(SGTTO) - Đầu năm 2020, hệ thống nhà ga của cáp treo lên núi Bà Đen (Tây Ninh) đạt danh hiệu "nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới", như một điểm nhấn để thêm kỳ vọng về sự phát triển du lịch địa phương này.
Tuy nhiên, du lịch phát triển, lượng khách tăng sẽ tạo thêm áp lực lên môi trường – vấn đề mà khu du lịch núi Bà Đen phải đối mặt từ nhiều năm nay.
- Người dân bản địa phải là trung tâm của mô hình du lịch cộng đồng
- Hành trình 10 năm “nói không với rác thải nhựa” ở Cù Lao Chàm
Kỳ vọng núi Bà Đen
Đầu năm 2020, Tập đoàn Sun Group đưa vào hoạt động hệ thống nhà ga, cáp treo hiện đại tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen. Sự kiện này đặt ra kỳ vọng sẽ đưa lượng du khách đến với núi Bà Đen tăng lên so với mức khoảng 5.000 người/ngày như hiện nay. Mục tiêu đến năm 2025, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen sẽ thu hút khoảng 5 triệu lượt khách/năm và tăng lên 8 triệu lượt khách vào năm 2035.
Ngoài hệ thống cáp treo này, Tây Ninh “sở hữu” hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á (hồ Dầu Tiếng), trong khi, núi Bà Đen cũng là ngọn núi cao nhất khu vực Nam Bộ. Đây là những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển của ngành du lịch Tây Ninh.
Ngoài ra, Tây Ninh đang có các hoạt động nghệ thuật, văn hóa như đờn ca tài tử Nam Bộ, múa trống Chhay-dăm, lễ vía Bà Linh Sơn thánh mẫu núi Bà Đen, lễ hội Quan lớn Trà Vong... Ẩm thực Tây Ninh cũng nhiều món ăn hấp dẫn du khách như bánh canh Trảng Bàng, bò tơ Tây Ninh…
Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, địa phương này xác định ngành du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong đột phá và phát triển kinh tế – xã hội. Tây Ninh đặt mục tiêu xây dựng ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035.
Theo ông Ngọc, chính quyền và người dân Tây Ninh rất quan tâm đến việc gìn giữ và bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường du lịch. Việc này nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong mục tiêu chung của tỉnh Tây Ninh và của Khu Du lịch quốc gia Núi Bà Đen.
Ngành du lịch Tây Ninh đưa ra các mục tiêu như phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao nhận thức, thực hành về du lịch xanh; đầu tư nguồn nhân lực; bảo tồn, nâng cao các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa…Giải pháp để thực hiện các mục tiêu này là phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện, giảm thiểu tối đa các tác động đến môi trường.
Chủ yếu dựa vào ý thức của khách?
Dù đặt ra nhiều mục tiêu nhưng theo đánh giá của nhiều du khách khi đến với Tây Ninh, tình trạng rác thải, ô nhiễm môi trường do quá tải vẫn là điểm trừ của ngành du lịch tỉnh này.
Anh Nguyễn Đăng Mỹ (24 tuổi, TPHCM) chia sẻ, sau nhiều lần cùng nhóm bạn leo núi Bà Đen vừa để giải trí, thỏa đam mê khám phá, vừa để tập luyện sức khỏe, anh thấy tình trạng rác thải vẫn ngập ngụa núi Bà Đen.
Các nhóm bạn trẻ khi leo núi mang theo thức ăn, chai nhựa, bao bì ni lông… nhưng sau khi sử dụng đã không thu gom, bỏ vào thùng rác hoặc mang rác xuống núi mà tiện tay vứt ra hai bên, dọc các cung đường lên đỉnh núi.
“Có nhiều hôm trời mưa, rác thải từ trên đỉnh núi trôi theo dòng nước xuống chân núi, bị dồn lại thành từng cuộn vừa hôi vừa rất khó coi. Ngày càng nhiều bạn trẻ yêu thích núi Bà Đen nhưng nếu không có giải pháp xử lý rác thải, nơi đây sớm trở thành bãi rác khổng lồ”, anh Mỹ nói.
Hồi giữa tháng 10-2020, anh Mỹ và gần 70 bạn trẻ khác là thành viên của nhóm Tôi yêu Tây Ninh đã cùng leo núi gom rác trên cung cột điện, cung chùa Bà – hai cung đường lên núi Bà Đen phổ biến. Chỉ sau một buổi sáng, hơn 300kg rác thải, chủ yếu là chai nhựa đã được thu gom.
Anh Hoàng Thức (32 tuổi, huyện Hòa Thành, Tây Ninh), một thành viên khác của nhóm cũng cho biết, so với 300kg rác vừa được gom, vẫn còn rất nhiều rác chưa được gom xuống trên núi Bà Đen. Trong tháng 12 tới, nhóm sẽ tiếp tục tổ chức chương trình leo núi gom rác tại cung chùa Bà.
“Khi các bạn tình nguyện viên cúi xuống nhặt từng cái túi nhựa, chai nước hoặc phải chui vào trong hốc đá, gốc cây để gắp rác ra, cả đoàn chỉ mong những bạn trẻ khi đến núi Bà Đen du lịch thì ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường. Nếu có mang thức ăn lên núi, hãy mang rác xuống”, anh Thức nói thêm.
Anh Nguyễn Hoàng Anh (34 tuổi, ngụ TPHCM) cũng là người đam mê leo núi nên những lúc không thể đi xa, anh thường cùng nhóm bạn leo núi Bà Đen vào dịp cuối tuần.
Theo anh Hoàng Anh, du lịch Tây Ninh đang ngày càng phát triển, lượng du khách đổ về khu du lịch núi Bà Đen có nhiều lứa tuổi khác nhau, từ những người lớn tuổi có sở thích viếng chùa đến các bạn trẻ thích leo núi, khám phá…
Thế nhưng, vấn đề bảo vệ môi trường trên núi Bà Đen hiện gần như chỉ trông chờ vào ý thức của du khách. Để cải thiện tình trạng này, các doanh nghiệp, đơn vị khai thác dịch vụ tại đây cần được khuyến khích đầu tư mạnh hơn vào xử lý rác thải. “Một người xả ra môi trường một vỏ chai nước, một cái bì nhựa không thôi thì không phải là chuyện quá lớn nhưng với rất đông du khách như hiện nay thì đây là vấn đề cần được quan tâm”, anh Hoàng Anh nói.
Nam Bình