Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Khủng hoảng văn hóa trong kinh tế chia sẻ

Hoàng Xuân Phương-

Khủng hoảng tại Uber đã lên đến đỉnh điểm khi ngày 21-6, Travis Kalanick, người sáng lập và kiến tạo văn hóa cho Uber, rời khỏi chức vụ giám đốc điều hành mà chưa có người thay thế.

Công ty chia sẻ phương tiện vận chuyển Uber được coi là một điển hình của nền kinh tế mới dựa trên nền tảng. Uber là một ứng dụng di động cho phép hành khách kết nối trực tiếp với các chủ xe hay lái xe để chọn lựa, thuê chở hay chia sẻ phương tiện, và theo dõi hoạt động của xe mỗi khi cả hai bên cùng khai thác ứng dụng. Uber phát triển cực nhanh như một dịch vụ vận chuyển nhưng lại không phải là một hãng xe. Nó đơn giản chỉ là một phần mềm để chủ nhân các dòng xe đã được phân loại khi đăng ký tham gia cộng đồng Uber có thể phục vụ theo ý muốn của hành khách.

Không ai ngờ rằng, chỉ trong mấy tháng, cuộc khủng hoảng văn hóa doanh nghiệp tại đây đã trở nên tồi tệ với hết lãnh đạo này sang lãnh đạo khác ra đi, và nay đến lượt thuyền trưởng cũng bỏ con thuyền.

HXP3672-2--Travis-Kalanik-da-ra-diTravis Kalanick, người sáng lập và điều hành Uber, đã phải ra đi.

Tạo nên cuộc đột phá vào ngành kỹ nghệ đang độc quyền chi phối hệ thống vận chuyển hành khách là điều không dễ. “Anh phải cứng, phải mạnh mẽ chiến đấu cho điều mà anh tin”, đó là phát biểu của Travis Kalanick, người biến ứng dụng di động thành nhân tố tổ chức một hệ thống vận chuyển mới. Đột phá trở thành triết lý kinh doanh của Travis, trở thành văn hóa doanh nghiệp của Uber, và vì thế người ta dùng mọi phương thế để thực hiện. Và rồi hậu quả đang đến với Uber, trước mắt ảnh hưởng thảm hại đến hệ thống quản trị cấp cao.

Nền kinh tế chia sẻ đã khởi động nhanh, mạnh, với Airbnb năm 2008 và Uber năm 2009. Công ty Kiểm toán PwC ước tính rằng tổng lợi nhuận của 5 lĩnh vực phổ biến nhất của nền kinh tế chia sẻ gồm tài chính, nhân viên online, dịch vụ lưu trú, chia sẻ xe và chia sẻ album ca nhạc sẽ tăng lên đến mức 335 tỉ đô la Mỹ từ năm 2025. Sự thành công của Uber và Airbnb đã tạo nên những làn sóng đầu tư vào mô hình kinh tế chia sẻ với sự hưởng ứng nồng nhiệt của người tiêu dùng. Các công ty khởi nghiệp đua nhau tạo nên những uber, những airbnb cho chính mình, ở trên nhiều lĩnh vực.

Nền tảng chia sẻ đã phá vỡ các gói công việc truyền thống, nơi các công ty, tạo điều kiện cho người lao động và khách hàng tìm kiếm cơ hội tốt nhất cho mỗi bên. Nhưng nó cũng đồng thời phá vỡ các quyền lợi liên kết, từ chăm sóc sức khỏe đến bảo hiểm, từ đào tạo đến nâng cao tay nghề và cả những động cơ thăng tiến. Và đây chính là thất bại xã hội lớn nhất của mô hình kinh tế này khi chính nó không định hình nên được một lực lượng lao động cho chính mình. Về lâu dài, người lao động trong các công ty của nền kinh tế chia sẻ sẽ bị thiệt thòi. Họ không có bảo hiểm thất nghiệp, các chương trình hưu trí và các khóa đào tạo nâng cao, và cuối cùng là sự suy thoái của chính văn hóa kinh doanh mà trong trường hợp Uber đã dẫn đến những vấn đề đạo đức.

Câu chuyện về suy thoái văn hóa tại Uber được phóng viên Mickey Rapkin lưu ý trên trang gq.com từ đầu năm 2014. Rapkin nhận ra bên trong những cuộc xâm nhập thành công hết thành phố này đến thành phố khác của Uber là một loạt xảo thuật xâm phạm đến sự bình đẳng kinh doanh và cả vấn đề đạo đức. Tuy nhiên, lúc bấy giờ chưa mấy ai chú ý cho đến khi tờ The Guardian tiết lộ vào tháng 12-2016 rằng các nhân viên của Uber đã sử dụng thông tin mà họ có khi khách thuê xe để tiếp tục theo dõi khách hàng, đặc biệt các chính trị gia, những cặp tình nhân và những người nổi tiếng. Và rồi một phong trào tẩy chay Uber dưới hashtag #DeleteUber hình thành vào đầu năm 2017.

Cùng lúc này, trên một trang blog, kỹ sư Susan Fowler đã tố cáo nạn quấy rối tình dục trong thời gian bà làm việc trước đó tại Uber, và theo sau đó là những tường thuật của các cựu nhân viên như Gabi Holzwarth làm tăng thêm cơn giận dữ từ công chúng. Một cuộc điều tra trước đó cho biết Uber đã thường xuyên theo dõi vị trí của những lái xe của công ty đối thủ là Lift và tạo ra hàng ngàn tin nhắn giả để phá đám công ty này. Vì thế, trong thời gian rất ngắn sau phong trào #DeleteUber, dịch vụ Lift đã nhảy lên hàng đầu tại Mỹ.

Cuộc khủng hoảng văn hóa kinh doanh khiến nhiều nhân vật lãnh đạo chủ chốt tự bỏ ra đi, trong đó có Chủ tịch Jeff Jones và Giám đốc kinh doanh Emil Michael. Những nỗ lực chấn chỉnh cùng sa thải các giám đốc và nhân viên liên quan đã không được các nhà đầu tư coi là đủ. Cuối cùng, Travis Kalanick phải tạm nghỉ, và rồi chính thức rời khỏi chức vụ một tuần sau đó.

HXP3672-1--Uber-trong-con-khung-hoangUber đang trong cơn khủng hoảng văn hóa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối