Ngọc Trung -
Khi giá bitcoin vượt qua mốc 10.000 USD/coin, một số nhà khoa học máy tính vẫn có thể kiếm được bitcoin mà không phải trả đồng nào, theo tờ Le Point.
Họ là "thợ đào" bitcoin. Một số cá nhân hoặc công ty đã tận dụng một phần của bộ nhớ máy tính để giữ chỗ đăng ký chuỗi khối (blockchain). Đây được xem là cuốn “sổ cái kế toán” liệt kê mọi giao dịch trong thế giới tiền ảo đã được mã hóa. Và khi giá bitcoin tăng chóng mặt, một số người đã tích lũy được một khoản tiền không nhỏ.
Hoạt động “đào bitcoin” đòi hỏi số lượng máy móc còn nhiều hơn lượng giao dịch mỗi ngày (khoảng 400.000 giao dịch). Con số này ngày càng tăng lên khi đồng bitcoin tăng giá. Để đào tiền ảo cần phải có máy tính cấu hình rất mạnh nên các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào những trung tâm dữ liệu chuyên dụng dành riêng cho việc này.
Mikko Hyppönen, giám đốc nghiên cứu và phát triển của công ty công nghệ F-Secure, nói: "Việc này chỉ mang đến lợi nhuận khi giá điện thấp”. Vì trên thực tế, lượng điện các máy đào tiền ảo tiêu thụ là cực lớn.
Thợ mỏ hacker
Thế nhưng không cần đầu tư tiền bạc để mua máy móc, một số ít hacker đã tận dụng mạng lưới máy móc họ kiểm soát được (mà khổ chủ hoàn toàn không biết). Hệ thống này khá đơn giản: sử dụng trình duyệt máy tính của bên thứ ba để đào tiền ảo. Hàng trăm "trang trại", đôi khi tạo thành hàng ngàn botnet hoạt động hàng ngày. Botnet là mạng máy tính được tạo lập từ các máy tính mà hacker điều khiển từ xa. Hacker gọi hoạt động này là "crypto-jacking".
Ông Mikko Hyppönen cho biết: "Một số người thông minh đã kiếm được hàng chục triệu đô la Mỹ”.
Hoạt động này chủ yếu ảnh hưởng đến Mỹ. Tất cả tiền ảo “đào trộm” theo cách này (hơn 1.300 bitcoin tính đến nay) đều dựa trên nguyên lý "đào tiền" để trả công cho những người đóng góp vào việc bảo vệ "sổ cái”. Và việc này đang ngày càng lan rộng ra khắp thế giới.
Ngày 2-10-2017, Công ty An ninh mạng ESET đã xác định được một nhóm “chơi bitcoin” hoạt động ở Đông Âu. Kể từ tháng 5-2017, nhóm này đã tận dụng lỗ hổng của Windows Server 2003 sử dụng trái phép một số máy tính vào việc đào tiền ảo.
Benoît Grunemwald, người đại diện ở Pháp của một nhóm như thế, ước tính: "Hoạt động này mang về khoảng 63.000 USD”.
Cảnh sát ở châu Âu gần đây đã phát hiện và triệt phá một số mạng botnet. Trong số này có một hệ thống mạng kết nối được đến 5.000 máy tính cá nhân và đạt doanh thu gần 30.000 USD/tháng.
Công ty công nghệ phần mềm Check Point cũng đã xác định được hai hệ thống đào trộm tiền ảo khác.
Thay thế quảng cáo trực tuyến
Những hoạt động nói trên có thể sẽ tiếp tục phát triển, song hành với việc bitcoin và các loại tiền ảo lên giá. Theo tờ Le Point, chỉ trong một ngày, trong tháng 11 vừa rồi, công ty Malwarebytes đã chặn được 11 triệu kết nối đến các trang web cho phép crypto-jacking.
“Điều khiến cho hoạt động này trở nên thú vị là sự mơ hồ về mặt pháp lý xung quanh nó”, Marcin Kleczynski, Tổng giám đốc điều hành Malwarebytes, trụ sở tại California, nhận xét. Ông cho rằng, trong tương lai, hoạt động crypto-jacking có thể thay thế hoạt động quảng cáo trực tuyến để trở thành nguồn doanh thu chính cho các trang web.
Một số chủ nhân các trang web còn nghĩ đến việc thay vì cho chạy banner quảng cáo thì sẽ đặt các công cụ đào bitcoin quanh những bài viết để cho người đọc nhấp vào, và chủ nhân trang web thì kiếm được… tiền.