(SGTTO) - Ẩn sâu trong khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, tỉnh Đắk Nông, là một hệ thống suối và thác dày đặc cùng đỉnh núi Nâm Nung cao hơn 1.500m. Du khách đừng bỏ qua cơ hội đến đây để cảm nhận không khí trong lành và vẻ hoang sơ của cảnh quan.

Với tổng diện tích hơn 20.000 ha, khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung có rừng nhiệt đới đặc trưng với nhiều tầng thực vật dày đặc. Nằm trong khu vực rừng nguyên sinh của khu bảo tồn, dãy núi Nâm Nung là nơi chia cắt khí hậu của tỉnh Đắk Nông thành hai khu vực rõ rệt, phía Nam ôn hòa mát mẻ, phía Bắc khô hanh nóng bức. Dãy núi này do đó góp phần quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái của Nâm Nung.

Nhiều lựa chọn trải nghiệm
Toàn cảnh khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung. Ảnh: NB.

Cửa rừng Nâm Nung bắt đầu từ tỉnh lộ 6, cách quốc lộ 14 khoảng 20km. Tuyến đường khám phá hệ thống thác Nâm Nung có tổng chiều dài 15km đường sóng sông. Đây là một tuyến đường đơn giản vào mùa khô, nhưng vào mùa mưa thì mọi chuyện hoàn toàn khác.

Đối với người đi bộ, xe đạp và xe máy hạng nhẹ thì đây là một cung đường khám phá hoàn hảo, nhưng với những người chu du bằng ô tô thì Nâm Nung là một thử thách thực sự dù tay lái có nhiều kinh nghiệm.

Cầu treo qua suối tại Nâm Nung. Ảnh: NB.

Khi đã đến được vùng lõi rừng Nâm Nung, du khách sẽ có nhiều lựa chọn trải nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, do địa hình và hệ thống thực vật bên trong vùng lõi Nậm Nung tương đối giống nhau nên rất nguy hiểm nếu du khách tự mình khám phá mà không có bản đồ chỉ dẫn cụ thể.

Khám phá thác Gấu và thác Bảy Tầng

Tuyến đường dễ nhất nhưng cũng đòi hỏi sức khỏe tốt, chính là tuyến đường khám phá thác Bảy Tầng nằm sâu trong rừng. Từ trạm kiểm lâm, du khách sẽ tiếp tục di chuyển vào sâu bên trong rừng chừng 5km và gặp ngã ba rẽ vào thác Gấu.

Thác Gấu là một địa điểm thích hợp cắm trại do có bãi đá rộng lớn. Ảnh: NB.

Theo lý giải của người dân địa phương, thác này được đặt tên là thác Gấu vì ngày xưa có rất nhiều gấu ra đây bắt cá. Với địa hình dốc đá và suối chảy xiết, đây là nơi sống lý tưởng của các loài cá trong hành trình sinh sản đi ngược dòng nước.

Hành trình dọc theo suối Đắk P’Rí tại Nâm Nung. Ảnh: NB.

Từ thác Gấu, du khách có thể men theo suối Đắk P’Rí để tìm về thác Bảy Tầng. Đây là một hệ thống suối tuyệt đẹp với nhiều hình thái dòng chảy khác nhau, lúc thì thác ghềnh chảy xiết, lúc thì êm đềm hòa quyện với khung cảnh thơ mộng của rừng cây.

Đi bộ khoảng 5km, du khách sẽ đến được đỉnh ngọn thác Bảy Tầng. Đây là điểm thác đặc sắc bậc nhất của Tây Nguyên với chiều cao tổng cộng gần 100m, bao gồm 7 tầng thác lớn nhỏ kéo dài vài cây số. Ảnh: NB.

Tuyến đường khám phá trọn vẹn thác Bảy Tầng là một thử thách thực sự. Du khách phải có đầy đủ thiết bị an toàn vì cách duy nhất để chiêm ngưỡng dòng thác là đi theo dòng chảy của suối. Địa hình dốc cao, suối chảy xiết nên cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là trong mùa mưa do lượng nước thay đổi thất thường.

Chinh phục đỉnh JeBri

Bên cạnh tuyến khám phá thác, cung đường chinh phục đỉnh JeBri cũng là một thử thách không đơn giản. Đỉnh chóp nón Nâm JerBri với độ cao 1.563m tuy hơi khiêm tốn so với các đỉnh khác của khu vực Tây Nguyên nhưng cung đường khám phá lại khá gian nan.

Kiến tạo của đỉnh Nâm JerBri không nằm độc lập mà nằm xen kẽ với các đỉnh khác trong cùng một dãy Nâm Nung. Vì vậy để đến được Nâm JerBri, trước đó du khách phải chinh phục hàng loạt các đỉnh núi khác.

Đây cũng là khu vực có nhiều dấu tích của các sân bay quân sự của Pháp và Mỹ, đặc biệt là có cả một hồ nước lớn được xây dựng từ thời Pháp thuộc.

Đối với những người có thể lực tốt, hành trình khám phá đỉnh Nâm JerBri cần 2 ngày và 1 đêm, nhưng 3 ngày 2 đêm mới là khoảng thời gian phù hợp nhất để khám phá trọn vẹn đỉnh núi này.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung cách thành phố Gia Nghĩa của tỉnh Đắk Nông khoảng 45km, thuộc địa giới hành chính của 5 xã Nam Nung, Nâm N’đia, Đức Xuyên (huyện Krông Nô), xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong) và xã Nâm N’Jang (huyện Đắk Song). Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung là một quần thể giàu tiềm năng kinh tế du lịch với rừng tự nhiên, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử. 

Ngọc Bảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây