Áp lực do công việc, sức khỏe giảm sút, đời sống cá nhân bị tác động mạnh là điều khó tránh khỏi đối với bất cứ ai đã và đang sống và làm việc ở các thành phố lớn. Do đó, kiểm soát stress (căng thẳng) là việc rất cần thiết để đạt hiệu quả công việc cao và cải thiện đời sống tinh thần.
Là trợ lý cho tổng giám đốc một công ty lớn, với những đề xuất sắc xảo, công việc và ý tưởng luôn sáng tạo, anh Nguyễn Tâm được sếp đánh giá là một người có năng lực. Tuy nhiên, trong hai tuần nay do công việc nhiều khó khăn, căng thẳng nên anh Tâm thường xuyên cáu kỉnh, dễ nổi giận, mất tập trung, hay quên, ăn không ngon, mất ngủ, căng cơ, mệt mỏi thể xác và tinh thần, khó thở. Tưởng mình mắc bệnh tim, anh Tâm đến phòng khám tâm thần khám bệnh, bác sĩ cho biết anh đang bị stress và cần phải nghỉ ngơi.
Khi người ta bị stress
Ths. Trần Thị Tâm Nhàn, chuyên gia tâm lý – giảng viên bộ môn Khoa học hành vi & Giáo dục sức khỏe – trường đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết khi bị các triệu chứng về tim mạch như tăng huyết áp, loạn nhịp tim, hồi hộp đánh trống ngực... người bệnh thường đến chuyên khoa tim mạch. Tuy nhiên, khi điều trị các triệu chứng, uống thuốc nhưng vẫn bị lặp lại thì nên nghĩ đến bệnh về tâm lý: stress.
Việc chữa triệu chứng là chữa phần ngọn, để chữa tận gốc của stress thì phải xử lý được cái nguyên cớ gây ra tình trạng tiêu cực này.
Stress không chỉ gây ra các bệnh về tim mạch. Khoa học hiện đại ghi nhận stress có thể gây ra nhiều căn bệnh khác về thần kinh, tiêu hóa, sức khỏe sinh sản - phụ khoa, cơ khớp, gây suy giảm hệ miễn dịch toàn thân. Stress được xem như thách thức không chỉ ở những nước đang phát triển mà mang tính toàn cầu đối với sức khỏe người lao động. Theo định nghĩa của Tổ chức y tế thế giới (WHO), những người bị stress cũng được xem như không khỏe mạnh, làm việc không có hiệu quả và có nguy cơ bị tai nạn cao.
Tính hai mặt của stress
Theo tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai, không phải tất cả mọi trạng thái stress đều là xấu. Trên thực tế, có những loại stress có lợi. Stress có lợi được hiểu là mức độ stress diễn ra trong khả năng kiểm soát được và trong thời gian hợp lý, giúp bạn huy động năng lực giải quyết công việc tốt, hiệu quả, cảm xúc tích cực. Nếu như không phải chịu một áp lực nào trong công việc và cuộc sống, chắc chắn bạn sẽ không tận dụng hết nguồn năng lượng và huy động mọi khả năng để hoàn thành công việc với kết quả tốt nhất. Và khi không có stress, cuộc sống của bạn sẽ trở nên buồn tẻ.
Mặt khác, nếu quá nhiều stress đến với bạn cùng một lúc thì có thể vượt ngưỡng chịu đựng và trở thành stress bất lợi. Nếu gọi stress là một quá trình, một sự tương tác giữa khả năng đáp ứng của một người nào đó với đòi hỏi được đặt ra trong môi trường sống, ta có thể liên tưởng đến hình ảnh dây đàn. Một chiếc đàn khi bị chùng dây, âm thanh của nó sẽ thiếu độ vang cần thiết. Còn nếu bị lên căng quá, dây đàn sẽ đứt. Điểm khác biệt ở đay là stress không thể “đứt” hay mất đi ngay lập tức, bởi nó chính là một phần của cuộc sống.
Vì vậy, không nhất thiết phải tìm mọi cách để loại bỏ stress ra khỏi cuộc sống của bạn, mà hãy học cách kiểm soát các áp lực do stress tạo ra.
Phòng ngừa và khắc phục
Ths. Trần Thị Tâm Nhàn cho rằng mỗi người cần tìm một chiến thuật phù hợp để phòng tránh và vượt qua stress bằng cách thư giãn, tìm kiếm sự thoải mái để bù đắp những tổn thất về tâm lý và sức khỏe do stress gây ra. Ta có thể nghỉ ngơi 5 phút, tạm quên đi những rắc rối và áp lực công việc trên chỗ làm, hoặc đạp xe, chạy bộ ngắm phố phường, tập thở bụng, tham gia các hoạt động xã hội, giúp người trên đường, tư duy tích cực, thiền.
Để sinh lực luôn dồi dào, cơ thể của chúng ta cần được hoạt động đều đặn. Nếu không được rèn luyện thường xuyên, dần dần chức năng của bộ phận trong cơ thể sẽ bị suy giảm. Vì vậy, mỗi người nên tập thể thao đều đặn, thường xuyên, ít nhất ba lần/một tuần. Chơi thể thao sẽ giúp bạn tránh được những mệt mỏi, giữ cho đầu óc luôn sảng khoái. Hoạt động thể thao làm giảm bớt đi căng thẳng, giải phóng xúc cảm và khiến ta ngủ ngon hơn.
Đặc biệt, “một nụ cười là mười thang thuốc bổ”, khi bạn cười, những cơ ở cằm và cơ bụng sẽ giãn ra khiến bạn thở sâu hơn, những căng thẳng và mệt nhọc dường như biến mất. Thở sâu có thể được xem như một kỹ thuật giữ bình tĩnh để đối phó với những tình huống căng thẳng. Thậm chí nếu rèn luyện thở sâu thường xuyên còn có thể ngăn ngừa phần lớn khả năng bị căng thẳng. Vì vậy, hãy tập cách hít thở sâu một hoặc hai lần trong ngày để luôn giữ được sự cân bằng thần kinh và tâm lý. Điều cuối cùng là cần phải coi trọng việc ngủ đủ giấc mỗi ngày vì giấc ngủ rất quan trọng, giúp bạn tái tạo sức khỏe thể chất cũng như tinh thần.
Minh An