Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Khung cửa mở cho thực tập sinh vào Nhật Bản

Ánh Minh-

Từ tháng 11 sắp tới, thực tập sinh sang Nhật Bản sẽ không phải đóng tiền đặt cọc cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Đây là một trong những quy định thuộc Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động-Y tế-Phúc lợi Nhật Bản.

Theo thông tin từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, MOC là bản thỏa thuận đầu tiên giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật Bản về lĩnh vực này. Bản ghi nhớ này được ký kết hôm 6-6, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Trong bản ghi nhớ có quy định doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa thực tập sinh sang Nhật Bản sẽ không được phép thu giữ tiền đặt cọc của thực tập sinh và phải công khai các khoản thu phí để tránh tình trạng thực tập sinh bị thu các khoản phí cao và trái với quy định của Việt Nam. Ngoài quy định về phí, một số giấy tờ thủ tục hành chính của Nhật Bản đối với người lao động sẽ được giảm bớt.

 laodong-nhatbanLớp học tiếng Nhật dành cho các ứng viên ngành điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản làm việc.  Ảnh: Cục Quản lý lao động ngoài nước

Giảm áp lực chi phí cho người lao động

Một trong những áp lực lớn đối với người đi làm việc ở nước ngoài là phần tiền đặt cọc cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động và các loại phí môi giới trung gian. Theo thông tin từ cuộc hội thảo “Tăng cường trao đổi nguồn nhân lực Việt Nam-Nhật Bản thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng” được tổ chức hôm 26-5 tại Hà Nội, chi phí mà các thực tập sinh sang Nhật Bản phải bỏ ra để tham gia chương trình đang ở mức cao, thậm chí cao hơn cả quy định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Trong khi đó, gần 90% chi phí này là tiền đi vay nên đã tạo áp lực về thu nhập, ảnh hưởng tới tâm lý học tập, động lực tích lũy kỹ năng của người lao động.

Cuộc hội thảo do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức đã đưa ra số liệu đáng chú ý: tổng số thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản tính đến cuối năm 2016 ước đạt trên 90.000 người. Chương trình đã đem lại cơ hội lớn cho lực lượng lao động trẻ của Việt Nam, giúp họ nâng cao thu nhập và đặc biệt là được giao lưu, học hỏi kỹ năng để phát triển nghề nghiệp.

Trên thực tế, thực tập sinh được tuyển từ những người đang tìm kiếm việc làm hoặc mới tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Sau khi trúng tuyển, thực tập sinh sẽ được đào tạo tiếng Nhật, văn hóa, phong cách sống và kỷ luật trong công việc. Thực tập sinh thường có thời gian đào tạo trước ở Việt Nam là 4-6 tháng và sang Nhật Bản đào tạo một tháng trước khi chính thức làm việc. Tuy nhiên, do yêu cầu khắt khe của thị trường, thời gian đào tạo trước khi sang Nhật Bản còn phụ thuộc vào trình độ, khả năng học tiếng của thực tập sinh và việc kéo dài thời gian đào tạo cũng ảnh hưởng tới chi phí tham gia chương trình.

Theo kết quả cuộc nghiên cứu do JICA và VEPR thực hiện, chi phí một thực tập sinh phải bỏ ra trước khi sang Nhật Bản là 5.300 đô la Mỹ (khoảng 120 triệu đồng), trong đó gần 90% là tiền đi vay. Trong khi đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định chi phí đi thị trường Nhật Bản là không quá 3.600 đô la (hơn 81,5 triệu đồng).

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), lý giải rằng một số thực tập sinh phải đóng tiền đào tạo thêm, phí môi giới trung gian (khoảng 900-1.000 đô la) nên trong thực tế tổng chi phí cao hơn số tiền mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định.

Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy, một thực tập sinh khi làm việc ở Nhật Bản trong ba năm có tổng thu nhập khoảng 44.500 đô la và sẽ tiết kiệm được khoảng 28.000 đô la. Sau khi trừ chi phí ban đầu bỏ ra để tham gia chương trình, một thực tập sinh sẽ tiết kiệm được khoảng 23.000 đô la (khoảng 500 triệu đồng) khi về nước.

 

Hướng tới minh bạch hóa thị trường

Tại cuộc hội thảo hôm 26-5 kể trên, các chuyên gia cho biết trong quá trình thực hiện cuộc khảo sát, các thực tập sinh trả lời rằng họ không biết thông tin doanh nghiệp tiếp nhận người lao động (Nhật Bản) phải trang trải các chi phí như phí đào tạo, vé máy bay… Điều này cho thấy cần phải cải thiện tính minh bạch của thị trường xuất khẩu lao động, các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp phải cung cấp, phổ biến nhiều thông tin hơn tới các bên liên quan, đặc biệt là thực tập sinh.

Ông Nguyễn Đức Thành phân tích, chi phí tham gia vào chương trình cao khiến thực tập sinh, chủ yếu là những người đến từ khu vực nông thôn, phải vay nợ trong giai đoạn đầu. Trước áp lực trả nợ lớn, thực tập sinh vì tập trung vào việc kiếm tiền mà sao nhãng việc học hỏi kỹ năng, đặc biệt trong bảy tháng đầu tiên tại Nhật Bản.

Như vậy, với MOC, người lao động sẽ được giảm bớt gánh nặng về chi phí và thủ tục. Đặc biệt, theo bản ghi nhớ này, thời hạn thực tập của thực tập sinh Việt Nam sẽ được kéo dài lên năm năm (trước đây chỉ đến ba năm). Đồng thời, mở rộng thêm nhiều ngành nghề, lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm và chăm sóc sức khỏe.

Bản ghi nhớ này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tăng số lượng thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản thực tập kỹ năng, đào tạo nhiều lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật và kinh nghiệm, tác phong làm việc của Nhật Bản. Qua đó thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, góp phần giải quyết và tạo việc làm cho người lao động trong nước.

Tiếp theo chương trình nói trên, Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi với phía Nhật Bản để hợp tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao, tạo điều kiện cho các học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học sang Nhật Bản học tập và làm việc.

Hiện tại, người lao động đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản trong thời gian ba năm thường được hưởng trợ cấp 80.000 yen/tháng (khoảng 16,4 triệu đồng) trong thời gian tu nghiệp (một tháng đầu) và hưởng lương theo hợp đồng ký với công ty tiếp nhận trong thời gian thực tập với mức lương cơ bản trong năm thứ 1 là 125.000-145.000 yen/tháng (25,7-29,8 triệu đồng), trong năm thứ 3 là 135.000-150.000 yen/tháng (27,7-30,8 triệu đồng), tùy theo từng công ty tiếp nhận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối