Thái Hà
Với một chiếc điện thoại thông minh có nối mạng, trong thời gian rảnh rỗi bạn sẽ làm gì? Lướt Facebook, Twitter, chơi Candy Crush? Hay chơi những trò chơi trực tuyến có thu phí...?
Thay vì tiêu tiền để giết thời gian, thì nay bạn có thể kiếm tiền bằng cách này: tải về app gọi là Spare5, sử dụng nó để mô tả giày phụ nữ cho một cửa hàng bán lẻ trên mạng Zulily. Sau một giờ đồng hồ tag vào các tấm hình với các từ “xăng-đan”, “đế bằng”… bằng kiến thức không phong phú lắm về giày phụ nữ, bạn có thể kiếm được 1,3 đô la Mỹ. Và đây mới chỉ là một trong nhiều ví dụ thôi.
Các công ty Internet tìm ra cách giúp mọi người kiếm tiền bằng cách chia sẻ xe hơi (như Uber), cho thuê căn hộ (như Airbnb) và làm những công việc lặt vặt. Giờ họ muốn cho mọi người có thêm một cách kiếm tiền nữa từ thời gian chết (những người bận rộn đôi khi cũng có thể lâm vào tình cảnh có thời gian chết) như ngồi xe buýt, chờ gọi tên ở phòng khám, phòng làm thủ tục hành chính…
Đây là bước tiếp theo rất lô-gic của cái gọi là “nền kinh tế chia sẻ”. Thế hệ đầu của những công ty này là TaskRabbit, Lyft, Airbnb, Fiverr đã biến con người thành những người chủ rất nhỏ (micro-entrepreneurs), đưa cho họ những thị trường trực tuyến để kiếm lợi nhuận từ kỹ năng hay tài sản của mình.
Spare5 biến con người thành những người chủ siêu nhỏ (nano-entrepreneurs). Nó không thay thế cho một công việc thực tế, nó thay thế cho việc chơi Candy Crush, cho việc nhấn nút like dạo trên Facebook. Thay vì chi tiền để đổi lấy những đồng xu ảo trên trò chơi trực tuyến, bạn có thể kiếm tiền.
“Mỗi người chúng ta thời nay đều có những phản xạ có điều kiện mới, nếu bạn phải ở trong thang máy vài phút, thể nào bạn cũng rút điện thoại ra làm cái gì đó”, Matt Bencke, Tổng giám đốc của Spare5 khẳng định. Công ty của ông tuần này vừa có 3,25 triệu đô la được rót từ các công ty đầu tư mạo hiểm Madrona Venture Group, New Enterprise Associates, Foundry Group.
Có những tag (từ khóa dùng tựa như nhãn để mô tả) chính xác và chi tiết – một dạng siêu dữ liệu (metadata) – trở thành điều rất quan trọng trong thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng tìm chính xác qua mạng mẫu thời trang họ muốn, ngôi nhà với kiểu thiết kế thích hợp, phòng khách sạn với tầm nhìn hoàn hảo. Mướn nhân công để làm công việc khổng lồ này rất khó. Và như vậy Spare5 ra đời như một giải pháp đáp ứng cho nhu cầu của các khách hàng.
Getty Images, hãng bán hình ảnh khổng lồ bắt đầu dùng Spare5 để cải thiện chất lượng dữ liệu hình ảnh của họ. Một lựa chọn khác cho những công ty như Getty là thuê nhân công từ những nơi rẻ như Ấn Độ để tag hình ảnh cho họ. Nhưng theo ông Steve Heck, Giám đốc phụ trách CNTT của Getty thì huấn luyện nhân công bên ngoài làm tốt và giữ họ làm việc dài lâu là những thách thức.
Getty cũng có một lựa chọn khác là sử dụng thị trường nhân công trực tuyến Mechanical Turk của Amazon nhưng Heck nói rằng dịch vụ đó không đưa cho ông nhiều sự kiểm soát lên những người làm việc cho các dự án của Getty. Phần hấp dẫn của Spare5 đối với Getty, theo lời của Heck, là có thể sàng lọc những người đủ tư cách để làm việc với Getty, dựa trên sự quan tâm và sự tinh thông của họ. Trước khi dùng app Spare5 đăng ký làm cho Getty, họ phải trả lời qua một bản câu hỏi sát hạch.
Khoảng 12.000 người tải về Spare5 và 25% trong số đó sử dụng thường xuyên, theo số liệu từ công ty này. Một trong những người đó là Courtney Dale, nhân viên thiết kế của công ty kiến trúc ở Metairie (bang Louisiana, Mỹ). Cô kiếm 126 đô la trong tuần qua khi sử dụng app này 2-3 giờ mỗi ngày. “Số tiền không lớn nhưng nó làm tôi nhận ra tôi có thể làm được gì trong thời gian chết, và nhận ra rằng thật lãng phí thời gian khi chơi trò Angry Birds”, cô gái 25 tuổi nói.
Nhưng cũng có những người không muốn đồng nhất “thời gian rảnh” với “lãng phí thời gian”, như giáo sư Arun Sundararajan ở trường Đại học Tổng hợp New York. “Thời gian rảnh là điều tốt nên có, để bạn tái tạo sức sản xuất”, ông nói, “Bạn không muốn sử dụng tất cả mọi giây phút trong đời để kiếm tiền đâu”.