Để thể thao có thể phát triển, ngoài chuyên môn, giải trí là yếu tố cần đặc biệt được xem trọng bởi đây chính là lực hút cho các hoạt động đầu tư, thương mại…
Tìm sự khác biệt
Đầu năm 2018, thông tin về giải đấu futsal, bóng đá trong nhà, chuyên nghiệp của Việt Nam (VFL) được tổ chức theo mô hình bóng rổ đã khiến không ít người ngạc nhiên. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao futsal không “học” theo bóng đá như V-League- Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam, mà lại sử dụng mô hình của VBA- Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam? Mấu chốt của vấn đề chính là tính chất giải trí mà các đội bóng rổ tham gia VBA đã đem lại sau ba mùa giải cực kỳ thành công (ra đời năm 2016) và VFL cũng muốn lấy yếu tố này làm trọng. Vậy tính chất giải trí giá trị như thế nào để nhiều đơn vị thể thao phải theo đuổi?
Nửa thập kỷ trước, sự xuất hiện của đội bóng rổ Saigon Heat đã kéo theo sự chú ý của rất nhiều khán giả khi mà trước đó, mức độ quan tâm dành cho môn thể thao này kém hơn rất nhiều so với bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn… Những trận đấu của Saigon Heat khi tham gia giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á (ABL) thực sự là một món ăn tinh thần lạ nhưng cực kỳ ngon miệng. Đặc trưng của môn bóng rổ là các điểm số được ghi liên tục, mức độ cạnh tranh tính bằng từng giây, khiến bầu không khí trở nên sôi động, kịch tính. Ngoài ra, đội cheerleader (cổ vũ) với những cô gái xinh đẹp, trình diễn vũ điệu khoẻ khoắn cũng góp phần thu hút khán giả. Không chỉ có vậy, khán giả còn được trải nghiệm các trò chơi như ném rổ có thưởng vào các giờ nghỉ giải lao, dùng nước uống, thức ăn nhanh, ngồi tại khán đài VIP…
Không chỉ dừng lại ở việc chinh phục các khán giả, sức hút mà Saigon Heat tạo ra còn đánh động đến các doanh nhân, vốn nhanh nhạy trong việc nhìn ra các cơ hội kinh doanh. Đam mê nhiều môn thể thao, đặc biệt là bóng rổ, doanh nhân trẻ Lê Đăng Khoa (hiện đang được biết đến với biệt danh “Shark Khoa”) là một trong những khán giả đầu tiên của Saigon Heat và được ông bầu của đội bóng này chia sẻ tầm nhìn trong việc đầu tư vào một giải đấu bóng rổ chuyên nghiệp. Đầu tư thể thao là một lĩnh vực đặc thù vì ngoài chuyện cân nhắc lợi ích kinh tế nhà đầu tư cần phải có đam mê, phải là một fan hâm mộ đích thực để có được độ lì nhằm theo đuổi một chiến lược dài hơi. “Viễn cảnh sau 10-15 năm nữa, giá trị một đội bóng rổ có thể tăng lên 20-30 lần, tạo ra suất sinh lời cực lớn là hoàn toàn khả thi. Vấn đề là có bao nhiêu nhà đầu tư có tầm nhìn và sự kiên trì để gắn bó với lĩnh vực này”, Lê Đăng Khoa, hiện đang là ông bầu của Danang Dragons, nhấn mạnh.
VBA hiện có sự tham gia của 6 đội bóng bao gồm Saigon Heat, Hochiminh City Wings, Hanoi Buffaloes, Thanglong Warriors, Cantho Catfish và Danang Dragons và vận hành theo mô hình tương tự NBA (Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ). Sáu ông bầu của sáu đội bóng không chỉ chăm lo cho thành tích của từng đội mà còn phải có tầm nhìn chung cho cả giải đấu theo hướng thịnh cùng thịnh, suy cùng suy. Khác với các giải bóng đá hàng đầu như Premier League hay Champions League - các đại gia lắm tiền nhiều của có thể đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ để mua sắm cầu thủ nhằm nâng cấp đội hình trong thời gian ngắn, cơ cấu hoạt động của nhiều giải bóng rổ không cho phép chạy đua như vậy. Chẳng hạn, ngân sách mua sắm cầu thủ sẽ được các đội của VBA thống nhất và mỗi CLB không được chi tiêu vượt trần, thậm chí các mức lương dành cho mỗi nhóm cầu thủ cũng được thiết lập. Trong việc mua bán, trao đổi cầu thủ vào đầu mỗi mùa giải, đại diện của tất cả CLB sẽ đứng ra tuyển chọn cầu thủ rồi sau đó “phân bổ” cho mỗi đội theo hướng đội có thành tích kém nhất sẽ được lựa chọn cầu thủ đầu tiên. Những quy định trong việc tuyển mộ cầu thủ cũng được siết để tránh những việc tiếp xúc trái phép, đi đêm…
Hiện nay, chi phí để vận hành một đội bóng rổ tham dự VBA vào tầm 10 tỉ đồng/năm, số tiền này không phải là lớn so với tiềm lực các ông bầu, và tất nhiên là thấp hơn nhiều so với 30 hay 50 tỉ đồng để nuôi một đội bóng V-League hàng năm. Nhưng thách thức lại nằm ở việc các đội bóng phải thực hiện đầu tư sân bãi, mở rộng hệ thống đào tạo, tập luyện, tăng cường việc tương tác với khán giả, người hâm mộ và các khoản chi phí này cũng có thể lên đến mức hàng chục tỉ đồng/năm.
Một thống kê sơ bộ chỉ ra rằng, phần lớn người xem bóng rổ hiện nay tập trung ở độ tuổi sinh năm 2000 trở về sau. Anh Trần Việt Anh, một người chuyên kinh doanh trang phục thể thao cho biết, nhu cầu trang phục của khách hàng ở độ tuổi này dành cho bóng rổ thậm chí còn vượt cả bóng đá và nhu cầu vẫn còn tiếp tục tăng thêm. Điều tích cực là giới trẻ cũng đã sẵn sàng chi tiêu cho những sản phẩm lưu niệm, áo đấu liên quan với bóng rổ chẳng hạn như mua hàng chính hãng lên đến 500.000-600.000 đồng/áo. Các ông bầu của VBA cũng không giấu diếm ý định đưa bóng rổ trở thành môn thể thao số 2 sau bóng đá và những tín hiệu tích cực này có thể chứng minh phần nào đó sự khả thi và lạc quan.
Kỳ vọng dòng tiền tương lai
Nguồn thu của một CLB thể thao thường gồm ba nguồn chính: bán vé, tài trợ và bản quyền truyền hình. Doanh thu bán vé của các CLB VBA đang tăng trưởng khá tích cực với tỷ lệ trên 30% mỗi mùa. Trong mùa giải 2018, với 56 trận đấu, VBA đã thu hút 70.000 khán giả đến sân, trung bình 1.250 khán giả/trận, trong khi năm 2016 một số ông bầu chỉ mong có được 1.000 khán giả đến sân mỗi trận. Giá vé khá đa dạng từ 75.000 đồng, 150.000 đồng, 300.000 đồng, 600.000 đồng và 1.200.000 đồng cũng góp phần thu hút được đông đảo các đối tượng khán giả. Dòng vé VIP trên 1.000.000 đồng gần đây đã có sức tiêu thụ tốt hơn và được tiêu thụ nhanh trong các trận cầu đinh.
Nhưng vé chỉ là nguồn thu mang tính chất ổn định và trang trải cho việc vận hành đội bóng, dòng tiền lớn để tạo ra lợi nhuận hay ít nhất là đảm bảo chi phí đầu tư, nâng cấp cho đội bóng chính là tài trợ và bản quyền truyền hình. Về bản quyền truyền hình, điểm tích cực trước nhất đó là VBA thiết lập được bản quyền cho mình và chia sẻ với số lượng đài truyền hình ngày một nhiều hơn, nhưng việc có thể gia tăng thu nhập trong ngắn hạn là chưa khả thi. Vì vậy, kỳ vọng lớn nhất chắc chắn nằm ở việc tài trợ, vậy nên cũng đòi hỏi tốn nhiều công sức nhất. “Trong việc kinh doanh của bản thân, những hợp đồng đàm phán của tôi thường có quy mô hàng tỉ hoặc hàng chục tỉ đồng, nhưng từ khi làm ông bầu của Danang Dragons, chính tôi đã phải đi đàm phán từng hợp đồng tài trợ chỉ có giá vài trăm triệu đồng. Đôi khi khó khăn đến mức tôi nghĩ mình bỏ tiền túi ra có khi còn đỡ mệt hơn việc thuyết phục đối tác tài trợ. Nhưng nhìn về dài hạn, những hợp đồng nhỏ mới là những viên gạch đầu tiên để đem về những hợp đồng tài trợ lớn cho VBA nói chung hay từng CLB nói riêng”, ông bầu Lê Đăng Khoa kể lại.
Vị doanh nhân này cũng kỳ vọng rằng, số tiền tài trợ dành cho mỗi CLB trong khoảng 3-4 năm nữa có thể lên đến 10 tỉ đồng/năm và khi đạt được ngưỡng này, các ông bầu sẽ không cần phải lo cho việc tồn tại của đội bóng nữa, vì tiền tài trợ đã đủ trang trải mọi chi phí, lúc này sẽ đồng thời xuất hiện những cơ hội sinh lời khác. MB, Jetstar, Audi là những thương hiệu lớn đã hiện diện tại VBA để tạo nên giá trị cho giải đấu cũng như lan toả giá trị cho mình, bên cạnh đó là những thương hiệu tiềm năng khác như Oris, Ngọc Châu… Càng nhiều thương hiệu đồng hành, càng cho thấy giá trị thương mại của một giải đấu thể thao.
Theo mô hình hiện tại của VBA, việc một đội bóng rổ muốn gia nhập giải đấu sẽ phải trình bày đề án, được các thành viên của VBA thẩm định kỹ lưỡng và biểu quyết, nghĩa là có tiền thì cũng không dễ tham gia đầu tư bóng rổ như trước. Một cách khác nữa chính là việc tham gia cổ phần tại các đội bóng, nhưng theo thời gian, giá trị cổ phần sẽ tăng lên và có lẽ các ông bầu đến khi có thể bán được cổ phần như đã tính toán trước đây thì lại không còn muốn bán nữa vì đó là tâm huyết, là tầm nhìn và sức lực của một quá trình rất dài. Trong tương lai, sẽ không thể có thêm những Saigon Heat, Danang Dragons hay Hanoi Buffaloes thứ hai, đó cũng chính là những khoản đầu tư tiềm năng mà các ông bầu VBA đang nắm trong tay và đó cũng là phần thưởng cho sự đam mê và sự đeo bám bền bỉ.
Thái Ca