Nguyễn Trang-
Cha cõng con và Đảo của dân ngụ cư là hai phim Việt Nam giành được một số giải thưởng của liên hoan phim quốc tế và khu vực trong thời gian gần đây. Thế nhưng, hai phim này lại im ắng khi ra rạp, câu chuyện thường thấy của những bộ phim được cho là dán mác nghệ thuật. Cách thức phản ứng của nhà làm phim với truyền thông và nhà phát hành lại mang đến hai kết quả khác nhau và gợi lên nhiều suy nghĩ cho những người làm điện ảnh.
Bất lợi khi tiếp cận công chúng
Các bộ phim độc lập có hành trình dài đến các liên hoan phim thường không dễ xem với số đông khán giả và đôi khi còn khó khăn ở khâu kiểm duyệt khi chọn đề tài nhạy cảm và có những cảnh quay bạo lực và tình dục nặng nề trong phim. Điều này phân loại và hạn chế khán giả ngay từ đầu nên hầu hết các nhà phát hành lâu nay thường cân nhắc trong việc chọn phim và thu xếp suất chiếu. Đập cánh giữa không trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp khi được CGV phát hành sau khi đạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim danh tiếng chỉ được xếp vào chương trình CGV Pick – lựa chọn riêng của CGV để đưa đến khán giả các bộ phim hàn lâm, nên chủ yếu chiếu tại một số rạp nhỏ và ít được nhắc đến dù có nhiều yếu tố hút khách.
Đạo diễn phim độc lập tiên phong Phan Đăng Di cũng khó khăn trong việc đưa những đứa con tinh thần của mình ra mắt khán giả đại chúng. Bi đừng sợ, phim đầu tay của anh phải trải qua quá trình kiểm duyệt trước khi ra mắt hạn chế tại một số cụm rạp nhỏ sau nhiều nỗ lực của nhà phát hành Thiên Ngân và Công ty Phim Việt Nữ. Bộ phim thứ hai, Cha và con và…, ghi dấu ấn khi là phim Việt Nam đầu tiên được chọn vào vòng tranh giải Liên hoan phim Berlin chỉ được chiếu hạn chế tại các cơ sở văn hóa, đào tạo hay chiếu tại nước ngoài mà vẫn chưa có lịch phát hành chính thức tại Việt Nam.
Gần đây Cha cõng con từng bị nhiều rạp từ chối phát hành dù có bề dày thành tích là giải thưởng nhiều liên hoan phim hạng trung. Sau đó, khi được Lotte phát hành, đạo diễn phim cũng là nhà sản xuất của phim bày tỏ sự phẫn nộ trên truyền thông khi các suất chiếu bị xếp vào giờ xấu và cho rằng phim bị xử ép ở giải thưởng Cánh Diều Vàng. Cách phản ứng này có vẻ mang đến nhiều bất lợi cho anh ở thị trường Việt Nam khi phim sớm rời rạp, còn đại diện ban tổ chức giải thưởng lại có những phê bình gay gắt, cộng đồng mạng lại có những bình luận khen chê trái chiều nhưng bất lợi thuộc về nhà sản xuất và đạo diễn phim.
Bản thân nghệ sĩ Hồng Ánh trước đây ở vai trò nhà sản xuất cũng khó khăn khi mang Đường đua, phim đầu tay của đạo diễn Khắc Huy đến với số đông khán giả khi phong cách kể của phim khá đặc thù mà chiến dịch truyền thông của phim lại nhấn vào khía cạnh “phim làm cho người tử tế”. Sau thua thiệt này, ê kíp của chị đã rút kinh nghiệm và phát hành phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng gần gũi và thực chất hơn. Và đó chính là tiền đề để chị và những người cộng sự thay đổi được cục diện trong công tác phát hành nội địa với phim dài đầu tay ở vị trí đạo diễn.
Thay đổi cách thức
Đảo của dân ngụ cư lấy bối cảnh là một thị trấn ven biển của 20 năm trước. Chuyện phim xảy ra trong không gian một ngôi nhà cổ với nhiều số phận va chạm nhau, từ đó lột tả những băn khoăn trong hành trình đi tìm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống các nhân vật, phác họa bức tranh xã hội đa văn hóa khi ấy. Với những góc máy táo bạo và tình tiết truyện đi sâu vào bản năng, ẩn ức, phim theo đuổi phong cách nghệ thuật vốn dành cho các phim dự thi và luôn được các nhà điện ảnh xem là khá kén khán giả.
Nhưng đạo diễn và nhà sản xuất đã tìm được một cách tiếp cận thú vị khi vẫn có được nhóm khán giả riêng mà vẫn giữ được chất đặc thù trong phong cách làm nghề của đội ngũ sáng tạo. Lễ công chiếu diễn ra mà giới truyền thông cho là hoành tráng với sự góp mặt của các ngôi sao tên tuổi, nhiều chương trình giao lưu, giới thiệu, tặng quà giới thiệu như bất kỳ bộ phim thương mại nào. Nhà sản xuất cho biết, ban đầu phim chỉ có một số cụm rạp nhận trình chiếu, có báo đưa tin về nhiều suất chiếu bị hủy… nhưng đạo diễn hay biên kịch không hề lên tiếng. Nữ đạo diễn Hồng Ánh vẫn bình tĩnh tham dự mọi sự kiện từ góc độ người làm chuyên môn, kết nối với các đơn vị phát hành, bảo vệ bản quyền và giữ thái độ khiêm nhường đón nhận mọi khen chê của công chúng và truyền thông.
“Quả ngọt” đã đến khi vừa có một vài cụm rạp lớn bắt đầu gửi lịch bổ sung, đặt suất chiếu Đảo của dân ngụ cư tại các phòng vé của mình cho tới tận đầu tháng 7. Ngoài tin khích lệ tới từ các cụm rạp và các nhà phát hành trong nước, Đảo của dân ngụ cư cũng vừa nhận được thêm sự đón nhận từ bên ngoài, khi được lựa chọn vào vòng tranh giải chính thức tại Liên hoan phim quốc tế Á-Âu (Eurasia International Film Festival) diễn ra từ ngày 22 tới 28-7. Ngay cả nhà sản xuất và đạo diễn phim cũng thực sự bất ngờ vì ngoại trừ nhãn C18 có vẻ “thu hút tò mò người xem” nhưng lại hạn chế lượng lớn khán giả trẻ đang vào dịp nghỉ hè, phim không có một yếu tố câu kéo như ngôi sao hay đề tài đương đại. Vậy mà từ ngày chính thức ra rạp 9-6, Đảo của dân ngụ cư đã được phủ sóng tại 69 cụm rạp tiến gần đến 200 suất chiếu, một kỳ tích của dòng phim nghệ thuật (theo số liệu do đơn vị phát hành BHD cung cấp).
Đối diện với các câu hỏi về cảm nghĩ khi các suất chiếu thường vào giờ xấu, đạo diễn Hồng Ánh phản hồi khéo léo: “Điều này hoàn toàn tự nhiên vì công việc phát hành tại mỗi cụm rạp cũng không giống nhau. Với tôi, được nhìn, ngắm, lắng nghe những tình cảm, những ý kiến góp ý đa chiều mà khán giả đã dành cho mình, cho phim và cho cả một tập thể là hạnh phúc”. Chị cũng nhấn mạnh việc hơn 100 rạp phim đồng loạt đặt chiếu phim cũng là một sự ghi nhận đáng kể của các rạp trong việc hỗ trợ phim Việt Nam tiếp cận tới các nhóm đối tượng hữu hạn của thị trường.
Một đạo diễn tên tuổi đánh giá: “Mỗi bộ phim không đơn thuần là sản phẩm mà nó như một đứa con tinh thần, được sinh ra, nuôi dưỡng chưa đủ, mà phải nâng niu và đón nhận duyên lành mới có thể tiến xa”.