Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Kiểm soát nội tạng động vật: khó!

Tự Phong

Nội tạng động vật được bán khá nhiều ở các chợ, trong đó có cả nguồn nội tạng nhập khẩu. Mặc dù biết nhiều sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng các cơ quan chức năng kiểm soát không xuể.

Nhập nhằng mục đích sử dụng

Hầu như tuần nào Chi cục Thú y TPHCM cũng bắt giữ và tiêu hủy hàng tấn thịt gia súc, gia cầm, trứng và nội tạng động vật không rõ nguồn gốc. Mới đây, cơ quan này công bố tịch thu khoảng 10 tấn nội tạng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo số liệu của Cơ quan Thú y vùng 6 (Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT), năm ngoái đã có gần 100.000 tấn thịt đông lạnh nhập về Việt Nam, trong đó có nhiều phụ phẩm như gan, tim, chân, lưỡi, đuôi, gân bò, lòng heo… Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6, cho biết những sản phẩm này đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm nên được thông quan.

Nội tạng động vật được bán tràn lan ở các chợ. Ảnh: Thành Hoa
Nội tạng động vật được bán tràn lan ở các chợ. Ảnh: Thành Hoa

Ngoài việc nhập theo kênh làm thực phẩm, hiện vẫn có một số lượng phụ phẩm thịt gia súc được các doanh nghiệp nhập về dưới danh mục “làm thức ăn chăn nuôi hoặc sản xuất phân bón”. Thế nhưng trên thực tế, cơ quan chức năng phát hiện doanh nghiệp nhập khẩu đã bán lượng thịt trên cho các quán nhậu bình dân chế biến làm các món nhậu hàng ngày. Chính sự thay đổi “mục đích” này khiến việc kiểm soát nội tạng trên thị trường thêm phức tạp.

Cấm rồi lại cho nhập

Dư luận thắc mắc tại sao đã biết nội tạng động vật không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mà cơ quan chức năng không cấm nhập khẩu những phụ phẩm này. Thực ra, hồi tháng 7-2009, Việt Nam đã có lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nội tạng từ các nước, nhưng đến năm 2013 Việt Nam lại phải cho nhập khẩu trở lại.

Trong công văn 79/BNN-HTQT ban hành ngày 8-1-2013, Bộ NN&PTNT giải thích rằng các nước thành viên WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), đặc biệt là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã vi phạm quy định của hiệp định về các biện pháp kiểm dịch động vật, thực vật (SPS) trong việc cấm nhập khẩu nội tạng. Bộ này lo ngại, nếu Việt Nam không bỏ lệnh cấm này thì khả năng những sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó ở những thịt trường như Mỹ, EU và Úc.

Thực ra, không phải ngẫu nhiên mà bộ xóa bỏ lệnh này. Trước đó, khi đoàn công tác của bộ sang làm việc với Chính phủ Úc để giúp trái cây Việt Nam xâm nhập thị trường nước này nhằm tránh phụ thuộc vào một vài thị trường, đã phải đàm phán một trong những điều kiện để Úc chấp nhận mở cửa cho mặt hàng trái cây, đó là phía Việt Nam phải bỏ lệnh cấm nhập khẩu nội tạng từ quốc gia này.

Theo một thành viên trong đoàn đàm phán của bộ, đây chính là một áp lực của ngành nông nghiệp trong việc vừa đảm bảo cho người dân trong nước có những thực phẩm an toàn, vừa phải tìm đầu ra cho nông sản Việt Nam.

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, kể từ khi Việt Nam có lệnh cấm nhập khẩu nội tạng, và xét trên số liệu thống kê, số lượng mặt hàng nội tạng giảm mạnh từ cuối năm 2009. Song, trên thực tế lại không phải vậy.

Theo hội, dù có lệnh cấm nhưng thuế nhập khẩu động vật nguyên con lại thấp hơn 10-15% so với những sản phẩm thịt tươi đông lạnh. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp tận dụng khe hở này để nhập một số lượng bò nguyên con từ Úc, vừa có thuế nhập khẩu thấp, vừa không vi phạm lệnh cấm nhập khẩu nội tạng của Việt Nam, và thế là họ vẫn có nội tạng để bán ra thị trường.

Ở các nước, nội tạng động vật chỉ dùng để sản xuất phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi, nhưng tại Việt Nam các phụ phẩm này lại là món ăn khoái khẩu của nhiều người.

Mỗi ngày, hàng trăm quán nhậu vỉa hè với thực đơn là những sản phẩm chế biến từ nội tạng động vật như mề gà nướng, lòng heo xào cải chua, tim, cật (thận) nấu cháo, các món nướng, xào… với mức giá vài chục ngàn đồng.

Theo một đầu bếp, dù những nội tạng động vật có bị bốc mùi thối, nhưng chỉ cần ướp các gia vị, dùng rượu để khử mùi trước khi chế biến thì khó ai có thể biết món ăn được chế biến từ phụ phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối