Nguyễn Đước (TPHCM) -
Mức lương tối thiểu vùng vào đầu năm 2018 tới đây có thể sẽ không tăng hoặc sẽ tăng vào khoảng 5%. Đấy là ý kiến đề xuất (chưa được thông qua) của bên đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp – người sử dụng lao động – trong cuộc họp bàn về chuyện tăng lương cách đây mấy hôm.
Bên đại diện của giới chủ doanh nghiệp cho rằng năm 2018 không nên tăng lương tối thiểu vùng hoặc nếu có thì cũng chỉ tăng khoảng 5% vì năng suất lao động đang rất thấp, việc không tăng lương đó sẽ giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí. Trong khi bên đại diện cho quyền lợi của người lao động thì cho rằng mức lương tối thiểu vùng năm 2018 nên tăng ở tỷ lệ trên 13% thì mới đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp hiện nay.
Mức lương khởi điểm của người lao động có qua đào tạo (bằng cấp) mới được tuyển dụng là hơn 4 triệu đồng mỗi tháng và của người không qua đào tạo là 3,75 triệu đồng – một khoảng chi đòi hỏi người nhận phải hết sức tiết kiệm, vén khéo nên khó có thể tích lũy hoặc để dành phòng lúc đau ốm cho bản thân mình. Tình trạng có khá hơn một chút đối với người làm việc nhiều năm trong doanh nghiệp. Ví dụ, qua 15 năm làm việc và được liên tục tăng lương theo định kỳ (với người có trình độ đào tạo bậc đại học, ba năm được tăng lương một lần), mức lương tháng tối thiểu vùng 1 hiện nay của người này ở khoảng 5,4 triệu đồng. Nếu doanh nghiệp không chi thêm cho các khoản phụ cấp khuyến khích, phụ cấp tiền thuê nhà trọ… thì người làm việc lâu năm – nếu có con cái đang tuổi học hành – cũng khó bề xoay xở.
Thiết nghĩ, việc tăng hay không tăng lương và tăng lương tối thiểu vùng ở mức nào trong năm mới 2018 còn đang phải họp bàn nhưng chắc chắn không thể không tăng.