Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Ký sự sông Ba (kỳ cuối): Di sản dòng sông và hành trình gặp biển

(SGTT) - Ví dòng sông như một thiếu nữ là cách mà tác giả dành để kết bài viết này. Nếu như Ayun Pa nơi thượng nguồn vận chiếc váy thổ cẩm, lung linh múc nước sông, thì sông Ba nơi hạ nguồn lại khoác chiếc áo dài tha thướt, ngắm dòng sông...

Di sản dòng sông

Bên dòng suối Iam Lăh, đổ ra sông Ba ở thị trấn Phú Túc, huyện K’rông Pa, có hai anh em Nay Phai và Nay Tri. Nghề của họ là sửa chiêng, thẩm âm. Sau 10 năm theo ông nội thụ nghề, giờ hai anh em đã trở thành nghệ nhân lành nghề.

Không phải cái cồng, cái chiêng nào sau khi đúc ra đều gõ nghe đúng nghe hay. Mặt khác, cồng chiêng lệch âm là do quá trình sử dụng, đánh không đúng bài bản, bị đánh mạnh hoặc bị oxy hóa đồng... Như một bác sĩ giỏi, họ chẩn đoán đúng bệnh. Như một thợ thủ công khéo, họ gò nắn mặt chiêng. Và hơn cả, họ là một nghệ nhân thính đôi tai.

Anh em Nay Phai và Nay Tri đang chỉnh âm cho cồng, chiêng. Ảnh: Trần Thanh Hưng

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng là người sắc tộc Chăm H’roi ở buôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Bản thân ông sẽ là một di sản cho cháu con. Sau khi hồi hưu, ông miệt mài sưu tầm, biên dịch các bản trường ca của các sắc tộc miền Thượng.

Hàng ngày, làm vườn xong, ông ăn chén cơm cho chắc bụng để chong đèn cặm cụi xả băng, ghi lại từng đoạn của trường ca, hoặc biên dịch từ những trang sách ố vàng. Ông Liễng nói “Ngày xưa, có huyền thoại tạo hóa ba con sông, một con suối. Gà gáy lần 1, 2, 3 mới bắt đầu chảy. Ba con sông tranh nhau chảy. Sông Ba chảy đúng lúc canh Ba… tạo thành cánh đồng Tuy Hòa”.

Y Điêng - người dân tộc Ê Đê lớn lên tại Buôn Thung, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh. Buôn Thung nhỏ, khoảng mươi nóc nhà nằm ở phía Đông núi Mẹ Bồng Con, bên bờ Nam của con sông Hinh, một phụ lưu của sông Ba khi chảy vào Phú Yên. Nhà văn Y Điêng được thế hệ các nhà văn ví như bóng cây kơ-nia đại thụ, như già làng của văn học của Tây Nguyên.

Như hầu hết những người đàn ông sắc tộc, dẫu có đi đâu rồi cũng phải về với núi rừng huyền ảo trong buổi sớm mờ sương, với tiếng suối róc rách đều đều trong mùa khô, ầm ào giận dữ trong mùa lũ. Ông tự ví mình như người làm rẫy. Cứ làm dần, mỗi năm vỡ thêm một ít, rẫy thì không có bờ thẳng tắp như đồng ruộng dưới xuôi, nên phải viết lại nhiều lần, mỗi lần sửa như là viết lại cái mới.

Nhà văn Y Điêng biết tiếng Pháp, Lào, giỏi nhiều tiếng đồng bào dân tộc thiểu số như Ba Na, Chăm, Gia Rai, Tày… Ông đã viết nhiều tác phẩm, như Em chờ bộ đội Awa Hồ, Ông già Khơ Rao, Hơ Giang, Drai Hlinh đi về phía sáng, Như cánh chim Kway, Chuyện trên bờ sông Hinh…

Sông Ba, từ thượng nguồn thâm u, mạch nước tươm ra dưới ánh trăng mơ màng, rồi nguồn nước vuốt vách núi chênh vênh để non cao thêm chất ngất. Sông Ba, dòng nước ngơi nghỉ thành hồ, rồi kéo nhau lên rẫy mát lúa, mát ngô. Sắp ra biển lớn, dòng sông lặng thinh. Nếu mưa to trên thượng nguồn. Nếu áp thấp nhiệt đới cuộn xoáy ngoài trùng khơi. Sông Ba sẽ nói điều gì?

 

Dòng sông bao giờ cũng là sự hóa thân của xứ sở, là sự hiển linh của “vũ trụ” đất trời bao la, là hiện thân của sự sống con người. Sông Ba, nối núi rừng và biển cả, nối miền ngược và miền xuôi. Ayun Pa, sông Ba – hai cách gọi cho cùng một di sản.

Nhưng giá trị hơn cả là ông là người Ê Đê đầu tiên vượt qua khỏi văn học dân gian truyền miệng để bước tới văn học viết. Ông cũng là người đầu tiên viết truyện dài bằng song ngữ Ê Đê - Việt, và ông cũng là người Ê Đê đầu tiên được tặng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật.

Ông Y Điêng viết văn, còn ông Mô Lô Y Choi thì làm thơ. Hai ông sóng đôi trong làng văn học Tây nguyên như đôi bờ con sông Hinh. Bằng thơ, ông Mô Lô Y Choi đã tạo ra một cô gái sông Ba đầu búi tóc thon, tay thoăn thoắt vót chông, miệng thánh thót hát. Ông Mô Lô Y Choi nói “Hồi đó anh em ở miền Nam ra kể chuyện, tôi suy nghĩ viết bài "Cô gái vót chông" đăng báo Văn Nghệ, được giải khuyến khích. Hoàng Hiệp viết nhạc, hát đến bây giờ”.

Di tích cấp tỉnh tháp Chăm Phú Lâm nằm bên bờ sông Ba. Ảnh: Lê Ngọc Minh

Đi tìm di sản của dòng sông, chúng tôi lại gặp một già làng, ông Oi B’lứ ở buôn K’rông, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Cả huyện chỉ còn một mình ông làm được tất cả các nhạc cụ của người Ê Đê. Nếu gọi chiếc kèn là di sản văn hoá vật thể thì âm điệu của nó phát ra là phi vật thể. Cả hai giá trị ấy, ông Oi B’Lứ đều trân trọng bảo tồn.

Những người gìn giữ di sản của dòng sông, thì bản thân họ cũng trở thành một thứ di sản. Họ tận hưởng và tạo ra di sản của dòng sông bằng cách cặm cụi ở làng, cặm cụi hít thở không khí rừng núi, đêm ngày lo cho những vỉa địa tầng văn hoá của sắc tộc mình, vốn chỉ khởi lộ trên nương rẫy, bếp lửa nhà sàn và trên những dòng sông.

Nơi sông Ba gặp biển

Cầu Đà Rằng đường bộ và đường sắt bắc qua sông Ba. Ảnh: Lê Ngọc Minh

Sông Ba trước khi ra biển có tên là sông Đà Rằng. Một cây cầu cùng tên vắt ngang như thể nghênh đón dòng nước miệt mài ngàn dặm. Cầu Đà Rằng dài 1.512m, là cầu dài bậc nhất miền Trung.

Tại đây, năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã hành quân vào. Tương truyền, chính vị vua có công mở cõi đã sai quần thần khắc lên một tảng đá lớn trên núi Thạch Bi, còn gọi là núi Đá Bia, thuộc hạ lưu sông Ba, làm mốc ranh giới Đại Việt – Chăm Pa. Đây cũng là một dấu mốc lịch sử trong quá trình Nam tiến của người Việt khi xưa.

Tiếp giáp với cửa sông Đà Rằng về phía Nam là vịnh Vũng Rô, nơi Hải quân Nhân dân Việt Nam đáp những con tàu không số đổ quân cụ cho Quân Giải phóng kháng chiến chống Mỹ. Trong vùng vịnh xinh đẹp này, người Pháp đã cất ngọn đèn biển mang tên Đại Lãnh, chấm ngay phần đất liền nhô ra xa nhất về phía Đông của bờ biển Việt Nam.

Lưu vực của hệ thống sông Đà Rằng rộng 13.900km² bao gồm cả phần phía Đông Bắc của Đắk Lắk. Các phụ lưu quan trọng nhất của sông Đà Rằng là sông Ayun, hợp lưu với Đà Rằng ở ranh giới giữa hai huyện Ayun Pa và Ia Pa, sông K'rông H'Năng, hợp lưu với Đà Rằng ở ranh giới giữa Gia Lai và Phú Yên và sông Hinh hợp lưu huyện Sông Hinh.

Tháp Nhạn và một góc thành phố Tuy Hòa bên sông Ba. Ảnh: Lê Ngọc Minh

Thành phố Tuy Hoà, thủ phủ của tỉnh Phú Yên là một điểm nhấn cuối cùng cho con sông. Thành phố trẻ này nồng nhiệt đón con sông rộng hơn, phẳng lặng hơn sau một chặng dài quấn quanh núi rừng và ghềnh thác. Làng xóm ven sông Đà Rằng vừa mang sắc thái quy củ của làng quê Bắc Bộ, vừa mang yếu tố phóng khoáng của Nam bộ.

Đồng bằng Tuy Hòa lớn nhất ở Nam Trung Bộ, có diện tích chừng 215km², thuộc loại đồng bằng ven biển do phù sa sông Đà Rằng bồi đắp nên. Nhờ có hệ thống thủy nông đập Đồng Cam đưa nước về nên đồng lúa Tuy Hòa luôn tươi tốt, mỗi năm canh tác ba vụ lúa. Đầu thế kỷ 21, sản lượng lúa hàng năm ước đạt trên 300.000 ngàn tấn.

Làng hoa Bình Ngọc ven sông Ba. Ảnh Lê Ngọc Minh

Sông Ba trước khi ra biển đã dốc hết phù sa tạo nên một triền sông rộng. Như để tô điểm cho dòng sông, người dân thành phố Tuy Hoà dành đất ấy để trồng rau và trồng hoa. Sau mùa lũ là đến mùa hoa, mùa giáp Tết. Từ những triền sông rực hoa cúc vàng, trong ký ức người dân Tuy Hoà vẫn còn lưu giữ hình ảnh những cánh buồm nhỏ, giong chầm chậm trên sông. Ở đó, người ta bắt cá, bắt ốc bằng cách thủ công. Ở đó, chiều về, trẻ em đùa giỡn, thả diều…

Trước khi ra biển, sông Đà Rằng chia đôi. Phía tả ngạn phố xá nhộn nhịp, còn hữu ngạn là làng quê bình yên mà người dân có thể “nghe được tiếng chim và thấy rập rờn ong bướm”. Đó là làng Bình Ngọc, làng rau xinh đẹp của thành phố Tuy Hoà.

Nơi sông Ba gặp biển có một làng chài, nói đúng hơn là một đại bản doanh của ngư dân Phú Yên. Nơi đây, từ năm 1994 đã phát sinh nghề câu cá ngừ đại dương của Việt Nam, làm cho nghề cá thêm hùng hậu vươn ra biển lớn.

Nếu như trên thượng nguồn hàng năm có lễ đâm trâu mừng lúa mới của các sắc tộc Tây Nguyên, thì ở hạ nguồn, ngay tại nơi cửa sông Ba, có lễ “Nghinh Ông” là lễ hội nước lớn nhất của ngư dân. Theo tín ngưỡng dân gian, Bồ Tát hoá thân thành cá voi tuần du Nam Hải, lấy thân mình chắn sóng dữ, cứu dân lành. Cá "Ông" là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với ngư dân. Ghi nhớ công ơn của ngài, các vua nhà Nguyễn đã sắc phong là "Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần".

Cá ông còn được ví như một Nam Hải tướng quân, được rước bằng kiệu xuống thuyền rồng ra biển, được quân sĩ hát hò bá trạo nghênh đón. Hoà vào lễ hội tưng bừng, sông Ba - "con rồng" của miền Trung kết thúc hành trình dài 374km của mình. 

Nơi sông Ba đổ ra biển. Ảnh: Lê Ngọc Minh

Ví dòng sông như một thiếu nữ là cách mà tác giả dành để kết bài viết này. Nếu như Ayun Pa nơi thượng nguồn vận chiếc váy thổ cẩm, lung linh múc nước sông, thì sông Ba nơi hạ nguồn khoác chiếc áo dài tha thướt ngắm dòng sông. Chảy ra biển để tiếp tục kể một câu chuyện dài hay mong nhớ thượng nguồn để tìm thêm ký ức...

Trần Chí Kông - Trần Thanh Hưng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối