Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Không nên nuôi chuột bạch trong nhà

Nguyễn Thị Loan (Hà Nội) -

Từ nhiều năm nay, trào lưu nuôi chuột bạch (chuột có lông trắng) làm cảnh đã phát triển rầm rộ trong nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng, cũng như các tỉnh, thành trên cả nước nói chung. Chẳng vậy mà một số ít những chủ buôn bán kinh doanh loại chuột bạch cảnh này đã làm ăn phát đạt, khi các lồng chuột mà họ mang bày bán ở bên đường, lề phố luôn thu hút sự chú ý của rất đông người qua đường.

Đã nhiều lần quan sát những lồng chuột bạch được bày bán bên đường, tôi thấy những con chuột bạch nhỏ, xinh xắn và rất đáng yêu. Chính vì chúng có màu trắng muốt rất đẹp, lại rất lanh lẹ nên hầu như khách hàng nào đã dừng xe vào xem là y như rằng sẽ mua một con. Một con chuột (tính cả chiếc lồng nho nhỏ) có giá khoảng 30.000-50.000 đồng. Thức ăn của loại chuột này cũng chỉ đơn giản là thóc, gạo, ngô, các loại củ, quả... và nói chung là rất dễ tìm nên nhà ai cũng có thể nuôi được.

Nuôi chuột bạch làm cảnh trong nhà cũng mang lại cho người nuôi niềm vui quanh việc chăm sóc, nhìn ngắm chúng như khi ta nuôi chim cảnh, cá cảnh. Nhưng về mặt an toàn cho sức khỏe của con người thì có điều đáng chú ý.

Theo một số y, bác sĩ, cũng như các nhà khoa học khuyến cáo thì chuột bạch là loài gặm nhấm, ăn tạp, dễ mang nhiều nguồn bệnh dịch, vì vậy người dân không nên nuôi chúng trong nhà để làm cảnh. Được biết, việc nuôi chuột nói chung và nuôi chuột bạch nói riêng thường chỉ được tiến hành tại các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học để làm thí nghiệm.

Thiết nghĩ, để mọi người, mọi nhà có sự hiểu biết đúng đắn về việc nuôi con vật cưng trong nhà, trong trường hợp này là chuột bạch, các cơ quan có chức năng ở địa phương cần phổ biến cho người dân các thông tin và những rủi ro khi nuôi chuột bạch trong nhà, và nếu có nuôi thì phải chăm sóc sao cho đúng. Hiện nay có nhiều người tự nhân giống chuột bạch để kinh doanh nhưng hoạt động này dường như bị bỏ ngỏ mà không có cơ quan chức năng nào kiểm tra hay giám sát.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi thấy ý kiến này cùng với căn cứ nuôi chuột bạch trên google hoàn toàn trái ngược nhau. Có một ý kiến rất hợp lý rằng: nuôi chuột bạch trong phòng thí nghiệm vì chúng có bộ mã tương tự con người, vì vậy chuột bạch không có dịch hạch như các con chuột khác, trừ khi chúng ta không dọn vệ sinh cho chúng. Và vết cắn của chuột cũng tương tự.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối