Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024

Kinh tế chia sẻ lan đến hàng hiệu

Chánh Tài -

Nền kinh tế chia sẻ đang len lỏi vào thị trường hàng hóa cao cấp với sự phát triển nở rộ của các trang web cung cấp dịch vụ cho thuê mọi thứ, từ những chiếc đồng hồ đắt tiền cho đến các siêu xe thể thao, theo hãng tin Reuters.

Đóng phí thành viên

Bắt chước mô hình nền kinh tế chia sẻ đang thành công như dịch vụ chia sẻ phòng Airbnb, nhiều công ty ở châu Âu và Mỹ đang thu hút khách hàng sử dụng hàng hiệu mà không phải bỏ ra một số tiền quá lớn. Với một mức phí cố định hành tháng, khách hàng có thể mượn một chiếc đồng hồ Rolex trong nhiều tuần, sau đó có thể trả lại để mượn một món hàng khác.

ElevenJames.com là một trang web cung cấp dịch vụ cho thuê đồng hồ cao cấp như Rolex, Patek Philippe, Audemars Piguet, Breitling... Trang web này được khai trương vào năm 2014 và đang có kế hoạch mở rộng danh mục cho thuê sang các trang sức và tác phẩm mỹ thuật cũng như mở rộng thị trường ra nước ngoài.

ElevenJames.com thu phí thành viên từ 150-500 đô la Mỹ mỗi tháng, tùy thuộc vào giá trị chiếc đồng hồ mà khách hàng muốn mượn từ kho hàng của công ty. Vào tháng 11 vừa qua, công ty còn mời chào những nhà sưu tập đồng hồ cho thuê đồng hồ của họ.

“Điều này chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của khách hàng. Nhiều người sở hữu nhiều đồng hồ cao cấp nhưng họ không thể mang tất cả chúng một lần được và đôi khi họ thấy chán ngấy chúng”, Olivier Reza, Giám đốc điều hành của ElevenJames.com nói. Cho đến nay, ElevenJames.com đã thu hút được gần 40 triệu đô la Mỹ.

Công ty Rent the Runway (Mỹ), được thành lập năm 2009, đang cho khách hàng thuê áo quần cao cấp để chưng diện vào những dịp quan trọng như đám cưới, lễ tốt nghiệp, dạ hội... Đến nay, công ty này đã thu hút được sáu triệu thành viên.

Với phí thành viên 89 đô la/tháng, khách hàng có thể mượn tối đa bốn món trang phục cao cấp từ hơn 200 thương hiệu trong một tháng, sau đó có thể trả lại để mượn bốn món khác trong tháng tiếp theo. Còn khi đóng phí thành viên 159 đô la/tháng, khách hàng có thể mượn mỗi lần bốn món trang phục hoặc phụ kiện từ 450 thương hiệu khác nhau và số lần mượn không bị hạn chế trong một tháng.

Năm ngoái, công ty này đạt doanh thu hơn 100 triệu đô la Mỹ và cho đến nay đã thu hút được số vốn đầu tư 190 triệu đô la Mỹ.

“Thế hệ hiện đại đang có một đời sống thực sự khác. Họ muốn luôn luôn có nhiều sự lựa chọn”, Marco Abele, người đang xây dựng nền tảng chia sẻ TEND, dự kiến ra mắt ở Thụy Sĩ vào tháng 3-2018 nói.

Nền tảng TEND sẽ cho phép các thành viên hùn vốn để đầu tư vào các loại xe cổ điển, tranh nghệ thuật, đồng hồ cao cấp và vườn nhỏ và sau đó cùng nhau chia sẻ trải nghiệm với chúng.

Điều này có nghĩa là nếu các thành viên cùng nhau mua một bức tranh của họa sĩ Picasso, họ sẽ có được cơ hội được tham dự các buổi triển lãm tranh có tính chất riêng tư. Nếu họ cùng mua một chiếc xe Porsche, mỗi thành viên sẽ được luân phiên sử dụng nó trong một tháng. Hoặc nếu họ cùng mua một bộ sưu tập đồng hồ Thụy Sĩ, họ sẽ có cợ hội được mang những chiếc đồng hồ cao cấp khác nhau vào mỗi mùa của năm.

Nguy cơ mất doanh thu

Sự phát triển nhanh chóng của các công ty này cho thấy thị trường cho thuê hoặc hợp tác đầu tư hàng cao cấp từ trang sức cho đến tác phẩm mỹ thuật đang cất cánh. Khách hàng của họ là những người có thu nhập ở mức khá tốt, muốn tận hưởng đời sống cao cấp theo cách ít tốn kém nhất.

Theo Công ty tư vấn và kiểm toán PricewaterhouseCoopers, dù còn tương đối nhỏ, nền kinh tế chia sẻ toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ từ mức 15 tỉ đô la trong năm 2016 lên 335 tỉ đô la vào năm 2025. Hàng hiệu chỉ là một phần nhỏ trong nền kinh tế chia sẻ nhưng rất có tiềm năng phát triển.

“Đó chưa phải là một thị trường quan trọng nhưng đang phát triển. Có nhiều công ty khởi nghiệp, đặc biệt là những người trẻ ủng hộ thị trường này ”, Olivier Abtan, chuyên gia nghiên cứu hàng cao cấp ở công ty tư vấn Consulting Group nói.

Đối với những nhà sản xuất hàng hiệu, thị trường mới chớm nở này có thể là một bước phát triển nằm ngoài sự mong đợi của họ. Họ vẫn đang phản đối cách phân phối đưa các sản phẩm của họ lên các nền tảng thương mại điện tử lớn như Amazon nhằm bảo vệ giá trị thương hiệu.

Trong một vụ kiện mới đây, hãng Coty (Mỹ) - chủ sở hữu các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm và nước hoa nổi tiếng như Calvin Klein, Hugo Boss, Gucci, Covergirl, Burberry – đã yêu cầu nhà phân phối Parfumerie Akzente ở Đức ngưng bán các sản phẩm của họ trên các trang web thương mại điện tử lớn như Amazon hay eBay.

Hôm 6-12, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã ra phán quyết ủng hộ việc ngăn cấm các nhà phân phối ủy quyền như Parfumerie Akzente bán các sản phẩm xa xỉ của Coty trên các trang thương mại điện tử lớn nhằm bảo vệ hình ảnh thương hiệu.

Giờ đây, các nhà sản xuất hàng hiệu đang đứng trước nguy cơ mất doanh thu khi những khách hàng giàu có có thể thuê hoặc mượn những món hàng hiệu mà họ đang sản xuất. Các dịch vụ cho thuê hàng hiệu sẽ giúp nhiều người tiếp cận được chúng và đe dọa tính độc quyền, riêng biệt của chúng.

Trên thực tế, các dịch vụ cho thuê thời trang cao cấp như áo đầm hay những món hàng hiệu khác của Chanel hay Louis Vuitton đã tồn tại từ lâu. Các nền tảng trực tuyến cung cấp một công cụ để mở rộng nhanh các dịch vụ như vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối