Với số lượng giải chạy diễn ra hằng tuần, hằng tháng cùng sự xuất hiện của các nhà tổ chức chuyên nghiệp, các đường chạy đang bước vào giai đoạn “nóng sốt” hơn bao giờ hết. Không chỉ thúc đẩy một phong trào rèn luyện sức khỏe, nhiều địa phương nhận định các giải chạy góp phần phát triển du lịch, quảng bá văn hóa, hướng tới thúc đẩy kinh tế với từng bước chạy “thương hiệu” đặc trưng vùng miền.
- Tây Ninh kín phòng khách sạn nhờ lần đầu tổ chức giải chạy bộ
- Hàng ngàn người chạy bộ gây quỹ từ thiện
‘Bắt trend’ thể thao kết hợp du lịch
Ghi nhận từ nhiều runner (người chạy bộ) phong trào ở các thành phố lớn nhỏ, đa số những lý do họ chịu chi tiền để tham gia những giải chạy bộ tổ chức ở các địa phương khác nơi mình sống là muốn có sự trải nghiệm mới lạ. Họ cho rằng đây là cách kết hợp giữa việc du lịch và đam mê chạy bộ hằng ngày của mình thay vì chi tiền du lịch truyền thống. Chính vì thế, không khó để tìm thấy rất nhiều giải chạy có xu hướng phát triển ngoài thành phố lớn mà vẫn thu hút hàng ngàn người tham dự ở các tỉnh thành xa gần.
Không chỉ là thương hiệu du lịch hút khách quanh năm, tại Lâm Đồng, phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Được biết, hàng năm Lâm Đồng tổ chức từ 5 – 7 giải chạy bộ, trong đó có những giải đã thương hiệu của Lâm Đồng: giải Siêu Marathon quốc tế Dalat Ultra Trail, giải Chạy bộ âm nhạc Da Lat Music Run, giải Chạy bộ Lâm Đồng Trail, giải Laan Trail…. Trong năm 2023, Lâm Đồng sẽ có thêm giải chạy bộ vào ban đêm lần đầu được tổ chức (dự kiến vào tháng 11-2023).
Chia sẻ với Kinh Tế Sài Gòn Online, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, nhận định các giải chạy bộ hàng năm thu hút khoảng hơn 20.000 vận động viên trong và ngoài nước đến thi đấu và hàng trăm ngàn người tham gia cổ vũ, thụ hưởng các sản phẩm du lịch văn hóa góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Điều này tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, kích cầu thu hút khách du lịch, giới thiệu quảng bá hình ảnh Đà Lạt - Lâm Đồng “An toàn, tiềm năng và khác biệt” đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Các doanh nghiệp cũng theo đó xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch mới thu hút, phục vụ khách đến Đà Lạt - Lâm Đồng.
Bà Bích Ngọc nói thêm các giải chạy bộ giúp tuyên truyền cho người dân thấy được lợi ích, tác dụng của việc tập luyện thể dục thể thao, tăng chất lượng cuộc sống và từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thêm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Bên cạnh việc gia tăng các môn thể thao truyền thống, nhiều đường chạy mở ra đã góp phần phát triển các môn thể thao giải trí, mạo hiểm phù hợp với khi hậu và địa hình của tỉnh, gắn kết giữa hoạt động thể thao với du lịch. Qua đó, đơn vị từng bước thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao và phát triển kinh tế thể thao, xây dựng phong trào, nâng cao thành tích của tỉnh.
Cơ hội kích cầu từ hoạt động marathon
Vị đại diện của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, qua từng lần tổ chức giải chạy, các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng tiện ích cùng dịch vụ cư trú, ăn uống cũng cải thiện dần dần để đáp ứng nhu cầu của lượng vận động viên ngày càng tăng cho mùa giải kế tiếp.
Trong những năm qua, Lâm Đồng luôn quan tâm đến việc đầu tư, nâng cấp về cở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch theo hướng chất lượng cao. Bà Bích Ngọc thông tin hệ thống cơ sở lưu trú du lịch toàn tỉnh hiện có 3.067 cơ sở với tổng số 43.572 phòng, trong đó, có 446 khách sạn từ 1 - 5 sao với 13.032 phòng (gồm 50 khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao với 4.597 phòng; 396 khách sạn từ 1 - 2 sao với 8.435 phòng).
Bên cạnh đó, tỉnh có 122 khu, điểm du lịch, điểm tham quan và rất nhiều hàng quán, dịch vụ. Hệ thống lữ hành, vận chuyển cũng đang dần hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của du khách với 77 đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có 40 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 37 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa.
Đại diện từ tỉnh Đồng Tháp, bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cùng nhận định sau mùa giải Marathon Đất Sen Hồng năm 2022 đã đem đến làn gió mới trên địa bàn. Bà phấn khởi cho biết với chủ đề “Vượt sóng vươn xa”, Marathon Đất Sen hồng 2022 đạt được mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về việc rèn luyện thể thao, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, đồng thời thêm trải nghiệm du lịch xanh, khám phá phong cảnh quê hương xứ sở Sen hồng Đồng Tháp.
Hiện nay, đa số các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều có tổ chức giải chạy, tạo nên phong trào đồng đều trong khu vực, hướng đến quảng bá các điểm nhấn du lịch địa phương cho bạn bè khắp nơi ghé thăm.
Tuy vậy, để tạo ra đường chạy chuyên nghiệp, bà Hoài Thu cho biết chính quyền đã tập trung cho công tác rà soát cơ sở vật chất, dụng cụ thiết bị phục vụ tổ chức thi đấu; khảo sát lựa chọn lộ trình đường chạy tại TP Cao Lãnh sao cho phù hợp với các cự ly thi đấu đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự; lên kế hoạch nâng cao công tác chuyên môn điều hành thi đấu, tập huấn giám sát, trọng tài, tình nguyện viên, mô tô bảo vệ lộ trình.
“Chúng tôi đã ban hành văn bản hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, các điểm tham quan du lịch rà soát các điều kiện kinh doanh dịch vụ, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các đoàn vận động viên khi về tham dự giải năm 2023 sắp tới”, bà nói.
Cũng có mùa giải thành công đầu tiên năm 2022, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, ông Tạ Hoàng Hiện cho biết bốn cự ly chạy với cung đường chạy ngay tại Đất Mũi cũng lan tỏa văn hóa du lịch con người Cà Mau đến với bạn bè khắp nơi.
Vị này chia sẻ qua mỗi cung đường khác nhau, địa phương sẽ có cơ hội giới thiệu cảnh quan, địa danh nổi tiếng, các vận động viên được ngắm nhìn hình ảnh đồng quê sông nước chỉ có ở miền Tây. Nhà đầu tư cũng qua đây nhìn thấy hình ảnh Cà Mau sinh động, có tiềm năng thu hút đầu tư.
Từ đó, vị này cho biết tốc độ tăng trưởng du lịch 6 tháng đầu năm nay của tỉnh tăng theo như tỷ lệ thuận. “Vận động viên tham gia chạy bộ ngoài chinh phục đường chạy, họ còn rủ thêm gia đình người thân đến để trải nghiệm không gian du lịch. Chúng tôi tổ chức giải dự kiến vào tháng 11 năm 2023 sẽ kết hợp thêm với bà con làm chương trình ẩm thực địa phương, giới thiệu sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch, tạo thêm công ăn việc làm cho họ. Có thể thấy rõ, qua giải chạy, địa phương mở thêm rất nhiều điểm du lịch”, ông nhấn mạnh.
Là đơn vị tham gia tổ chức nhiều giải chạy qua nhiều mùa ở các tỉnh thành như Lâm Đồng, Hậu Giang, Đồng Tháp… CEO của công ty Nexus Sport Events, ông Nguyễn Tử Anh cho rằng phong trào chạy bộ ở Việt Nam đang đi lên ngày một khá rõ. Dù xu hướng mới ở giai đoạn khởi phát nhưng tất cả giải ông đồng hành tổ chức đều có sức hút lớn hơn qua từng năm.
Ông cho biết các giải chạy thường tạo ra hiệu ứng “rủ rê”, lan tỏa trên mạng xã hội. Vậy nên cứ qua từng mùa, số lượng người đăng ký tăng lên, cụ thể như giải chạy vừa mới diễn ra ở Hậu Giang có tên Vietcombank Mekong Delta Hậu Giang 2023 mùa 4 có con số runner đã chạm mốc 9,5 ngàn người đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi mùa 1 khoảng 4 ngàn người.
So với mùa đầu tiên, ông quan sát tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang có sự thay đổi rõ rệt về cơ sở vật chất, hạ tầng, đô thị nương theo nhu cầu của khách du lịch. “Người dân giờ đã tập trung làm dịch vụ chất lượng, bài bản hơn, các đoàn khách về Hậu Giang cũng có nhiều thời gian lưu trú khám phá hơn chứ không phải là điểm ghé chân từ Cần Thơ xuống như trước nữa. Rõ ràng, nhiều nhà hàng, khách sạn xuất hiện khi thấy cơ hội kinh doanh làm ăn từ marathon, họ đầu tư thêm vào hệ thống, hotline, chăm sóc khách hàng…”, ông kể.
Theo đại diện Nexus, sự thành công của các giải đến từ việc chủ động vào cuộc của lãnh đạo, sự phối hợp ăn ý giữa chính quyền địa phương và đại diện tổ chuyên môn, cùng sự ủng hộ chào đón của người dân đã tạo ra độ phủ, hưởng ứng của phong trào chạy bộ hơn bao giờ hết.
Hoàng An
Theo KTSG Online