Lê Anh-
Để giải quyết tình trạng kẹt xe, cơ quan chức năng đã cho xây cầu vượt tại các nút giao dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng cầu vượt chỉ là một giải pháp, khó có thể giải quyết tình trạng kẹt xe nếu như không mở thêm hướng dẫn vào sân bay.
Có cầu vượt vẫn kẹt
Ngày 3-7, cây cầu vượt bằng thép tại nút giao Trường Sơn (trước cổng sân bay Tân Sơn Nhất) và một nhánh cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Đây là một trong những dự án thực hiện theo cơ chế cấp bách để giảm kẹt xe cho các cửa ngõ dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, ngày 20-7 vừa qua, cửa ngõ dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất lại xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Điều đáng chú ý là, trong khi ở phía dưới chân cầu vượt dòng xe không di chuyển vì kẹt cứng thì trên cầu vượt lại vắng xe đi.
Mặc dù Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết nguyên nhân gây ra kẹt xe là do va chạm giao thông và một xe buýt chết máy, nhưng một số chuyên gia vẫn cho rằng việc vội vàng xây cầu vượt mà chưa tính toán kỹ với các giải pháp khác nên chưa thể mang lại hiệu quả.
Ông Phạm Sanh, chuyên gia nghiên cứu giao thông, cho rằng cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn mới chỉ làm hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi hướng từ sân bay ra lại chưa xây dựng. Vì thế, dòng xe đi từ đường Phạm Văn Đồng và dòng xe đi từ sân bay ra vẫn xung đột nhau trên đường Trường Sơn.
Bên cạnh đó, việc chỉ cho xe ô tô đi trên cầu vượt, còn xe máy vẫn phải đi phía dưới nên vẫn xảy ra xung đột giao thông. Những người đi xe máy từ phía công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay vẫn phải đi đến điểm giao giữa đường Trường Sơn với đường Hồng Hà đã tạo thêm điểm giao cắt giữa các làn xe.
Theo ông Sanh, việc xây cầu vượt chỉ có lợi khi xe đi từ đường Trường Sơn vào sân bay. Các hướng còn lại giao cắt vẫn như vậy, nên việc xây nhiều cầu vượt khi quy hoạch bên trong sân bay vẫn chưa xong thì sau này rất khó để các dự án liên kết với nhau. “Các cơ quan chức năng cần tính toán khoa học chứ không nên đổ tiền làm nhiều cầu vượt cấp bách rồi hiệu quả mang lại chưa tương xứng với số tiền bỏ ra”.
Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM, cho biết hội đã nhiều lần phân tích lượng hành khách ra/vào sân bay vào giờ cao điểm trong dịp tết cũng chỉ chiếm 11% số lượng dân TPHCM lưu thông trên đường Trường Sơn. Vì thế, việc xây xong cầu vượt, mà đường Trường Sơn vẫn tắc là điều dễ xảy ra. Điều này đã cho thấy khi đường Trường Sơn tắc nghẽn hàng giờ, thì trên cầu vượt chỉ loáng thoáng vài chiếc ô tô đi lại.
“Tôi khẳng định kẹt xe đường vào Tân Sơn Nhất là không phải do hành khách ra vào sân bay, mà do từ khi đường Phạm Văn Đồng đưa vào khai thác, người dân đi qua đường Trường Sơn rất lớn nên mới xảy ra kẹt xe như vậy”, ông Phúc nói.
Theo ông Phúc để giải quyết tình hình kẹt xe đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất cần nhiều giải pháp kết hợp. Tuy nhiên, giải pháp đơn giản nhất và nhanh nhất hiện nay là mở thêm cổng ra/vào sân bay. Việc mở thêm cổng ra vào sân bay tốn ít tiền thì không làm, lại vội làm cầu vượt với số vốn 240 tỉ đồng mà chỉ phát huy được một nửa tác dụng.
Nhiều lái xe qua khu vực Tân Sơn Nhất cũng cho rằng, việc phân luồng chưa hợp lý cũng là nguyên nhân gây ra ùn tắc. Một tài xế tên Hải cho biết hiện nay, hướng đi từ sân bay ra đường Hồng Hà vẫn phải đi ra tận vòng xoay (sát đầu công viên Hoàng Văn Thụ) để quay đầu khiến đường Trường Sơn càng quá tải. Theo tài xế này, cần mở dải phân cách thẳng từ trạm thu phí sân bay để đi ra đường Hồng Hà, khi đó xe từ sân bay đi ra sẽ thoát ra đường Hồng Hà để giảm tải cho đường Trường Sơn.
Trong lúc đường Trường Sơn tắc nghẽn hàng giờ, thì trên cầu vượt chỉ loáng thoáng vài chiếc ô tô đi lại. Ảnh: Thanh Xuân
Tìm giải pháp
Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho biết trước mắt sẽ cho gắn sáu camera ở khu vực các tuyến đường gần sân bay để quan sát và thông tin ngay tình hình giao thông khi có dấu hiệu kẹt xe. Khi thấy dấu hiệu kẹt xe qua camera thì các đơn vị có liên quan phải cử ngay lực lượng ra giải quyết.
Bên cạnh đó, sở sẽ cho rà soát lại tất cả các giao lộ trên đường Trường Sơn, nếu có thể sẽ mở rộng các góc đường để dòng xe thoát nhanh hơn. Song song đó là giải pháp điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu giao thông ở nút giao thông Lăng Cha Cả và lắp đèn tín hiệu tự động để điều chỉnh thời gian chu kỳ đèn phù hợp tùy lượng xe trên đường.
Sở GTVT TPHCM cho biết, theo quy hoạch sẽ có tuyến hầm chui, hướng từ sân bay ra đường Hồng Hà, để xe không giao cắt với nhau dưới chân cầu. Tuy nhiên, giai đoạn một mới chỉ xây dựng được cầu vượt, dự kiến hầm chui sẽ được xây dựng ở giai đoạn hai.
Cùng với các giải pháp trước mắt, nhiều dự án giảm kẹt xe vào sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, đến nay các dự án này vẫn đang chờ phê duyệt hoặc chờ giải phóng mặt bằng.
Đầu tiên là việc mở thêm cổng vào sân bay trên đường Thống Nhất cũng như các vị trí khác trên các tuyến đường Trường Chinh, đường Phạm Văn Bạch, đường Tân Sơn, đường Quang Trung. Hôm 10-7, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ GTVT với chính quyền TPHCM, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết việc mở thêm cổng vào sân bay cần phải chờ Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thì mới thực hiện được.
Một dự án khác để giảm tải cho Tân Sơn Nhất là tuyến đường chạy song song với đường Cộng Hòa đến nay vẫn chưa thực hiện được. Vướng mắc ở dự án này là đoạn đi sát hàng rào của sân bay. Ông Thanh cho biết, đây là phần bảo hiểm đường băng, nếu làm đường công cộng sát dải bảo hiểm đường băng có thể uy hiếp an toàn bay. Do vậy, vấn đề này còn phải nghiên cứu.
Một số dự án khác như mở rộng đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ Công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh và đoạn nối từ đường Phổ Quang), mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa, cải tạo đường Cộng Hòa (từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, quận Tân Bình)…
Theo Sở GTVT các dự án này hiện đang giải phóng mặt bằng nên chưa thể thực hiện. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, sở sẽ phối hợp với các quận liên quan như Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp đẩy nhanh bồi thường giải phóng mặt bằng.