Minh Duy -
Một số doanh nghiệp du lịch cho biết, lượng khách du lịch quốc tế năm nay tăng trưởng khá tốt. Một số thị trường khách Nga và Trung Quốc tại TPHCM có mức tăng trưởng tốt nhất trong hai năm trở lại đây.
Khách sạn kín phòng
Một số doanh nghiệp du lịch tỏ ra lạc quan khi thấy lượng khách du lịch quốc tế (inbound) đến Việt Nam tăng trưởng khá tốt trong năm nay. Ảnh: Đào Loan
12 giờ trưa thứ Sáu tuần trước, sảnh tiếp tân rộng của Furama Resort Đà Nẵng, một khu nghỉ dưỡng 5 sao tại thành phố Đà Nẵng, rộn rã tiếng nói cười của nhiều du khách. “Đoàn khách này từ Hà Nội vào. Lát nữa chúng tôi còn đoàn khách từ Hàn Quốc đông hơn nhiều. Mệt mà vui chị ạ!”, cô tiếp tân vui vẻ nói, và cho biết thêm resort không chỉ đông trong ngày hôm đó mà từ nhiều ngày qua.
Mùa đông khách quốc tế thường bắt đầu từ tháng 10 năm cũ kéo đến khoảng tháng 3 của năm sau. Vài năm trước, đã có những than phiền về việc khách không đến nhiều như mong đợi nhưng năm nay tình hình có vẻ lạc quan hơn. Một số doanh nghiệp cho biết, trong mùa này, nhiều khách sạn ở Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng đã kín phòng. Tại TPHCM, nhiều thời điểm, chẳng hạn như từ giữa tháng này đến đầu năm 2017 và từ tuần thứ ba của tháng 1 đến hết tháng 2-2017, nhiều khách sạn 3-4 sao không còn chỗ trống.
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Travelink, cho biết thị trường đã khởi sắc, đặc biệt lượng khách Trung Quốc đến TPHCM không những đã hồi phục so với ba năm trước mà đã có sự tăng trưởng mạnh. “Vài năm gần đây, khách Trung Quốc đến miền Trung bằng máy bay thuê nhiều nhưng đến TPHCM bằng các đường bay thường xuyên lại giảm. Nhưng mùa này khách rất nhộn nhịp, một số hãng hàng không tăng chuyến, mở thêm đường bay. Lượng khách của chúng tôi tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông nói.
Những thị trường khác cũng có tín hiệu lạc quan tương tự. Thị trường Nga khó khăn mấy năm nay cũng bắt đầu phục hồi. Lượng khách đổ đến Nha Trang, Bình Thuận đã tăng trở lại. Một số doanh nghiệp kinh doanh thị trường này cho biết đã qua được cơn khó khăn.
Bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Công ty Du lịch Pegas Misr Travel Việt Nam, cho biết mùa đông năm nay, số lượng máy bay thuê bao của công ty khai thác vào khoảng 70-75 chuyến/tháng, tăng gấp đôi so với mùa vắng khách dịp hè. Trong tháng 12 này sẽ có thêm vài chuyến bay từ Moscow tới. Năm ngoái, công ty đón khoảng 120.000 lượt khách Nga, nhưng đến thời điểm này, ước tính lượng khách cho năm nay sẽ khoảng 135.000 lượt. “Con số này còn tăng vì một số khách Nga đi nghỉ năm mới thường đăng ký vào giờ chót. Thị trường dần ổn định, chúng tôi đã “vượt cạn” thành công”, bà Thu nói với Sài Gòn Tiếp Thị trước khi lên máy bay từ TPHCM đi Nha Trang để cùng các đồng sự chuẩn bị đón du khách sang nghỉ đông.
Pegas là một trong những công ty đưa khách Nga đến Việt Nam nhiều nhất. Nhưng tương tự như những công ty khác, hai năm qua công ty giảm khách do thị trường khó khăn và nay tình hình mới ổn định trở lại. Những thị trường khác như châu Âu tuy có mức tăng trưởng thấp hơn, chừng 10% cho cả năm, nhưng doanh nghiệp cho rằng với những thị trường truyền thống, mức tăng trưởng cỡ 10% là con số tốt.
Số liệu chung từ cả nước cũng cho thấy sự lạc quan của thị trường. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, 11 tháng qua đã có hơn 9 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều hơn 500.000 lượt của con số mà ngành du lịch kỳ vọng cho cả năm nay. Với sự tăng trưởng ấn tượng này, cơ quan quản lý du lịch cho biết đang mong con số 10 triệu lượt khách cho cả năm, lớn nhất từ trước đến nay.
Mong có thêm đòn bẩy
Thị trường đang tăng trưởng tốt, doanh nghiệp cho rằng nếu có thêm nhiều đòn bẩy như thủ tục nhập cảnh thông thoáng và có thêm nhiều dịch vụ giải trí, mua sắm… cho du khách thì điểm đến Việt Nam sẽ còn thu hút thêm nhiều du khách hơn nữa.
Thông tin mà doanh nghiệp chờ đợi nhất hiện nay là việc thực hiện cấp thị thực điện tử. Vào tháng trước, Quốc hội đã cho phép thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ ngày 1-2-2017. Nhưng cho đến nay, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh vẫn chưa công bố địa chỉ trang web để làm thủ tục. Nhiều đối tác nước ngoài cũng đang mong thông tin này và doanh nghiệp trong nước sợ nếu báo trễ sẽ mất những cơ hội kéo thêm khách.
“Đối tác hỏi nhiều, cần thông tin chi tiết về quy trình thực hiện, trang web để làm thủ tục và thanh toán nhưng cơ quan chức năng chưa có thông tin cụ thể”, bà Ung Phương Dung, Giám đốc ICS Travel Group nói.
Theo bà Dung, việc thực hiện thị thực điện tử sẽ làm doanh nghiệp mất một nguồn thu nhập từ phí xin thị thực cho khách nhưng nguồn thu này nhỏ, không đáng so với sự tăng trưởng mà thị thực điện tử mang lại. “Nếu hệ thống thực hiện thị thực điện tử sẽ góp phần thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là những khách hàng mua tour vào giờ chót”, bà Dung cho biết. Hiện nay, công ty này cũng như nhiều nơi khác đang miễn phí làm thủ tục xin thị thực cho khách đoàn, còn khách lẻ thì tính vài đô la Mỹ/người, cùng với lệ phí thị thực theo quy định của nhà nước.
Với quy trình xin thị thực hiện tại, doanh nghiệp phải thực hiện song song hai bước, bằng máy tính và công văn bằng giấy, vừa phải khai, gửi dữ liệu lên cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để cơ quan quản lý nhập dữ liệu, vừa phải gửi công văn bằng giấy lên cho cơ quan này. Khi hồ sơ được duyệt, doanh nghiệp phải lên lấy thị thực về cho khách. Do đó, nhiều công ty trông chờ thực hiện thị thực điện tử, không chỉ tiện cho khách du lịch mà doanh nghiệp cũng tiết kiệm được thời gian và nhân lực làm thủ tục.
Cùng với thị thực điện tử, doanh nghiệp cũng kỳ vọng sẽ được thực hiện việc xin thị thực tại cửa khẩu và cũng như thị thực chung cho một số điểm đến trong khu vực, đặc biệt là khu vực Đông Dương để kéo thêm khách quốc tế.
“Việt Nam mới chỉ thực hiện được việc lấy thị thực tại cửa khẩu, còn Thái Lan thì đã thực hiện việc xin thị thực tại cửa khẩu, không tốn thời gian làm thủ tục trước nên du khách rất thích. Với lại, khách châu Âu đến Đông Nam Á thường đi nhiều nước, nếu chúng ta có thị thực chung thì chắc chắn sẽ có thêm khách”, ông Thành của Liên Bang Travelink nói.
Nhiều người khác lại mong có thêm nhiều khu vui chơi giải trí và trung tâm buôn bán các dịch vụ quà tặng, hàng nông sản, lưu niệm lớn để du khách vui chơi, tiêu tiền.
Một doanh nhân cho biết, khách Trung Quốc tuy mua tour giá thấp nhưng nhu cầu mua sắm lại cao mà thị trường chưa đáp ứng được. Tiễn khách ra sân bay lần nào ông cũng thấy khách xách 3-4 gói thậm chí là đóng thành thùng lớn các sản phẩm nông sản như hạt điều, cà phê… Những mặt hàng này, du khách mua trôi nổi trên thị trường, gặp đâu mua đó nên đôi khi mua phải hàng kém chất lượng và không đáp ứng đủ yêu cầu về chủng loại sản phẩm lẫn mẫu mã. Nhiều người muốn đi chợ nông sản nhưng chợ Bình Điền (TPHCM) thì xa trung tâm, giờ họp chợ không phù hợp với khách du lịch lại thiếu những thông tin hướng dẫn bằng tiếng Hoa.
Ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Du lịch Viking, cũng nêu tình hình tương tự với một số thị trường như Malaysia, Indonesia. “Du khách thích mua sắm, nhiều người mua cả thùng hàng to. Nếu chúng ta có những trung tâm lớn bán hàng nông sản, quà bánh, hàng lưu niệm cùng với dịch vụ cho xe du lịch, cho du khách gửi hàng về nước thì số tiền thu được sẽ rất lớn”, ông Hùng nói.