Thứ tư, Tháng mười hai 18, 2024

Không thiếu thuốc điều trị Covid-19, việc mua bán thuốc molnupiravir là bất hợp pháp

(SGTT) - Molnupiravir là thuốc kháng virus hiện được Bộ Y tế cấp phát miễn phí cho F0 điều trị tại nhà. Thuốc vẫn trong quá trình thử nghiệm, chưa được bán trên thị trường. Vì vậy, việc mua bán thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 là bất hợp pháp, kể cả người mua lẫn người bán đều vi phạm pháp luật.
Nghiêm cấm việc mua bán thuốc điều trị Covid-19 đang thử nghiệm

Trong những ngày vừa qua, báo chí đã phản ánh tình trạng lợi dụng tâm lý lo lắng, nhu cầu dự trữ thuốc điều trị Covid-19 và tình hình thiếu hụt thuốc molnupiravir, một số đối tượng tại TPHCM đã rao bán trên mạng xã hội các loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19.

Về vấn đề này, tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM vào chiều 9-12, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, khẳng định đây là loại thuốc chưa được phép lưu hành. Việc lưu hành các sản phẩm trên không gian mạng hoặc mua bán trên thị trường là bất hợp pháp, kể cả người mua lẫn người bán đều vi phạm pháp luật.

Hiện Sở Y tế TPHCM đã phối hợp Công an thành phố điều tra, truy vết các trường hợp có ghi nhận mua bán và sẽ báo cáo Ban chỉ đạo thành phố. Quan điểm của Sở Y tế là xử lý nghiêm tất cả trường hợp vi phạm, bà Mai cho biết.

Trả lời thắc mắc “Tại sao ngành y tế nói quản lý chặt chẽ túi thuốc C nhưng vẫn có tình trạng rao bán thuốc trên mạng?”, bà Mai cho biết tính đến nay, ngành y tế chưa phát hiện nhân viên của trạm y tế, trạm y tế lưu động có liên quan việc rao bán gói thuốc C. Tuy nhiên, để giải thích tại sao tình trạng này vẫn còn hiện hữu; ngành y tế, cơ quan công an và ban chỉ đạo vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh để làm rõ vấn đề này.

Molnupiravir là thuốc kháng virus trong chương trình thí điểm điều trị F0 có kiểm soát tại cộng đồng được Bộ Y tế triển khai đầu tiên ở TPHCM từ tháng 8-2021. Ảnh: Đ.T.

Thông tin thêm về số lượng thuốc molnupiravir, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết mới đây, Bộ Y tế cấp vừa cấp cho TPHCM hơn 25.000 liều molnupiravir. Đồng thời các địa phương đang điều chuyển hơn 12.000 gói thuốc C bao gồm thuốc kháng virus molnupiravir từ những cơ sở y tế, bệnh viện chưa sử dụng đến những nơi cần hơn để cấp phát cho người dân.

Ngoài thuốc kháng virus này, ngành y tế thành phố cũng được Bộ Y tế cung ứng 2.300 liều favipiravir cùng nhóm. Thành phố cũng được cung cấp một số loại thuốc y học cổ truyền, trong đó có 2.200 liều xuyên tâm liên từ Bộ Y tế phân bổ để hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bên cạnh đó, TPHCM còn một số loại thuốc đông y hoặc thuốc y học dân tộc, hơn 30.000 liều sản phẩm Kovir - thực phẩm chức năng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe người dân khi mắc Covid-19.

"Với tình hình hiện tại, TPHCM dồi dào về thuốc. Lượng thuốc này được quản lý, kiểm soát chặt chẽ trước tình hình F0 tăng trong thời gian qua", Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh.

Giải thích tình trạng nhiều F0 chưa được cấp phát thuốc molnupiravir khi mắc Covid-19, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM thông tin thuốc kháng virus phải sử dụng đúng đối tượng, không phải người bệnh Covid-19 nào cũng được cấp túi C.

Gói thuốc C cùng với số lượng thuốc được nhận và điều chuyển đến các trạm y tế nếu phát rộng rãi cho người vừa test nhanh dương tính SARS-CoV-2 thì không thể đủ.

Vì vậy, với người bệnh trẻ, khỏe, không có triệu chứng khi mắc Covid-19, đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin sẽ không thuộc chỉ định uống molnupiravir. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ dẫn đến hệ quả nguy hiểm, đặc biệt là kháng kháng sinh. Đây là điều rất nguy hiểm cho cộng đồng, bà Mai cho biết.

Việc tiêm mũi 3 diễn ra như thế nào?

Về kế hoạch của chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết từ ngày 10-12, TPPHCM sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại.

Các cơ sở y tế sẽ lên danh sách các đối tượng thuộc diện được tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại, phối hợp với chính quyền địa phương và công an để xác minh thông tin đối tượng.

Đơn vị tổ chức tiêm chủng sẽ hướng dẫn người dân phối hợp, cung cấp đầy đủ thông tin và lịch sử tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Sau đó, chính quyền địa phương và công an phường, xã sẽ xác minh thông tin tiêm chủng đối với danh sách những người đã đăng ký tiêm.

Đại diện HCDC cho biết, khi hoàn thành việc xác minh thông tin, địa phương sẽ chuyển danh sách đến đơn vị tổ chức tiêm chủng và đơn vị này sẽ đối chiếu danh sách đã được xác minh. Việc tiêm liều bổ sung hay liều nhắc lại sẽ căn cứ từ các thông tin đã được xác minh này.

Cùng với đó, các đơn vị tổ chức tiêm chủng cũng sẽ lưu lại các cơ sở dữ liệu tiêm chủng, danh sách người tiêm vắc-xin để sử dụng trong trường hợp đối chiếu khi cần.

Tính đến 18:00 ngày 8-12, TPHCM có hơn 482.000 ca mắc Covid-19. Thành phố đang điều trị hơn 13.100 bệnh nhân, trong đó có 473 trẻ em dưới 16 tuổi, 472 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân được can thiệp ECMO.Cùng ngày, ngành y tế ghi nhận hơn 1.200 bệnh nhân nhập viện và 1.167 bệnh nhân xuất viện, 76 trường hợp tử vong. Tổng số mũi vắc-xin trên địa bàn được triển khai đến nay là hơn 7,9 triệu mũi 1 và 6,8 triệu mũi 2.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối