Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024

Lãi nhiều, nông dân chuyển sang trồng nếp

TRUNG CHÁNH - 

Thấy mức lợi nhuận cao hơn lúa đến 20 triệu đồng/ha, không ít nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã quyết định “bỏ lúa” chuyển sang trồng nếp, loại lúa cho gạo dẻo thường dùng nấu xôi hay làm bánh. Nhiều người trong cuộc cho rằng, với việc chuyển đổi này, người nông dân đang đánh cược với may rủi, bởi việc tiêu thụ nếp phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Trúng mùa, được giá

luanepRuộng nếp chuẩn bị thu hoạch của nông dân xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An.

Vụ lúa hè thu sớm 2016 của bà con nông dân xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An vừa thu hoạch xong cách đây ít hôm. Vào thời điểm này, đi đâu thấy người dân trong vùng cũng bàn tán chuyện nếp trúng mùa, được giá. “Chưa có năm nào nếp vừa được giá và trúng mùa như năm nay”, ông Nguyễn Văn Cường, ngụ xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An – người vừa thu hoạch xong hai héc ta đất trồng nếp – vui mừng nói với Sài Gòn Tiếp Thị.

Ông Cường cho biết, với hai héc ta đất trồng nếp, gia đình ông thu được trên 19 tấn nếp tươi. Với giá bán cho thương lái tại ruộng là 6.800 đồng/kg, vụ này gia đình ông thu được tổng cộng hơn 130 triệu đồng, tương đương hơn 65 triệu đồng/ha. “Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư như phân thuốc, công cán các thứ, tôi còn lãi khoảng hơn 100 triệu đồng”, ông Cường cho biết.

Ông Nguyễn Việt Tiến, một nông dân sản xuất lúa IR 50404 ngụ cùng địa phương ông Cường, cho biết với năng suất lúa IR 50404 vụ hè thu sớm 2016 đạt gần 10 tấn/ha (lúa tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp), và với giá bán 4.750 đồng/kg, nông dân thu được mức doanh thu là 47 triệu đồng/ha. “Nếu trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận nông dân thu được từ sản xuất lúa là khoảng 30 triệu đồng/ha”, ông Tiến cho biết.

Như vậy, mức lợi nhuận chênh lệch lên đến 20 triệu đồng/ha khiến không ít hộ nông dân mơ ước. Theo một số nông dân sản xuất nếp tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, hiện giá nếp tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hiện được thương lái mua tại ruộng đã đạt đến mức xấp xỉ 7.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với mức giá trước đó không lâu.

Rủi ro “bỏ lúa”

Giá bán, lợi nhuận thu được cao hơn hẳn so với sản xuất lúa đã làm cho nhiều hộ nông dân ở Long An quyết định “bỏ lúa” chuyển sang trồng nếp trong vụ thu đông 2016 này.

Ông Huỳnh Hoàng Nam, một hộ nông dân ở xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An, cho biết ông đã chuyển toàn bộ 2,5 ha đất canh tác lúa IR 50404 sang trồng nếp. Cách đây vài ngày, ông đã xuống giống trong niềm hy vọng sẽ trúng mùa, trúng giá như những gì đang diễn ra. “Giá nếp từ vụ đông xuân 2015-2016 đến nay liên tục tăng và luôn giữ ở mức cao hơn hẳn so với cây lúa nên tôi chuyển sang trồng nếp”, ông giải thích.

Dù chưa có số liệu thống kê chính thức từ ngành nông nghiệp ở ĐBSCL về diện tích lúa được chuyển sang trồng nếp, nhưng tình trạng này xảy ra rất phổ biến ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An và một số địa phương khác trong vùng ĐBSCL.

Cụ thể, tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, nông dân liên tục “bỏ lúa” chuyển sang trồng nếp, khiến diện tích liên tục tăng kể từ vụ đông xuân 2015-2016 đến nay (vụ thu đông sớm 2016). Trong khi đó, tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, ngay từ vụ đông xuân 2015-2016 đã có gần 3.000 ha đất trồng lúa chuyển sang sản xuất nếp, tăng gấp đôi so với vụ đông xuân năm trước đó.

Diện tích sản xuất nếp có chiều hướng tăng cao, song việc tiêu thụ loại sản phẩm này thì người nông dân chỉ biết trông chờ vào vận may của thị trường, hoàn toàn không biết sắp tới diễn biến giá cả sẽ như thế nào. “Bây giờ thấy giá nếp cao, có lãi cao hơn cây lúa thì chuyển sang trồng vậy thôi, chứ cũng đâu biết gì”, ông Nam nói.

Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, trong những tháng đầu năm 2016, tình hình tiêu thụ nếp tương đối khả quan, nhất là ở thị trường Trung Quốc. Điều này phần nào đã có tác dụng tích cực trong việc kéo giá nếp thị trường nội địa tăng mạnh.

Báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, trong ba tháng đầu năm 2016, xuất khẩu nếp của doanh nghiệp hội viên VFA đạt gần 150.000 tấn, chiếm 10,45% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành gạo (bao gồm cả nếp, gạo thơm, gạo trắng, tấm) là hơn 1,4 triệu tấn, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, nếu như cả năm 2015, xuất khẩu nếp của Việt Nam sang thị trường này đạt 391.800 tấn, giảm 5,9% so với năm 2014, thì chỉ riêng trong tháng 3-2016, xuất khẩu nếp của Việt Nam sang Trung Quốc đạt đến 114.000 tấn, tăng tám lần so với cùng kỳ năm 2015.

Theo một số người trong cuộc, việc tiêu thụ nếp phụ thuộc quá lớn vào thị trường thường xuyên “nóng-lạnh” là Trung Quốc có thể khiến giá nội địa sụt giảm thê thảm nếu thị trường này giảm mua. Trên thực tế, tình trạng này đã từng xảy ra trong những năm trước đây và hậu quả là giá nếp thấp hơn cả giá lúa IR 50404. Tuy nhiên, nhiều khả năng thị trường tiêu thụ nếp trong ngắn hạn sẽ tiếp tục sôi động, bởi lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký từ tháng 3-2016 vẫn còn gần 330.000 tấn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối