Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Không khó để chuẩn bị bữa cơm cho gia đình bận rộn

Những bữa cơm với đủ các thành viên trong gia đình không còn là một hoạt động thường xuyên của nhiều gia đình vì mỗi người đều bận rộn với những công việc khác nhau. Nhiều người đã chọn mua thức ăn nhanh và ăn tại chỗ mua do sự tiện lợi, nhưng cũng có nhiều gia đình luôn dành thời gian cho việc mua nguyên liệu và chuẩn bị những bữa ăn chung tại nhà, trong đó có mua nguyên liệu trực tuyến.

Một chợ trực tuyến bán thực phẩm, rau xanh cho những gia đình sống tại một chung cư tại quận Tân Phú, TPHCM.

Mẹo làm cơm nhà cho gia đình bận rộn

Theo chị Nguyễn Phạm Khánh Vân - người đã đăng nhiều bài viết về gia đình, xã hội cũng như cách nấu những món ăn ngon cho gia đình trên Facebook được nhiều người xem, không nhất thiết cơm nhà là phải ra chợ, tự tay mua nguyên liệu về làm, cũng như không bắt buộc do chính tay vợ hoặc chồng đứng ra nấu nướng. Hiện nay, các dịch vụ mua sắm, giúp việc, siêu thị trực tuyến (online) nhằm chia sẻ áp lực đi chợ, nấu ăn cho các gia đình bận rộn đã trở nên phổ biến. Tại các siêu thị, mọi người đều dễ dàng mua các món đồ đã qua sơ chế, thậm chí đã được ướp và nêm nếm sẵn, các gia đình chỉ cần mua về chế biến theo khẩu vị của mình. Hiện cũng có nhiều địa chỉ bán thực phẩm rau online, với dịch vụ giao hàng tận nơi.

“Nếu như bận rộn và không khéo tay, mọi người có thể gọi các dịch vụ nấu ăn gia đình với những suất ăn làm sẵn, chỉ cần đem về làm nóng lại là cả nhà đã có một bữa cơm chung cùng nhau. Đây là một trong những giải pháp cho nỗ lực duy trì bữa cơm gia đình của những người bận rộn”, chị Khánh Vân gợi ý.

Không chỉ vậy, tại các khu chung cư hiện nay, để phục vụ người bận rộn, các nhóm nhỏ cư dân sinh sống tại chung cư và khu vực lân cận đã lập ra nhóm chat trên các ứng dụng mạng xã hội như Facebook hay Viber để cung cấp thực phẩm tận nhà. Những gia đình bận rộn có thể đặt mua nguyên liệu giao tận nhà sau khi đi làm về và chỉ mất khoảng 30 phút để hoàn tất bữa ăn cho gia đình nhỏ.

Tầm quan trọng của bữa cơm chung

Theo thông tin về cuộc khảo sát với 100 gia đình được đề cập trong một chương trình về bữa cơm gia đình của VTV gần đây, số bữa ăn tại nhà của người Việt Nam đang giảm: trung bình từ 4 xuống 2,7 lần/tuần, thời gian ăn cũng giảm từ 45 phút xuống còn 31 phút /bữa.

Sự bận rộn của các thành viên trong gia đình là một trong những lý do chính của sự sụt giảm trên. Ngoài ra, thực tế cho thấy ngày càng có nhiều người trẻ thích dùng cơm hộp, cơm phần được bán ở tiệm ăn, cửa hàng tiện lợi thay vì về nhà tham dự bữa cơm gia đình vốn mang nhiều giá trị truyền thống. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người, trong đó có không ít các bạn trẻ cố gắng sắp xếp thời gian để về ăn cơm tại gia đình vì họ tin rằng điều này giúp tăng thêm sự gắn kết, chia sẻ giữa các thành viên trong nhà.

Chị Khánh Vân đánh giá cao tầm quan trọng của bữa cơn gia đình và luôn sắp xếp thời gian để chuẩn bị ít nhất một bữa cơm cho các thành viên gia đình ăn chung mỗi ngày. Bí quyết để kết nối các thành viên trong gia đình, nhất là khi chị và chồng luôn bận rộn, là làm cho bữa cơm chung trở thành thói quen không thể thiếu của mỗi thành viên.

“Nếu biết sắp xếp thời gian và thao tác trong bếp tốt, chỉ cần mất 20-30 phút là đã có một bữa cơm ngon để cả nhà cùng thưởng thức”, chị Khánh Vân chia sẻ. Chị cũng là một thành viên của ban giám khảo tại vòng chung kết cuộc thi Vào bếp cùng mẹ - một sân chơi ẩm thực nhằm truyền cảm hứng yêu thích nấu ăn và khơi gợi giá trị của bữa cơm gia đình do Sài Gòn Tiếp Thị và 4P Foods tổ chức. Vòng chung kết của cuộc thi đã diễn ra vào ngày 5-8 vừa qua.

Cuộc thi Vào bếp cùng mẹ - một sân chơi ẩm thực nhằm truyền cảm hứng yêu thích nấu ăn và khơi gợi giá trị của bữa cơm gia đình do Sài Gòn Tiếp Thị và 4P Foods tổ chức.

Có mặt ủng hộ vợ và con gái tham gia cuộc thi Vào bếp cùng mẹ, anh Nguyễn Tuấn Linh (40 tuổi, ngụ quận 9, TPHCM) cho biết, cơm nhà cũng chính là nếp nhà mà gia đình anh đã duy trì đều đặn trong 11 năm nay. Theo anh, bữa cơm chung là chất kết dính các thành viên, giúp anh hiểu được tâm tư, mong muốn của vợ và con gái sau những áp lực công việc, học hành. Để bữa cơm thêm ngon và ấm cúng, anh chị quy ước chỉ nói chuyện vui trong khoảng thời gian cả nhà cùng ngồi bên mâm cơm. Anh nói: “Cơm nhà không khó, sự bận rộn cũng không phải là vấn đề. Điều quan trọng là mỗi người có đặt gia đình vào vị trí ưu tiên số một hay không”.

Nói về bữa cơm gia đình, chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Lý Thị Mai cho biết: Hai nơi không thể thiếu trong ngôi nhà của các gia đình Việt Nam là bàn thờ gia tiên và gian bếp. Thiếu bếp hoặc thiếu sự chăm sóc bếp thì nhà sẽ rất lạnh lẽo. Từ bếp, những bữa cơm gia đình đầm ấm được trân trọng dọn lên và mọi thành viên luôn quây quần ở đó.Không có gì đáng buồn bằng cảnh ngôi nhà nguội lạnh. Cơ sở chế biến cơm hộp và thức ăn nhanh đã quá nhiều ư? Xin đừng lấy sự tiện lợi nhất thời thay thế cho hạnh phúc cùng ăn cùng ở bền vững. Cả hai vợ chồng đều quá bận rộn ư? Những người làm việc thực sự chuyên nghiệp sẽ không nói như vậy. Có những gia đình từ sáng sớm đã lo chuẩn bị chu tất cho bữa ăn sáng cùng nhau, bữa cơm trưa để hai vợ chồng mang đến cơ quan. Bữa trưa tuy mỗi người phải ăn ở một nơi khác nhau nhưng bầu khí gia đình ấm áp vẫn luôn bên họ. Đó là một giải pháp rất đáng yêu. Những người đã có vị thế xã hội thì không nên vào bếp ư? Xin mượn câu nói của bà cố Thủ tướng Anh quốc Margaret Thatcher là để góp phần giải tỏa sau những giờ làm việc căng thẳng ở chính phủ, khi về nhà bà chỉ mong làm một bữa ăn cho mọi thành viên trong gia đình cảm thấy ngon miệng.

Kiến Nghiệp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối