Nguyễn Huy -
Nghệ sĩ trẻ Lài Nhựt Nguyễn đã tổ chức Talkshow Design 8#7 với chủ đề Make Art Make Money hôm 23-10 tại Mai’s Gallery, chia sẻ các câu chuyện về sự kết hợp giữa nghệ thuật và thương mại. Anh ta ngồi nói chuyện ngay chính cái nơi được xem là gạch nối giữa nghệ thuật và thương mại.
Mai Đỗ (áo xanh) cùng nghệ sĩ Del Valie Cortizas Diego tại không gian mỹ thuật ứng dụng 3A.
Trong buổi nói chuyện, Nhựt Nguyễn đã nói về khoảng cách giữa nghệ thuật và thương mại và làm sao rút ngắn được khoảng cách này, làm sao để sự sáng tạo của người nghệ sĩ thuyết phục được càng lúc càng nhiều khách hàng?
Nguyên nhân ra đời của Mai’s Gallery – Nhà ga 3A (3A Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) cũng xuất phát từ góc nhìn như câu chuyện của Nhựt Nguyễn. Chị Mai Đỗ, chủ nhân Mai’s Gallery cho biết: “15 năm trước hoạt động kinh doanh mỹ thuật của Việt Nam không mạnh. Gallery còn ít và chưa được đầu tư đúng nghĩa là một sàn giao dịch giữa họa sĩ và nhà sưu tập nên các họa sĩ sáng tác chỉ bán tranh theo kiểu thụ động. Ai biết tìm tới chứ không có những kế hoạch chỉn chu và được truyền thông rộng rãi. Tôi nhìn thấy tiềm năng còn bỏ ngỏ và thành lập Mai’s Gallery vào năm 2001. Những ngày đầu tôi chỉ sở hữu các tác phẩm khoảng vài trăm đô la nhưng hiện tại chúng tôi đã giao dịch các tác phẩm lên hàng trăm ngàn đô la”.
Để các tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam vươn ra thế giới, Mai Đỗ đã từng đầu tư một nguồn kinh phí lớn để tham gia triển lãm tranh tại New York (Mỹ), góp phần để các nhà sưu tập mỹ thuật thế giới đã biết đến các tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam. Từ đây, các hoạt động của Mai’s Gallery tại Việt Nam cũng thu hút được nhiều nhà sưu tập quốc tế tìm đến.
Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ quốc tế như Benjamin Fuah, Colin Mcgookin, Gail Joy Kenning, Glen claker, Joe Fyfe, Gilles Tran, Tiffany Chung, Rodney Dickson thường xuyên triển lãm các dự án nghệ thuật của mình tại Mai’s Gallery. Sự xuất hiện của các nghệ sĩ nước ngoài tại Việt Nam đã tạo thêm cơ hội cho nghệ sĩ địa phương giao lưu, học hỏi và nắm bắt xu hướng mỹ thuật thế giới.
Craig Thomas Gallery cũng là một phòng tranh khá nổi tiếng tại Việt Nam, được thành lập từ năm 2009. Craig Thomas là một luật sư người Mỹ đến làm việc tại Việt Nam năm 1995. Anh thành lập phòng tranh với mục đích muốn làm được công việc liên quan đến nghệ thuật tự do tự tại không bị trói buộc. “Chúng tôi tập trung hỗ trợ sự phát triển các nghệ sĩ trẻ mới bắt đầu hoặc đang lên, cũng như các họa sĩ đã có tên tuổi nhằm tạo cho họ cơ hội giới thiệu tác phẩm đến với người xem nhiều hơn. Tất nhiên, bằng các mối quan hệ của mình, chúng tôi thu hút được nhiều nhà sưu tập tranh thế giới đến đây. Điều này góp phần tạo nên sự sôi động và phong phú cho thị trường mỹ thuật Việt Nam”, Thomas nói.
Theo chị Mai Đỗ của Mai’s Gallery, thị trường mỹ thuật trong nước hiện phát triển nhưng rất khó đoán biết. Nhà nước đặt hàng tượng đài hàng trăm tỉ đồng, các bức tranh cho các cơ quan lớn của Nhà nước lên đến hàng tỉ đồng. Các nhà sưu tập nước ngoài cũng sẵn sàng bỏ ra hàng trăm ngàn đến hàng triệu đô la để mua các tác phẩm Việt Nam. Tuy nhiên, các tác phẩm được mua với giá cao không nhiều. Do đó, Mai’s Gallery có lúc hoạt động rất sôi nổi nhưng cũng có khi thu mình lại chờ thời.
Còn Craig Thomas khẳng định cho đến hiện tại lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh gallery chỉ đủ tái đầu tư và duy trì hoạt động nhưng anh tin rằng trong tương lai thị trường mỹ thuật Việt sẽ phát triển. Không hẹn mà gặp cả hai chủ nhân của hai gallery có tên tuổi ở Việt Nam hiện nay đều đầu tư mở rộng quy mô hoạt động.
Sau thời gian nép mình trong một góc hẹp, yên tĩnh đường Trần Nhật Duật, quận 3, TPHCM, Craig Thomas Gallery đã mở thêm một địa điểm mới tại đường Calmet, quận 1. Với địa điểm thuận tiện này, các tác phẩm của nghệ sĩ đến với công chúng dễ dàng hơn.
Vào năm 2014, Mai Đỗ với tư cách chủ của Công ty Mân Nghi, cùng các đối tác thành lập Khu nghệ thuật đương đại ứng dụng 3A (Athernative Art Area), số 3A Tôn Đức Thắng, quận 1. Đây là một không gian nghệ thuật mới, mang tính ứng dụng cao. Được biết số vốn đầu tư ban đầu hơn 10 tỉ đồng. Hiện tại, không gian này trở nên nhộn nhịp với các hoạt động mỹ thuật phối hợp mua sắm, ẩm thực nên trị giá của nó đã được nâng cao lên gấp nhiều lần.
“Với diện tích khuôn viên gần 2.000 m2, nằm ngay trung tâm thành phố, khu nghệ thuật đương đại ứng dụng 3A thuận tiện cho công chúng, đặc biệt là khách du lịch. Dự án bao gồm một chuỗi các không gian gồm gallery, studio, shop và boutique, kho hàng ký gửi, kho hàng từ thiện, cà phê thư giãn, không gian ở cho cộng đồng với các hoạt động định kỳ như chợ phiên nghệ thuật, chợ phiên đồ xưa, trình diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang”, chị Mai Đỗ cho hay.
Qua hai năm hoạt động, từ một khu đất trống chỉ dùng làm bãi giữ xe, Mai Đỗ và các cộng sự của mình đã biến nó thành một trung tâm rất nhộn nhịp. Đặc biệt, chị đã đẩy mạnh các hoạt động và sự kiện nghệ thuật nhằm xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, hữu ích cho xã hội. Nhiều họa sĩ tên tuổi của Việt Nam như Đinh Công Đạt, Bạch Công Khanh, Lương Lưu Biên... cũng như nhiều cái tên quốc tế đã xuất hiện tại nơi này và mang theo các tác phẩm mới lạ.
Chính sự xuất hiện của các gallery như đã nói ở trên, đã góp phần rất lớn thúc đẩy sự phát triển của thị trường mỹ thuật Việt Nam.