Trân Duy -
Từ khi bức ảnh chụp cảnh những bức tường gạch đỏ của nhà thờ Đức Bà (vương cung thánh đường) ở trung tâm quận 1 (TPHCM) bị viết tên chi chít xuất hiện trên một trang in và nhiều trang mạng. Tưởng như tình trạng viết bậy trên tường sẽ ít hơn, nhưng có một hệ quả khác là những bức tường bị ghi chữ này lại nổi tiếng hơn.
Nhiều người cứ viết chữ lên tường và mặc kệ tấm bảng có ghi chữ “Nơi tôn nghiêm, xin giữ vệ sinh chung”.
Sáng Chủ nhật vừa qua, tôi đến và đi quanh những bức tường này và thấy làm lạ là có nhiều người trẻ, một số gia đình đến từ phương xa, đã chọn cách chụp hình lưu niệm tại những bức tường chi chít chữ hơn là những bức tường trống trơn. Lý do: chụp với những bức tường có chữ sẽ ấn tượng hơn với tường trơn. Có nhóm các cô gái trẻ vừa đến, họ reo vui khi nhìn thấy những bức tường đầy nét chữ. Một cô hồn nhiên: “Hay quá, tụi mình cũng ghi rồi sau đó chụp hình nha!”. Một cô khác ngần ngại khi nhìn thấy tôi đang đứng gần đó: “Thôi, tường nhà thờ đó”. Cô kia còn rụt rè hơn: “Như vậy là xâm phạm di tích”. Một nhóm khác đang che chắn cho một cô được “bình chọn” là có chữ đẹp nhất đang nắn nót viết bằng bút xóa, khi tôi nhắc nhở: “Các em có biết rằng mình đang xúc phạm một công trình có trên trăm năm tuổi, và đây còn là một nhà thờ tôn nghiêm”. Họ đều bẽn lẽn “tụi con không biết” và vội rảo bước đi, vừa đi vừa cằn nhằn nhau.
Tôi đã có đọc qua khá nhiều những câu chữ trên những bức tường này, phần lớn là tên và ngày “ghi dấu đến”, thể hiện tình yêu, rồi tên tiếng Hoa, tiếng Hàn, tiếng Anh. Cũng có vài cái tên kèm theo địa danh. Đa số được viết bằng bút xóa, một số bằng bút lông, bằng vật nhọn sắc, để lại những vết rạch nham nhở trên tường gạch và đá cứng. Một số bạn trẻ bị hỏi đều trả lời chung chung: “Dạ, vui thôi mà. Thấy người ta ghi thì mình ghi theo, để người khác đến nhìn thấy và biết, để lưu dấu, để nhớ… và cũng để có cái để chụp khoe lên Facebook”. Tất cả đều nghĩ thật đơn giản: “Viết mấy chữ thì ăn nhằm gì” mà quên mất, đây là một cách thể hiện bản thân đầy ấu trĩ. Còn gây mất mỹ quang và hư hỏng di tích. Và cũng là một căn bệnh của “hội chứng đám đông”.