TRUNG CHÁNH -
Nắng hạn, cộng với tình trạng xâm nhập mặn gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thế nhưng, nhiều nông dân vẫn “sống khỏe” trên thửa ruộng của họ nhờ canh tác thích ứng với hoàn cảnh.
Chọn cây trồng phù hợp vẫn có thể ứng phó được với hạn và xâm nhập mặn. Trong ảnh là nông dân đang thu hoạch dưa hấu.
Ngày 21-4 vừa qua, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đã ký quyết định công bố thiên tai xâm nhập mặn (cấp độ 1) trên địa bàn huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. Theo đó, UBND Hậu Giang đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan thực hiện những biện pháp cần thiết để hạn chế, khắc phục thiệt hại do hạn và xâm nhập mặn gây ra.
Như vậy, đến nay toàn vùng ĐBSCL đã có 10/13 tỉnh, thành công bố thiên tai hạn và xâm nhập mặn. Các địa phương đó bao gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Kiên Giang và Hậu Giang.
Còn theo thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT, tính đến nay, toàn vùng ĐBSCL ước có hơn 200.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu đất trồng lúa, bị thiệt hại do hạn và xâm nhập mặn; có khoảng 250.000 hộ gia đình với khoảng một triệu nhân khẩu không có nước ngọt sinh hoạt; hàng chục ngàn héc ta thủy sản, chủ yếu tôm và cá tra, bị ảnh hưởng và thiệt hại do hạn và xâm nhập mặn.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết trước diễn biến phức tạp như vậy, Chính phủ đã cấp hai đợt kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng để hỗ trợ nông dân, trong đó tập trung vào việc cấp nước sinh hoạt, nạo vét kênh mương, đắp đập ngăn mặn, hỗ trợ vốn cho nông dân khôi phục sản xuất.
Ghi nhận thực tế của Sài Gòn Tiếp Thị cho thấy, bên cạnh những thiệt do hạn và xâm nhập mặn gây ra, tại một số địa phương nằm trong vùng tâm điểm của hạn và xâm nhập mặn, nông dân vẫn có thể thu được hàng trăm triệu đồng từ những mô hình sản xuất nông nghiệp tiết kiệm nước.
Lãi lớn với dưa hấu
Dưới cái nắng như đổ lửa, bà Nguyễn Thị Thu Vân, ngụ xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh vẫn tươi cười nói về vụ dưa hấu vừa thu hoạch xong. “Năm nay nắng hạn, nhưng không hiểu sao ai trồng dưa hấu cũng trúng mùa, trúng giá hết”, bà Vân cho biết.
Bà kể, sau khi mất trắng hai vụ lúa do thiếu nước tưới, gia đình bà quyết định chuyển ba công ruộng (3.000 m2) sang trồng dưa hấu và kết quả là “thắng đậm”. “Với ba công đất trồng dưa hấu, vụ này tôi thu về được hơn 60 triệu đồng”, bà Vân cho biết.
Trong khi đó, tại xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, ông Nguyễn Văn Bảy cho biết với 8.000 m2 đất trồng dưa hấu vừa thu hoạch xong đã mang về cho gia đình ông khoản thu nhập kha khá. “Tám công dưa hấu tôi thu hoạch được 27 tấn, trong đó có 24 tấn dưa loại 1 có giá bán 6.500 đồng/kg và 3 tấn dưa đạp (dưa được loại ra từ dưa loại 1) giá 4.500 đồng/kg. Như vậy, vụ dưa này tôi thu được gần 170 triệu đồng”, ông Bảy tính toán.
Theo ông Bảy, sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư như phân thuốc, thuê mướn nhân công tưới…, vụ dưa này gia đình ông thu được một khoản lợi nhuận gần 130 triệu đồng. Với một gia đình nông dân như ông, đây có thể nói là một khoản lợi nhuận lớn trong bối cảnh hạn và xâm nhập mặn đang bao vây như hiện nay.
Tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, dù nước mặn bao vây nhưng nhiều nông dân vẫn vui vì dưa hấu trúng mùa, trúng giá. “Dưa hấu năm nay trúng lắm, giá lại cao nên nông dân ở đây ai cũng kiếm được vài chục đến vài trăm triệu đồng”, ông Nguyễn Văn Trường, một người dân ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết khi trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị.
Theo ông Trường, gần đây giá dưa hấu tiếp tục tăng mạnh, lên mức 9.000-10.000 đồng/kg, thậm chí có lúc đến 11.000 đồng/kg, nên chuyện trồng dưa hấu đã trở thành đề tài được người dân ở Gò Công Đông bàn tán sôi nổi. “Trước đó, người ta còn lo lắng chuyện nước tưới, tìm cách đối phó hạn mặn bảo vệ cây lúa, nhưng khi dưa trúng mùa, có giá thì suốt ngày chỉ nghe bàn về trồng dưa, dù ngoài trời nắng 39-40oC”, ông cho biết.
Thích nghi với hoàn cảnh
Theo ông Bảy, yếu tố quyết định là phải lựa chọn được cây trồng phù hợp với điều kiện khô hạn, thiếu nước tưới, tức quá trình trồng sử dụng nước càng ít càng tốt. “Với cây lúa, mình đâu thể dùng vòi hoa sen để tưới cả đám ruộng. Nhưng với dưa hấu thì có thể được, dù nó khá mẫn cảm với khô hạn”, ông Bảy nói.
Còn ông Trường thì giải thích, rằng khi cây dưa hấu còn nhỏ, mỗi ngày có thể chỉ cần tưới nước một lần, khi cây lớn hơn thì tưới hai lần và lúc cây mang trái thì tăng lên ba lần mỗi ngày. “Nhưng nhờ đậy rơm để giữ ẩm cho đất và có thể áp dụng tưới tiết kiệm bằng vòi hoa sen nên không cần phải sử dụng quá nhiều nước như trồng lúa”, ông nông dân này cho biết. Nguồn nước sông nhiễm mặn, ao hồ trữ nước ngọt cạn khô nên nông dân khai thác nước ngầm để tưới cho cây dưa hấu.
Nói về chuyện sản xuất thích ứng với hạn và xâm nhập mặn, GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, khuyến cáo cần phải sử dụng nước tiết kiệm và linh hoạt, tức phải chọn lựa cây trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước thực tế ở từng địa phương.
Đối với các tỉnh có nước ngọt quanh năm như An Giang, Đồng Tháp và một phần tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, thì tập trung đầu tư cho cây lúa, nhưng sử dụng nước tiết kiệm hơn. Đối với vùng mặn, thì nên linh hoạt theo hướng đầu tư cho cây lúa trong mùa mưa và nuôi tôm trong mùa khô. Còn ở các giồng cát ven biển, cây màu phát triển rất tốt, cho nên tập trung cho loại cây trồng này”, ông cho biết.
Muốn làm được như vậy, theo ông Xuân, trong chiến lược quy hoạch phải có sự thay đổi theo hướng phục vụ cho các loại cây trồng khác nhau ở từng khu vực khác nhau, “thay vì chỉ tập trung vào cây lúa như thời gian qua”, ông gợi ý.