Lê Anh -
Theo kế hoạch, trong năm 2018, TPHCM sẽ hoàn thành một số dự án trọng điểm để giảm kẹt xe ở các điểm nóng như nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Sương… Khi hoàn thành thêm các nút giao, tình hình giao thông tại TPHCM có thể sẽ được cải thiện.
Xây thêm cầu, đường vẫn kẹt xe
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất xuất hiện nhiều điểm ùn tắc giao thông tại TPHCM khi lượng người đi lại dịp giáp tết tăng cao. Đơn cử như hôm 5-2 (20 tháng Chạp), hướng đi từ bến xe Miền Đông qua quốc lộ 13 và từ Thủ Đức vào trung tâm thành phố ùn tắc kèo dài hàng cây số. Ùn tắc kéo dài, cộng thêm các chuyến tàu Bắc - Nam chạy ngang quốc lộ 13 khiến hàng ngàn người dân không thể di chuyển trong một giờ đồng hồ.
Tình hình kẹt xe tại TPHCM giờ đây không chỉ xảy ra vào giờ cao điểm mà kể cả giờ thấp điểm. Anh Phan Quốc Tài, ngụ quận Thủ Đức, cho biết ngày nào anh đi làm qua khu vực nút giao giữa đường Đinh Bộ Lĩnh với đường Bạch Đằng cũng đều bị kẹt xe. Ở hướng ngược lại từ Hàng Xanh đến bến xe miền Đông tình trạng ùn tắc xe cũng xảy ra thường xuyên, bất kể giờ nào.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, cho biết năm 2017, trong số 37 điểm ùn tắc giao thông thì chỉ xóa được 4 điểm, 24 điểm có chuyển biến tốt, còn lại 9 điểm phức tạp cần có giải pháp căn cơ hơn.
Cũng theo ông Cường, trong năm 2017, TPHCM đã giải quyết được kẹt xe ngắn hạn ở một số điểm nóng xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái và hầm Thủ Thiêm. Ông Cường cho biết, năm 2017 thành phố đã xây dựng thêm được 106 km đường, 21 cây cầu. Tuy nhiên, ngành giao thông có xây dựng thêm nhiều cầu, đường thì cũng khó giải quyết hết ùn tắc vì lượng người và xe ở TPHCM tăng quá nhanh.
Chờ cơ chế đặc thù
Theo kế hoạch của Sở GTVT TPHCM, năm 2018, sở sẽ đẩy nhanh kế hoạch thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm để giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Các dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong năm 2018 gồm các dự án giao thông theo hướng đông, gồm đường song hành cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường vành đai 2 (từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa, nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú).
Ở hướng tây nam, gồm các dự án cầu đường Bình Tiên, khép kín đường Vành đai 2 - từ An Lạc đến Nguyễn Văn Linh, nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, 4 cầu thép trên đường Lê Văn Lương, tuyến trục Bắc - Nam (từ An Sương đến Khu công nghiệp Hiệp Phước) và những tuyến hướng tâm như các quốc lộ 1, 13, 22, 50. Bên cạnh đó, sẽ triển khai cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4…
Một số dự án khác được đôn đốc thực hiện để sớm hoàn thành trong năm 2018 như các công trình giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (gồm sáu công trình như cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội đến đường Cộng Hòa, xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa); khu vực Cảng Cát Lái (15 công trình, như xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy, xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng đến đường Vành đai 2 và nâng cấp, hoàn thiện toàn bộ mặt đường Vành đai 2
Ông Cường cho biết, ngay trong quí 1-2018 sẽ khởi công mới 22 dự án cầu đường bộ, trong đó sở sẽ ưu tiên đầu tư các dự án thành phần của tuyến đường Vành đai 2, đường nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành, quốc lộ 50 kết nối TPHCM với tỉnh Long An.
Tuy nhiên, theo ông Cường, năm 2018 khi thực hiện cơ chế đặc thù, TPHCM sẽ có thêm nguồn kinh phí từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do thành phố làm chủ sở hữu, hoặc trích tỷ lệ 50% từ nguồn xử phạt vi phạm giao thông, nguồn phí và lệ phí… để xây dựng cầu, đường.
Để giải quyết kẹt xe, ông Phạm Sanh, một chuyên gia giao thông, cho rằng việc xây các hầm chui, cầu vượt chỉ là giải pháp giải quyết kẹt xe trong ngắn hạn, điều này thấy rõ ở các dự án cầu vượt thép đã được xây dựng tại TPHCM.
Theo ông Sanh, về lâu dài phải đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến đường vành đai. Đồng thời kết hợp các giải pháp khác như di dời trường học, bệnh viện ra khỏi khu trung tâm, không xây cao ốc ở trung tâm, giãn dân ra các vùng ven… Việc giải quyết kẹt xe phải đồng bộ nhiều giải pháp, không chỉ xây dựng cầu đường.
[box] Vé tàu, xe đi ngày cao điểm đã hết
Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện nay, vé tàu, xe, máy bay chiều từ TPHCM đi miền Trung và miền Bắc trong những ngày cao điểm tết từ ngày 24 đến 29 tháng Chạp đều đã bán hết.
Tính đến ngày 6-2, các hãng xe giường nằm từ TPHCM đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên đều thông báo đã hết vé những ngày cao điểm tết (từ 24 đến 29 tháng Chạp). Trong đó, các tuyến từ TPHCM đi Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên dù đã tăng cường thêm xe nhưng lượng vé tăng cường vẫn không đủ do nhu cầu quá cao.
Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó giám đốc bến xe Miền Đông, cho biết đến thời điểm này các doanh nghiệp vận tải hoạt động trong bến xe đã bán được hơn 30.000 vé, trong đó có tới 26.500 vé xe giường nằm.
Đối với vé tàu, đại diện Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết tính đến ngày 6-2, vé tàu đi từ ngày 23-29 tháng Chạp và sau Tết Âm Lịch vẫn còn. Hiện trên hệ thống vẫn còn 4.292 vé đi từ TPHCM đến Nha Trang và từ ga Nha Trang đến ga Hà Nội trong các ngày từ ngày 20 đến 23 tháng Chạp và ngày 29 tháng Chạp.
Ở chiều từ Hà Nội đến Nha Trang và TPHCM đang còn 39.808 vé đi sau tết, từ ngày 4 đến 16 tháng Giêng. Như vậy, vé tàu những ngày cao điểm từ 24 đến 28 tháng Chạp cũng đã hết và chỉ còn vé đi ngày 29 tháng Chạp và sau tết.
Rảo qua các trang web bán vé của ba hãng hàng không nội địa gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific cũng thấy vé đi vào những ngày cao điểm từ 24 đến 28 tháng Chạp đối với các chuyến bay từ TPHCM về các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Huế, Quảng Bình đều đã hết. Đối với các chuyến bay từ TPHCM đi các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội những ngày cao điểm trên vé chỉ còn 1-2 chuyến bay đêm.
Giá vé máy bay tết năm nay cũng tăng khá cao so với năm trước. Giá vé đi những ngày cao điểm tết từ TPHCM đi Hà Nội giao động từ 3,4 đến 3,8 triệu đồng/lượt (đã bao gồm thuế, phí).[/box]