Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Lạc trôi giữa xứ miệt vườn cù lao Tân Phong

(SGTT) - Là một xã cù lao thuộc địa phận huyện Cai Lậy, Tiền Giang, cù lao Tân Phong như một vùng đất diệu kỳ nổi lên giữa sông Tiền. Do được phù sa bồi đắp, nơi đây giống như một con thuyền chở đầy trái ngọt quanh năm. 
Lênh đênh trên mặt nước. Ảnh: Ngọc Sương

Để đến được cù lao Tân Phong, chúng ta nên xuất phát từ bến đò Cái Thia rồi di chuyển đến cù lao bằng ghe khoảng 15 phút. Cù lao nổi tiếng với nhiều vườn trái cây, nào là quýt, cam, ổi, mận, mít… và đặc biệt là những cây chôm chôm lâu năm. Được biết, chôm chôm là loại trái cây được trồng nhiều nhất ở khu vực cù lao này. Cây ra quả vào khoảng tháng 6, tháng 7 hằng năm. Mỗi khi đến mùa, ta chỉ cần đứng từ bờ Cái Bè bên kia đã có thể thấy một cù lao Tân Phong rực rỡ sắc đỏ, sắc vàng.

Trong cái nắng oi bức của tiết trời tháng 5, cù lao Tân Phong hiện ra với màu xanh bạt ngàn. Được mẹ thiên nhiên ban tặng cho đất đai trù phú, cù lao như một con thuyền chở đầy trái ngọt: lạc giữa những trái mít thơm nứt mũi, trái ổi giòn rụm, chùm cóc sai trĩu… sẽ nhớ lắm nếu xa nơi cây lành, trái ngọt, phù sa trăm bể này.

Lênh đênh trên thuyền ngắm nhìn mặt nước dập dìu vỗ vào 2 bên bờ sông, gió thổi mạnh làm hàng dừa nghiêng nghiêng ngã ngã. Tiếng trò chuyện cười đùa rôm rả, sự vui vẻ, cởi mở của của người dân miền Tây luôn khiến cho những người con từ phương xa cảm thấy thân thiết, thoải mái.

Băng qua từng con rạch nhỏ bằng chiếc xuồng ba lá, cù lao xanh mát như đang ôm những mảnh vườn vào lòng. Một khung cảnh khiến người ta say đắm cái vẻ thanh bình của vùng quê miệt vườn này.

Đến với cù lao Tân Phong sẽ bắt gặp nhiều làng nghề thủ công truyền thống như làm kẹo dừa, bánh phồng, bánh tráng, kẹo, mứt, hàng thủ công mỹ nghệ… Dù mọi nơi có đang phát triển đến đâu thì cù lao cũng là nơi còn duy trì và giữ gìn lối sống miệt vườn miền Tây Nam Bộ. Những nét văn hóa truyền thống ấy đã khảm sâu vào từng con người nơi đây.

Đến cù lao Tân Phong, hẳn ai cũng sẽ được một lần nghe và giao lưu đàn ca tài tử, một đặc trưng không thể thiếu khi nhắc đến văn hóa miền Tây Nam Bộ bao năm qua. Từ những ngày đầu mở đất, đờn ca tài tử là hơi thở, là tiếng lòng của những con người miền quê sông nước.

Giao lưu đàn ca tài tử. Ảnh: Ngọc Sương

“Hò...ơ....ơ...ơ...

Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm,

công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu.

Chiếu này tôi chẳng bán đâu,

tìm cô không gặp, tôi gối đầu mỗi đêm”

Những câu hò vọng cổ phóng khoáng, dân dã kết hợp với âm thanh phát ra từ tiếng đàn sao mà mộc mạc, giản dị quá. Giọng hò mênh mang, chậm rãi trải dài trên sông nước rồi lan toả, tan biến trong không gian vô tận. Những thanh âm này một phẩn để gửi gắm tâm trạng, một phần nhắn nhủ cho con người, một phần gửi vào thiên nhiên sông nước để san sẻ nỗi lòng.

Nhìn xa xa, dạt bèo đang trôi lênh đênh trên mặt sông Tiền. Gió thổi làm mặt nước gợn sóng từng nhịp, tiếng cười đùa giòn tan hòa vào ánh nắng. Cù lao Tân Phong như một miền đất hứa, nơi chất chứa bao niềm nhớ mong quê hương, mang trong mình cảnh quang tươi mới,  trong lành.

Ngọc Sương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối