Nhật Linh-
Không chỉ tại khách sạn và spa, hiện nay nhiều gia đình cũng sử dụng đèn khuếch tán tinh dầu để tạo mùi thơm cho căn nhà của mình. Với nhiều người, mùi thơm tạo cảm giác dễ chịu, song giới chuyên môn khuyên nên cẩn trọng khi sử dụng sản phẩm tạo mùi thơm.
Tinh dầu được bày bán tại một cửa hàng ở quận 10, TPHCM. Ảnh: Vũ Yến
Đa dạng sản phẩm
Tháng 9 vừa qua, anh Bình nhà ở quận Tân Bình, TPHCM được đối tác tặng một chiếc đèn xông tinh dầu bằng điện. Cách sử dụng khá đơn giản, anh chỉ việc đổ nước vào đĩa trên cùng của đèn, cho khoảng 3-4 giọt tinh dầu vào, cắm điện đợi một lúc là mùi hương bắt đầu tỏa ra.
Anh Bình cho biết, tham khảo thông tin trên mạng thấy nói mùi thơm tinh dầu có những tác dụng đuổi côn trùng, diệt khuẩn, tạo cảm giác dễ chịu cho cơ thể… “Hiện tại tôi đang đốt tinh dầu sả. Tôi thấy khá dễ chịu, nhà cũng có mùi thơm hơn. Tuy nhiên, không biết sử dụng lâu dài vào mỗi buổi tối và ban đêm ở phòng ngủ thì có hại gì không?” anh thắc mắc.
Tương tự, chị Mai nhà ở quận 1, TPHCM cũng sử dụng đèn xông tinh dầu cả năm nay. Chị thường mua loại tinh dầu được người bán giới thiệu là hoàn toàn tự nhiên. Chị Mai cho biết đã thử qua nhiều mùi tinh dầu, từ bạc hà, oải hương đến sả chanh và hoa hồng. Tùy vào tình trạng sức khỏe, có ngày chị thấy mùi này dễ chịu, nhưng có hôm chị thấy ngộp với mùi đó, thậm chí hơi xây xẩm mặt mày sau khoảng 10-15 phút đốt.
“Thời gian mang bầu tôi cũng vẫn đốt tinh dầu trước khi đi ngủ. Giờ có em bé rồi, không biết có nên sử dụng nữa không, nếu sử dụng thì có hại gì cho bé không?” chị Mai phân vân.
Ghi nhận thực tế cho thấy, trên thị trường có nhiều loại thiết bị xông tinh dầu, còn các sản phẩm mùi thơm cũng phong phú không kém.
Cụ thể, thiết bị xông tinh dầu có ba loại gồm đèn đốt bằng nến, đèn đốt bằng điện và máy phun sương tinh dầu. Đèn xông tinh dầu bằng nến có giá từ 30.000-80.000 đồng/cái. Loại đèn này làm bằng gốm sứ, có xuất xứ Việt Nam và Trung Quốc). Đèn xông tinh dầu bằng điện có giá từ 150.000-500.000 đồng/cái tùy chất liệu và kiểu dáng. Loại đèn này có xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Việt Nam. Còn máy khuếch tán tinh dầu hay còn gọi máy phun sương tinh dầu có giá khoảng 550.000 đồng đến 5 triệu đồng/cái.
Về tinh dầu, hiện nay trên thị trường có đến cả trăm loại được giới thiệu là chiết xuất từ các loại hoa (hoa hồng, hoa nhài, hoa bưởi…), các loại cây cỏ (sả, hương nhu...) và các loại trái (chanh, cam…). Ngoài những sản phẩm thông thường, một số nơi còn giới thiệu các loại tinh dầu được tạo ra từ các nguyên liệu quý như hương trầm, ngọc lan tây, xạ hương, hoắc hương, hoàng đàn... Giá của tinh dầu cũng vô chừng. Với 10 ml tinh dầu, mức giá có thể dao động trong khoảng 60.000-600.000 đồng tùy mùi hương và xuất xứ.
Theo giới thiệu của một số cửa hàng kinh doanh trên đường Điện Biên Phủ (quận 10), đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) và một số địa điểm kinh doanh ngay trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ (quận 3) và đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), tinh dầu được phân chia thành hai loại, gồm tinh dầu tự nhiên và tinh dầu nhân tạo.
Máy khuếch tán tinh dầu được bày bán tại một cửa hàng ở quận 1, TPHCM. Ảnh: Vũ Yến
Ảnh hưởng sức khỏe
Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội tinh dầu hương liệu mỹ phẩm Việt Nam, cho biết tinh dầu thiên nhiên trên thực tế có một số tác dụng tốt cho sức khỏe và tinh thần. Tinh dầu cũng là một nguyên liệu tốt và chủ yếu trong ngành mỹ phẩm và thực phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Minh, hiện tại thị trường tinh dầu của Việt Nam đang bị thả nổi. Việc kiểm định chất lượng cũng như quản lý sản phẩm này thuộc về Bộ Y tế và Bộ Công Thương, nhưng có thể do nhân lực có hạn nên hai bộ này chưa thực sự quan tâm đến việc quản lý, kiểm định chất lượng.
Theo ông Minh, do chưa quản lý chặt chẽ nên chất lượng tinh dầu trên thị trường rất đáng lo ngại. Bên cạnh một số sản phẩm chất lượng của các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh đàng hoàng thì cũng có nhiều sản phẩm trôi nổi với chất lượng chưa ai kiểm định. Nhiều sản phẩm được gắn mác thiên nhiên 100%, là hữu cơ trong khi đó là sản phẩm nhân tạo, được làm ra từ hóa chất, hương liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo ông Minh, việc sử dụng sản phẩm tinh dầu, kể cả sản phẩm chất lượng, cũng nên có liều lượng, không nên sử dụng quá nhiều. Nhà có con nhỏ nên sử dụng ít, mỗi lần đốt chỉ nên dùng 1-2 giọt. Người tiêu dùng nên thận trọng khi sử dụng các loại tinh dầu bôi trực tiếp trên da vì có khả năng gây dị ứng, kích ứng. Trước đây, trên thị trường còn có loại tinh dầu xá xị gây nghiện cho người sử dụng.
“Hiện nay, chúng tôi đã có quyết định thành lập Trung tâm thẩm định chất lượng tinh dầu TPHCM, nên hy vọng trong thời gian tới sẽ giúp cho việc phân định chất lượng tinh dầu”, ông Minh cho biết.
Một bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng (không muốn nêu tên) cho biết, tinh dầu được chưng cất từ hoa, lá cây, thân cây, vỏ cây và rễ cây nếu sử dụng (ngửi, xoa bóp, đốt, xông) đúng cách hương thơm sẽ giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi, giúp ngăn ngừa một số chứng bệnh về thời tiết. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích ứng với các loại tinh dầu. Có những người chỉ cần ngửi một chút là dị ứng, bị nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, nặng hơn có thể bị kích động, mất định hướng.
Theo vị bác sĩ này, trên thị trường vẫn tồn tại những loại tinh dầu giá rẻ, thường là hương liệu tổng hợp, có khả năng rất cao chứa một số chất tạo mùi thơm có độc tính đối với cơ thể như toluene, acetone, formaldehyde… Nếu ngửi những chất tạo mùi thơm có độc tính này lâu ngày có thể gây ung thư, dị tật bẩm sinh, vô sinh, gây tổn thương hệ thần kinh. Vì vậy người tiêu dùng nên thận trọng, nhất là những gia đình có em bé. Không nên đốt tinh dầu cả đêm trong phòng kín vì có thể hút hết khí oxy trong phòng.
Tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy, khoa Kỹ thuật hóa học của trường Đại học Bách khoa TPHCM, cũng có cùng nhận định, rằng tinh dầu nếu được chiết xuất đúng cách từ thiên nhiên sẽ có tác dụng tốt với sức khỏe (tùy loại) như làm thông đường hô hấp, giảm cảm giác đau họng, cảm lạnh, giảm ho, giảm triệu chứng của cúm, tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, tạo cảm giác sảng khoái, dễ chịu.
Tuy nhiên, nếu dùng nhiều có thể gây kích ứng đường hô hấp, nặng hơn có thể gây viêm phổi. Một số loại tinh dầu, chẳng hạn như bạc hà, không nên dùng khi nhà có trẻ em dưới 6 tuổi bởi menthol, một trong những hóa chất chính trong dầu bạc hà, có thể gây ra sự ngưng thở ở trẻ nhỏ.
Ngoài ra, tùy thuộc vào cơ địa, vào sự tương tác của tinh dầu với thực phẩm, với thuốc mà việc hít hay tiếp xúc với tinh dầu có thể gây dị ứng, hen, suyễn ở các mức độ khác nhau. Thêm vào đó, các loại dung môi (chủ yếu là rượu) được sử dụng để pha loãng tinh dầu cũng có thể là chất gây dị ứng hoặc chứa các tạp chất khác có thể gây ngộ độc hay dị ứng.
Một số tinh dầu và các thành phần có trong tinh dầu có thể tương tác với khí ozone trong không khí để sinh ra các aerosol siêu mịn hữu cơ thứ cấp, có thể gây kích ứng mắt, đường hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe nếu dùng lâu dài. Nhiều loại tinh dầu (như cam thảo, lavender) là chất độc nếu nuốt phải. Một số tinh dầu nếu thoa lên da sẽ làm da dễ bắt nắng (như tinh dầu cam, chanh).
“Trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người bệnh là các đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng đến sức khỏe nếu tiếp xúc với tinh dầu lâu dài, đặc biệt là những người có tiền sử hay bệnh ở đường hô hấp. Khi sử dụng tinh dầu cần phải chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc, sử dụng phải đúng liều lượng và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa”, ông Duy khuyến cáo.