tăng với những ngày người dân có nhu cầu đi lại cao hoặc giảm giá vé các ngày, các chặng người dân có nhu cầu đi lại thấp. Đồng thời, việc tăng giảm giá vé còn theo ngày bán vé, theo ngày đi tàu. Ví dụ, mua vé trước nhiều ngày sẽ có giá rẻ hơn, có khi giảm đến 50%, còn nếu mua đi ngay thì giá cao hơn. Hiện tại, các chặng mà đường sắt có áp dụng vé 10.000 đồng là chặng Hà Nội – Vinh, Nha Trang – Huế, Hà Nội – Sa Pa (Lào Cai)…
Với việc tung ra các vé “siêu rẻ” ngành đường sắt kỳ vọng sẽ kéo khách trở lại sau một thời gian mất thị phần vào tay các hãng hàng không. Song nhiều người cho rằng, với cách khuyến mãi giá vé phụ thuộc vào sự may rủi này thì rất khó để hành khách lựa chọn di chuyển bằng tàu hỏa.