Vũ Yến
Chỉ trong một thời gian ngắn nhưng sản phẩm thịt bò Úc đã thâm nhập thị trường Việt Nam một cách đáng kể. Hiện nay, thịt bò Úc không chỉ có mặt ở các siêu thị lớn mà còn chiếm giữ vị trí trên các quầy kệ của cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm nhỏ, các chợ truyền thống ở TPHCM, thậm chí chúng còn được bán trên mạng.
Nhà nhà cùng nhập về
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết số lượng bò Úc nhập khẩu đã tăng gấp 52 lần chỉ trong vòng hai năm. Nếu năm 2012 Việt Nam chỉ nhập khẩu 3.500 con bò Úc thì đến năm 2013 số này là 67.000 con và năm 2014 là 181.000 con.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc kinh doanh và phát triển thị trường Công ty Thực phẩm sạch (TPHCM), đơn vị nhập khẩu, phân phối thịt bò Úc, cho biết hiện nay công ty ông nhập khẩu hai loại, đó là bò nguyên con và bò đông lạnh.
Bò nhập khẩu nguyên con thường là loại bò đực thiến và bò cái tơ 18 tháng tuổi, được vận chuyển bằng đường biển về Việt Nam. Sau các thủ tục kiểm tra hải quan và kiểm dịch, bò sẽ được đưa về trại nuôi nhốt và giết mổ sau khi cách ly khoảng 14-15 ngày.
Theo ông Phong, đối với nhập khẩu bò nguyên con, phía Úc quy định các nhà nhập khẩu phải thực hiện đúng các điều kiện theo hệ thống ESCAP (hệ thống xuất khẩu theo chuỗi đảm bảo), bao gồm các điều kiện về nơi nuôi nhốt, thức ăn, giết mổ..., và sẽ chịu sự kiểm tra, giám sát trực tiếp của chuyên gia Úc.
Đối với bò nhập khẩu đông lạnh (các phần như nạc đầu thăn, bắp bò, phi lê...) thì sản phẩm sẽ được đóng gói, kiểm định từ Úc, sau đó mới vận chuyển về Việt Nam.
Cũng theo ông Phong, bên cạnh các quy định và sự giám sát từ phía Úc thì quá trình nhập bò cũng như đưa ra tiêu thụ trên thị trường còn có sự kiểm tra của các cơ quan trong nước như hải quan, y tế...
Ông Phong cho rằng các sản phẩm bò Úc dù nhập nguyên con hay nhập đông lạnh đều đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. “Tuy nhiên cũng giống như việc ăn con cá tươi mới từ biển lên với việc ăn cá cấp đông, chắc chắn cá tươi chất lượng và ngon hơn”, ông Phong ví von để giải thích cho lý do lượng bò nhập khẩu nguyên con trên thị trường luôn lớn hơn lượng bò nhập khẩu đông lạnh.
Thay vì nhập bò Úc nguyên con hay mặt hàng đông lạnh, có những công ty chỉ chọn lựa một số phần trong con bò Úc (ngay sau khi phía Úc giết mổ) và chuyển trực tiếp sản phẩm thịt tươi này về Việt Nam bằng đường máy bay. Bà Nguyễn Như Quỳnh, Giám đốc kinh doanh của Công ty Lê Gia (TPHCM), đơn vị cung cấp thịt bò Úc bằng hình thức này, cho biết, theo yêu cầu từ phía Úc, muốn nhập khẩu nguyên con doanh nghiệp cần phải có quy trình đầu tư khép kín từ nuôi nhốt đến giết mổ. Theo đó, chi phí đầu tư rất lớn. Trong khi đó, tâm lý người tiêu dùng đa phần thích sử dụng thịt tươi chứ không phải thịt đông lạnh, vì vậy, Lê Gia đã chọn ngách riêng để thâm nhập thị trường.
Gần đây, một số doanh nghiệp chọn hướng đi khác, đó là nhập bò Úc còn nhỏ rồi nuôi lớn tại một số vùng của Việt Nam, Lào hay Campuchia để cung cấp thịt cho thị trường. Đơn cử như dự án hợp tác chăn nuôi bò sữa, bò thịt giữa Hoàng Anh Gia Lai và Vissan. Từ sự hợp tác này, 2.000 con bò thịt Việt Nam giống Úc đã được đưa ra thị trường vào đầu tháng 2. Cũng trong năm 2015 này, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến phát triển đàn bò thịt lên 100.000 con và trong năm 2016 sẽ là 200.000 con.
[box type="bio"] Giá thịt bò Úc tại một số siêu thị, cửa hàng ở TPHCM:
* Giá bò Úc tươi: Thăn nội khoảng 265.000-698.000 đồng/kg, thăn ngoại giá 340.000-399.000 đồng/kg, nạc đùi giá 280.000-309.000 đồng/kg, nạc vai 270.000-279.000 đồng/kg, bắp giá 245.000-299.000 đồng/kg, gầu giá 188.000-209.000 đồng/kg, nạm 188.000 đồng/kg, nạm sườn 209.000 đồng/kg, gân đầu bắp bò 173.000 đồng/kg, gân trắng 195.000 đồng/kg, gân vụn 150.000 đồng/kg; xương ống 49.000-60.000 đồng/kg, xương bộ 42.000 đồng/kg, xương đuôi giá 60.000 đồng/kg...
* Giá bò Úc đông lạnh: thăn ngoại 168.000 đồng/kg, thăn nội 349.000 đồng/kg, phi lê 539.000 đồng/kg...[/box]
Tại sao lại là bò Úc?
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan đã từng chia sẻ, trước khi có dự án hợp tác chăn nuôi bò thịt với Hoàng Anh Gia Lai, bắt đầu từ tháng 9-2013 Vissan đã thông qua Công ty Kết Phát Thịnh (Long An) cung cấp thịt bò Úc trên thị trường. Sở dĩ như vậy là do nhu cầu tiêu thụ thịt bò của người dân ngày càng tăng trong khi số lượng đàn bò trong nước ngày càng sụt giảm.
Thêm nữa, bò Việt Nam trọng lượng nhỏ, trung bình 250 kg/con, sản lượng thịt chỉ đạt 50% sau khi giết mổ; trong khi đó, bò Úc có trọng lượng lớn (trung bình 500 kg/con), tỷ lệ thịt đạt 55%.
Mặt khác, lượng bò Úc được người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn sử dụng nhiều còn do tin tưởng về độ an toàn, không dịch bệnh, thịt mềm, giá lại không cao hơn so với thịt từ bò nuôi trong nước, theo ông Mười.
Cũng có nhận định tương tự, ông Phong cho rằng nguồn bò thịt trong nước rất thiếu, do đó nhà kinh doanh phải đi tìm nguồn bò ở các nước khác. Bò Úc với các đặc điểm như nêu trên, đồng thời giá cả cũng không quá cao.
“Hiện nay giá CIF (giá nhập cảng tại TPHCM, đã bao gồm chi phí bảo hiểm, vận chuyển hàng hóa) thịt bò Úc là 4,2 đô la Mỹ/kg. Trong khi đó, nếu nhập bò Mỹ thì chi phí này tăng lên khoảng gấp đôi, thời gian vận chuyển lâu hơn, giá thành theo đó sẽ cao hơn nhiều”, ông Phong lý giải thêm.
[box type="bio"] Khi chọn mua thịt bò Úc, người tiêu dùng nên chú ý những điểm sau:
* Chọn theo màu thịt: Mua những miếng thịt có màu đỏ tươi, thớ thịt nhỏ mịn, thơm mùi bò, mỡ bò màu vàng nhạt. Tránh mua thịt màu đỏ sậm, mỡ màu vàng đậm, thớ to, mùi không thơm.
* Chọn theo mức độ phân bố của các vân mỡ trên miếng thịt: Nên chọn mua những miếng thịt có mức độ phân bố của các mô mỡ đồng đều và có màu mỡ sáng.
* Chọn theo mức độ trưởng thành của đàn bò: Tùy mức độ trưởng thành của con bò mà chất lượng thịt khác nhau. Do vậy, khi mua thịt bò Úc, người tiêu dùng nên biết độ tuổi của đàn bò. Trên thực tế, thường bò có độ tuổi nuôi đến 36 tháng sẽ cho chất lượng thịt tốt hơn bò non, bê. Do đó, việc xác định mức độ thơm ngon của miếng thịt bò phụ thuộc khá nhiều vào tiêu chí này.
(Theo tư vấn tại hệ thống kiosk Vua Bò – thuộc Công ty TNHH TM Lê Gia, TPHCM).[/box]
Nhu cầu sẽ còn tăng
Ông Nguyễn Đăng Vang nhận định do nhu cầu tiêu thụ tăng, năm 2015 số lượng bò Úc nhập về vẫn sẽ tiếp tục tăng, ở mức khoảng 200.000-220.000 con.
Bảng so sánh hàm lượng dinh dưỡng của thịt bò Úc và một số loại thực phẩm khác
Ông Phong cũng cho biết, hiện mỗi ngày đơn vị ông tiêu thụ khoảng 200 con bò, loại 400-450 kg/con; lượng bò đông lạnh khoảng 300-500 kg/ngày. Số lượng này tăng khoảng 20% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Với nhu cầu khá lớn về thị bò Úc, ông Phong cho biết, công ty ông hiện đã đầu tư nuôi 1.000 con bò theo phương pháp hữu cơ. “Những con bò giống của Úc, khoảng năm tháng tuổi, cân nặng 100 kg, đã được chúng tôi đưa về trang trại tại Quảng Nam. Chúng tôi áp dụng phương pháp chăn nuôi hữu cơ, từ việc lựa chọn vùng đất làm trang trại, cho đến chọn thức ăn chăn nuôi. Đến khoảng dịp tết năm 2016, chúng tôi sẽ đưa ra thị trường những con bò thịt hữu cơ đầu tiên”, ông Phong cho biết.