Y Nguyên -
Mấy ngày tết trôi qua chóng vánh. Hết mùng 4, cúng tiễn ông bà xong, mẹ đổ dồn tất cả thức ăn thừa: thịt thà, nem, chả, miến, măng… từ những bữa cỗ tết sót lại vào cái xoong to; độn thêm thật nhiều dưa cải muối và đem kho. Xoong ấy được gọi bằng cái tên trứ danh: xà bần tết.
Đúng “xà bần” thiệt, bởi hầu như (món mặn) những bữa cơm tết có thứ gì thì xoong xà bần có thứ đó. Nói “có” vậy thôi, chớ chiếm ưu thế (tuyệt đối) trong xoong xà bần vẫn là… thịt mỡ. Phải, chỉ thịt mỡ là dư nhiều; vậy nên mẹ mới phải nhờ đến sự “hỗ trợ” của dưa cải muối chua. Món dưa cải ăn một mình chua mặn rất hăng nhưng đem kho, quyện thấm cùng thịt mỡ qua vài ba lửa (lần hâm) bỗng trở nên “thuần tính”: ngòn ngọt, chua chua, beo béo, vị đậm đà rất trôi cơm. Thịt mỡ cũng vậy: thấm cùng dưa cải, cái béo ngán béo ngược cũng không còn; miếng thịt trắng đục giờ ngả vàng trong, nhìn không “thấy sợ” như khi còn chưa đem kho. Các miếng chả, nạc hiếm hoi còn sót lại đương nhiên biến thành “của quý” để lũ nhỏ thi nhau sục sạo kiếm tìm trong mỗi bữa cơm. Hôm nào cũng vậy, cha vừa thò đũa gắp gắp xà bần bỏ vô chén vừa nói vui: cái “mối nhân duyên” thịt mỡ - dưa cải của mẹ mày đúng là… lương duyên! Mẹ nghe, khoái chí cười tít.
Nói vậy chớ ăn dưa cải hoài cũng ngán nên đôi khi, gặp lúc có măng tươi thì xoong xà bần sẽ được mẹ cho thêm măng. Khi ấy, với tôi, món xà bần trở thành “đặc sản” bởi măng tươi kho cùng thịt mỡ ngon không thể tả. Nhưng vụ tết măng tươi hiếm lắm; vậy nên để đổi món, thường là mẹ cho thêm vào xoong món chuối chát non xắt (thái) nhỏ kho chung. Ăn cũng không tệ nhưng mau ngán. Cuối cùng quanh đi quẩn lại, tới bữa cơm mở xoong xà bần ra vẫn cứ được nghe cha tôi hít hà khen mối lương duyên thịt mỡ-dưa cải vững bền.
Cha khen kệ cha chứ chúng tôi thì đã bắt đầu thấy… ớn. Cái món dưa cải ban đầu thơm ngon ăn hủy ăn hoài dần biến sang nỗi ám ảnh. Ngồi vào mâm, trông xoong xà bần kho là muốn buông đũa. Con bé Út thảm hơn: đi học về tới đầu ngõ, nghe mùi dưa cải xà bần từ bếp bay ra, nó đứng sựng, bật khóc! Mẹ biết, bóp bụng mua chút cá tươi ngoài chợ đem về nấu canh cho con. Cha không ăn canh; tới bữa vẫn gắp xà bần vào chén gật gù khen ngon. Để ý kỹ mới nhận ra: thi thoảng cha lại liếc nhìn tô canh, vụng nuốt nước bọt! Cái video clip ấy chắc chắn không qua nổi mắt mẹ. Mẹ nhìn cha, mắt ươn ướt. Rồi mẹ cười, cùng mạnh dạn gắp xà bần, cùng khen ngon quá với cha.
Chúng tôi lớn lên và ký ức xà bần ngày một lùi xa. Cha thành người thiên cổ. Mỗi dịp tết, tiếc thức ăn thừa mẹ lại đem kho xà bần nhưng chẳng còn ai khen ngon. Cuộc sống đi lên, đã qua rồi thời rách áo đói cơm khiến lũ trẻ nhà nghèo ăn gì cũng xong, miễn sao no bụng. Những xoong xà bần cứ hâm lại hâm đi đến lúc bấy lên, bốc mùi chua đành mang đổ bỏ. Đổ xoong xà bần cho heo ăn mà mắt mẹ rân rấn nước. Tôi cười, giễu: ê ê, mẹ tiếc xà bần, khóc kìa…. Chị Hai nạt: im nào, hỗn! Đợi mẹ vào khuất, chị mới nói thầm: mẹ nhớ cha nên khóc, không phải tiếc xà bần. Tôi đứng lặng, thấy mình hư quá thể.
Giờ thì mẹ cũng ra người thiên cổ. Không còn ai kho, không còn ăn món xà bần mỗi độ tết về. Vậy nhưng, ký ức xà bần thi thoảng lại về, mà không, về ngày một thường xuyên hơn… trong những giấc mơ.
Phải chăng tôi cũng đã già?