Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Lập đội bay không người lái giao hàng

Hoàng Xuân Phương-

Công ty thương mại điện tử đứng thứ nhì Trung Quốc JD.com cho biết họ đã thiết lập những đội bay không người lái mang hàng đến những vùng nông thôn xa xôi, cùng những đội giao hàng bằng robot nơi các thành thị.

Vào đầu tháng 4, hãng tin CNBC cho biết JD.com đã bắt đầu xây dựng các căn cứ hậu cần ở bên ngoài các thành phố, mỗi căn cứ phục vụ cho 150 thiết bị mang hàng tự bay, và đến cuối tháng 5 thì trang popsci.com cũng cho biết JD.com đã được chính quyền Thiểm Tây cho phép thành lập một đại bản doanh rộng 30 mẫu tại thành phố Tây An làm trung tâm hậu cần đồng thời là bộ chỉ huy thiết bị bay và cơ quan nghiên cứu hậu cần. Nơi đây cũng có cả những xưởng sản xuất thiết bị bay và một trung tâm điện toán đám mây. Chính quyền Thiểm Tây đã cấp phép cho JD.com hoạt động trong vùng bán kính lên đến 300 km, nhằm phục vụ cho nông dân và vùng nông nghiệp tại đó.

Cuộc chiến chất lượng đã bắt đầu từ sản phẩm và dịch vụ với các đội ngũ nhân viên giao hàng chuyên nghiệp, và nay tiến đến hiện đại hóa với phương tiện giao hàng bằng thiết bị bay trên bầu trời và các đội robot trên đường phố. Tại các thị trường rộng lớn ở Trung Quốc, cuộc chiến này đang nghiêng về phía JD.com mặc dầu giá trị vốn hóa của công ty thương mại Jingdong này mới chỉ là 56 tỉ đô la so với 360 tỉ đô la Mỹ của tập đoàn khổng lồ Alibaba. Thị phần thương mại điện tử của JD.com tại quốc gia đông dân nhất thế giới này đã từ 18% năm 2014 lên 25% cuối năm 2016, trong khi Alibaba từ 61% xuống còn 57%.

HXP3698-1--Thiet-bi-giao-hang-tu-bayHXP3698-1 – Thiết bị giao hàng tự bay Jdrone của JD.com đã hoạt động trên 20 lộ trình tại Trung Quốc.

Thương mại điện tử ở Trung Quốc đã bùng phát năm 2003 theo sau đại dịch hô hấp cấp tính (SARS) làm chết nhiều người, và cư dân thành phố không dám tới chỗ đông người để mua hàng. Nhà phân tích Jasmine Sun tại công ty tư vấn SmithStreet nói: “Đại dịch SARS đã gây sốc cho toàn bộ ngành bán lẻ tại Trung Quốc. Vì nguy cơ SARS, rất nhiều người bắt đầu sử dụng thương mại điện tử, điều đó cho phép họ không cần phải đi ra ngoài và tránh được nguy cơ nhiễm bệnh. Trong năm đó, thương mại điện tử đã bùng nổ một cách mạnh mẽ”.

Trang thương mại điện tử JD.com được thành lập trong trường hợp này, ban đầu là jdlaser.com, đến 2007 đổi thành 360buy.com, và từ năm 2013 nổi lên mạnh mẽ với JD.com, trở thành đối thủ đáng gờm của Alibaba cả về chất lượng hàng bán và tốc độ hiện đại hóa dịch vụ phân phối.

Những thiết bị bay mang hàng với 5 kiểu khác nhau từ loại nhỏ chỉ bay trong khoảng 50 km đến loại lớn chở hàng tấn sản phẩm với cự ly bay lên đến 186 dặm Anh đều đã đưa vào hoạt động. Trang recode.net ngày 27-1-2017 cho biết năm ngoái JD.com đã làm việc với chính quyền để thử nghiệm những chuyến bay mang hàng tại các tỉnh Quảng Tây, Tứ Xuyên, Giang Tô và những vùng ngoại ô thủ đô Bắc Kinh. Trang này cũng cho biết JD.com đã xác định được 20 lộ trình bay trong kế hoạch 100 lộ trình đến cuối năm 2017. JD.com cho biết giá vận chuyển trên thực tế bằng thiết bị bay tự lái JDrone rẻ hơn rất nhiều so với việc vận chuyển đi xa bằng xe tải, rẻ hơn đến 70%, bên cạnh thời gian giao hàng được rút ngắn khi các chuyến bay đạt vận tốc 100 km/giờ.

Liu Qiangdong, nhà sáng lập JD.com, cho biết tập đoàn nhắm đến thị trường 300.000 ngôi làng, tức một nửa số làng mạc tại Trung Quốc, và các làng muốn kết nối vào hệ thống phân phối bằng thiết bị bay sẽ tự đăng ký. Ông nói: “Ở mỗi làng chúng tôi có một nhân viên phân phối là người bản xứ, họ sẽ mang hàng đến từng nhà. Mỗi thiết bị bay thường mang theo từ 10 đến 15 gói hàng”. Mỗi khi người mua muốn đặt hàng, họ chỉ cần tải ứng dụng của JD.com xuống điện thoại, và từ đó ứng dụng sẽ thông báo ngay cho khách hàng liệu món hàng đang có sẵn tại kho hay không, và thời gian cụ thể giao hàng.

Trang chinamoneynetwork.com cho biết vào giữa tháng 6 JD.com cũng đã tung ra đội ngũ giao hàng bằng robot tự lái, trước mắt hoạt động tại các trường đại học: Tsinghua University, People's University, Zhejiang University và Chang'an University. Robot giao hàng sẽ di chuyển trong cự ly 20 km, di chuyển với tốc độ 15 km/giờ, và người nhận được xác định bằng mã QR chuyển qua điện thoại.

Khác với thiết bị giao hàng thử nghiệm của Amazon mà mỗi chiếc chỉ mang theo một gói hàng và mang giao tận nhà, JDrone lại mang theo nhiều gói hàng, giao tại làng, và từ đó sẽ có người phân phối đến tận nhà. Việc triển khai giao hàng bằng thiết bị bay của Amazon chậm trễ hơn vì cho đến nay cơ quan quản lý FAA của Mỹ chưa cấp phép hoạt động cho loại hình thiết bị mang hàng này.

Ngoài những JDrone, đội bay tự lái đông nhất gồm 77 chiếc là của 7-Eleven hợp tác với công ty thiết bị bay Flirtey, nhưng cũng mới chỉ hoạt động ở cự ly 1 km trong khuôn viên của 7-Eleven. Người ta nghĩ một cuộc đua giao hàng bằng drone và robot giữa các công ty sẽ nổ ra trong nay mai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối