Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Không nên để người dân tỉnh khác rời TPHCM lúc này

(SGTT) -  PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ; vừa điện thoại hỏi tôi vì sao nhiều người dân vội vã rời Sài Gòn để về quê như vậy.

Cứ tưởng là việc nhỏ nên chính quyền chưa kịp quan tâm bởi đang tập trung chống dịch, hạn chế lây lan, giảm tử vong và lo toan đủ thứ. Báo chính thống chỉ đưa tin, bài thoáng qua nhưng mạng xã hội thì tràn ngập tin, bài kèm hình ảnh minh họa. Có trang dùng tít giật gân như Đào thoát, Thảm họa… Báo chí đưa nhiều tin xót xa như em bé mấy ngày tuổi ngồi xe máy cà tàng cùng cha mẹ vượt hơn 1.500km từ Sài Gòn về Nghệ An. Cha địu con 2 tuổi bằng xe máy từ Đồng Nai về Hà Tĩnh. Một số người còn đi bộ từ Bình Phước về Đắk Lắk, Kon Tum, Cà Mau… Việc bỏ phố về quê, không chỉ ở TPHCM mà còn các tỉnh phụ cận.

Bên cạnh đó là những câu chuyện cảm động vì được tiếp tế thức ăn, nước uống, xăng xe hay chút tiền mặt của bà con các tỉnh dọc đường. Có người được mời lên ô tô, xe lửa chở thẳng về quê. Nhiều tỉnh có chủ trương hẳn hoi, đón dân tỉnh từ Sài Gòn về quê tránh dịch, dĩ nhiên là phải cách ly theo qui định. Một số tỉnh còn thuê máy bay chở dân tỉnh về quê, có nơi còn được cảnh sát giao thông hộ tống… Những việc làm này, vô tình cổ vũ dân các tỉnh rời TPHCM.

Ảnh minh họa: TTXVN

Số đông hơn thì vì nhiều lý do, cứ rời Sài Gòn tự phát, bất chấp khó khăn và cả nguy hiểm dọc đường. Vì tự phát nên đến nơi, nhiều tỉnh không nhận vì ngoài kế hoạch. Về bị từ chối, quay lại không xong, loay hoay hơn gà mắc tóc, chẳng biết xoay xở thế nào. Quê mình không nhận thì biết đi về đâu?

Một phần nào đó, trách nhiệm cũng có từ giới truyền thông và chính quyền tại chỗ bởi thông tin chưa đủ hay kịp thời trấn an họ. Dịch bệnh xảy đến không chừa một ai, nó có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào, lúc nào tiềm ẩn nguy cơ. Về quê, đổ bệnh, y tế càng vất vả vì không đủ điều kiện. Về quê, chắc gì đã có việc làm hay thu nhập?

Có một điều chắc chắn là dịch bệnh sẽ bị khống chế. Vấn đề là nhanh hay chậm, tùy thuộc vào chiến lược phòng chống của mỗi quốc gia và sự hợp lực của từng người dân. Ùn ùn bỏ phố về quê là dịch chuyển lao động bất thường, có thể tạo nên hiệu ứng dây chuyền không tốt cho xã hội. Mai này, bớt dịch, lại trở về tìm việc, trong khi công việc sản xuất đình đốn vì thiếu hụt và đảo lộn lao động.

Các tỉnh thành, thay vì khuyến khích người dân của họ hồi hương, tốn kém cách ly, đưa đón… thì nên dành kinh phí và công sức hợp lực với chính quyền thành phố lo cho dân của mình. Các tỉnh đều có hội đồng hương, giúp đỡ nhau với sự bảo trợ của quê nhà. Việc làm này có thể phần nào hiệu quả hơn cách làm mà một số tỉnh đang thực hiện.

An dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; cũng cấp bách và quan trọng không kém việc phòng chống dịch hiện nay. Chủ trương ai ở nhà nấy, cùng Nhà nước chống dịch mà người dân cứ lũ lượt rời Sài Gòn thật không ổn, nếu chưa muốn nói là tạo tâm lý bất an cho cả những người ở lại, kể cả người thành phố.

Đã biết vì sao dân tỉnh rủ nhau rời Sài Gòn thì việc mời họ ở lại không khó. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã tha thiết "Mời bà con các tỉnh ở lại chích ngừa” và chung tay với người Sài Gòn chống dịch. No đói có nhau, ngọt bùi san sẻ, cùng sát cánh bên nhau vì một Sài Gòn nhân văn, hào nghĩa, càng gian nan càng thể hiện tính cách và phẩm hạnh của mỗi người.

Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối