Chánh Tài -
Tính sáng tạo, cộng với một chút táo bạo đã giúp một doanh nhân trẻ ở Nhật Bản xây dựng thành công một ứng dụng chợ trời trên di động. Chỉ trong vòng năm tháng sau, anh này đã bán nó với giá 62 triệu đô la Mỹ, theo Bloomberg.
Ý tưởng độc đáo
Doanh nhân thương mại điện tử Yusuke Mitsumoto có một băn khoăn, rằng nếu người mua trả ngay lập tức cho người bán số tiền những món đồ cũ được bán trên mạng thì liệu họ có chắc chắn hàng có được giao không.
Hồi tháng 6, Yusuke Mitsumoto, người sáng lập công ty khởi nghiệp Bank, đã tung ra một ứng dụng có tên gọi Cash để thử nghiệm ý tưởng này. Cash là nơi để mọi người chào bán đồ cũ, không cần dùng đến nữa. Người bán chỉ cần chụp hình món đồ cần bán và đăng lên Cash để được chào mua một lần duy nhất, không thương lượng.
Giá chào mua được thiết lập tự động dựa vào dữ liệu được thu thập từ các thị trường mua bán đồ cũ khác. Nếu người bán đồng ý, Mitsumoto sẽ chuyển ngay tiền đặt cọc cho họ. Phần tiền còn lại sẽ được thanh toán sau khi giao hàng. Cash kiếm lợi nhuận bằng cách bán lại những món đồ đã mua.
Cash vận hành hiệu quả hơn so với những gì Mitsumoto tưởng mong đợi. Chỉ sau 16 tiếng Cash đi vào hoạt động, số tiền mua đồ cũ đã lên đến 360 triệu yen (3,2 triệu đô la Mỹ), buộc anh phải tạm thời gỡ ứng dụng. Ngày hôm sau đó, các xe tải chở quần áo và đồ điện cũ ùn ùn kéo đến và các nhân viên của Mitsumoto phải dàn hàng để chuyển các gói đồ vào trong văn phòng nhỏ bé của anh ở Tokyo.
Tính cả thảy, chỉ có trung bình chưa đến một trong 10 người không giao hàng như cam kết. Chỉ như vậy thôi đã quá đủ để Mitsumoto tái mở ứng dụng Cash vào tháng 8 và xem nó như là cách thức mới để gom hàng hóa cũ phục vụ thị trường chợ trời trực tuyến.
Mitsumoto khống chế giá trị mua đồ cũ mỗi ngày ở mức 10 triệu yen (90.000 đô la Mỹ) và chỉ mua smartphone, các túi xách, đồng hồ và áo quần cao cấp cũng như một số món đồ khác.
Cách đây năm năm, anh đã khai trương trang stores.jp, nơi anh mua bán đồ cũ. “Tất nhiên, tôi tin rằng người tốt sẽ luôn nhiều hơn người xâu nhưng vấn đề là nhiều hơn bao nhiêu. Đó không phải là điều mà bạn có thể nắm được nếu không thử nghiệm”, anh nói.
Buôn bán đồ cũ là một ngành kinh doanh lớn ở Nhật Bản với giá trị thị trường đạt 1.600 tỉ yen mỗi năm, theo tạp chí Reuse Business Journal. Chi nhánh Yahoo ở Nhật Bản đang quản lý trang web bán đấu giá trực tuyến đồ cũ lớn nhất nước là auctions.yahoo.co.jp. Trong khi đó, Mercari là công ty khởi nghiệp đầu tiên của Nhật Bản được định giá hơn một tỉ đô la Mỹ nhờ sở hữu ứng dụng cho phép mọi người mua bán đồ không còn cần dùng đến.
Tỉ phú thâu tóm
Những gì Mitsumoto đã tìm ra ở Cash chính là cách thức để loại bỏ rào cản cuối cùng, giúp người bán nhanh chóng giải phóng đồ cũ còn giá trị đang nằm trong xó tủ. Anh đang tận dụng một thị trường nơi mà mọi người hoặc là thiếu thời gian hoặc thiếu kiên nhẫn để chụp những bức ảnh đẹp cho món đồ định bán cũng như viết những lời mô tả về món đồ đó đồng thời không thích mặc cả mệt mỏi với những người mua.
Anh biết rằng sớm muộn gì các đối thủ lớn hơn sẽ bắt chước mô hình kinh doanh của anh. Vậy nên, khi được tỉ phú Keishi Kameyama hỏi mua ứng dụng Cash vào hôm 4-10, Mitsumoto hiểu rằng anh đã có hướng đi để bứt phá khỏi cuộc cạnh tranh.
Ông Kameyama với tổng tài sản 3,5 tỉ đô la Mỹ, là người sáng lập công ty internet DMM.com, một đế chế công nghệ và truyền thông với doanh thu 1,6 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Công ty này kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gồm nền tảng giao dịch ngoại hối, video game, khóa học tiếng Anh trực tuyến, trang trại điện gió...
“Đối với những người kinh doanh internet ở Nhật Bản, DMM là một cái tên đáng sợ. Bạn sẽ không bao giờ biết khi nào họ có thể bắt chước mô hình kinh doanh của bạn và sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm. Nên tôi cho rằng tốt nhất là cứ thử gặp đã”, Mitsumono nói.
Hôm 21-11, công khởi nghiệp Bank của Mitsumono đồng ý bán Cash cho DMM.com với giá bảy tỉ yen (62 triệu đô la Mỹ) và Mitsumoto tiếp tục giữ vai trò quản lý của Cash. Một tuần sau khi thương vụ được thông báo, Mercari đã cung cấp một dịch vụ tương tự Cash.
Kameyama cho biết đội ngũ của ông nhận ra tiềm năng của thị trường vừa được khai phá của Mitsumoto, nhưng đội ngũ nhân sự đã có kỹ năng và kinh nghiệm của Cash là một phần ông muốn “thâu tóm” chứ không hẳn là giá trị tài sản và dịch vụ của Cash.
“Kinh doanh trên internet không phải là hoàn toàn vốn và thiết bị. Bạn cần phải có sự nhạy bén nhất định, khả năng nắm bắt ý tưởng và đưa một dịch vụ vào hoạt động. Tôi đánh giá cao những người hành động táo bạo. Không có quá nhiều người táo bạo trên thế giới này”, Kameyama nói.