Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Lãi suất cho vay khó hạ nhiệt cuối năm

Thu Nguyệt -

Mới đây, một số ngân hàng có quy mô lớn điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động. Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ cũng muốn giảm mạnh lãi suất để đảm bảo lợi nhuận, song không dám vì lo ngại mất đà huy động, ảnh hưởng đến các chỉ số an toàn của ngân hàng. Do vậy, khả năng lãi suất huy động giảm trên diện rộng, giúp lãi suất cho vay giảm đồng loạt là khó xảy ra.

Lớn giảm mạnh

nganhangLãi suất cho vay được dự báo là khó giảm đồng loạt, mặc dù lãi suất huy động giảm trên diện rộng.  Ảnh: Thành Hoa

Từ hôm 26-9, một số ngân hàng có quy mô lớn, như BIDV, Vietcombank, Vietinbank đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiền gửi đồng Việt Nam ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, các kỳ hạn dưới một năm được một số ngân hàng có quy mô lớn điều chỉnh giảm 0,3-0,5 điểm phần trăm/năm.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với đợt giảm lãi suất của các ngân hàng này, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới một tháng được các ngân hàng này công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ một tháng đến dưới ba tháng ở mức 4,2-4,3%/năm. Kỳ hạn từ ba tháng đến một năm lãi suất dao động từ 4,5% đến 5,5%.

Tại Vietcombank, lãi suất huy động kỳ hạn từ chín tháng trở lên vẫn được ngân hàng này giữ nguyên, nhưng lãi suất áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn một, hai, ba và sáu tháng đã giảm lần lượt từ 4,5%/năm, 4,8%, 5,1% và 5,5%/năm xuống còn 4,3%/năm, 4,3%, 4,8% và 5,3%/năm. Theo đó, mức giảm lãi suất tại Vietcombank là 0,2-0,5 điểm phần trăm/năm.

Tại BIDV, lãi suất huy động giảm ở hầu hết các kỳ hạn, với mức giảm lên đến 0,6 điểm phần trăm/năm tuỳ kỳ hạn. Chẳng hạn như, lãi suất huy động kỳ hạn ba tháng giảm từ 5,5%/năm xuống còn 4,8%/năm…

Theo NHNN, động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các ngân hàng trên là giải pháp tích cực, kịp thời nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Nhỏ giảm từ từ

Theo phó tổng giám đốc của một ngân hàng tại TPHCM, việc một số ngân hàng giảm lãi suất mới đây có thể chỉ là tạm thời. Động thái này thể hiện ý chí mong muốn có giá vốn rẻ hơn để đầu ra, tức lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp được thấp hơn.

Sau động thái dẫn dắt của các ngân hàng lớn có thể khiến những ngân hàng nhỏ sẽ giảm lãi suất huy động 0,1-0,2% để thăm dò thị trường, mà không dám giảm mạnh vì lo ngại mất đà huy động khi hiện nay nhiều khách hàng sẵn sàng chuyển tiền gửi sang những ngân hàng có lãi suất huy động nhỉnh hơn.

Ngoài ra, từ ngày 1-1-2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn phải giảm từ mức quy định hiện nay là 60% về còn 50%. Đây cũng là một trong những áp lực để các ngân hàng tăng huy động cả tiền gửi ngắn, trung và dài hạn (nếu huy động tiền gửi trung, dài hạn không tăng lên thì huy động ngắn hạn cũng phải tăng để đảm bảo tỷ lệ này). Do đó, những ngân hàng có các chỉ số an toàn chưa đạt được như mong muốn, sẽ phải giữ đà huy động như hiện nay (tức lãi suất có thể đứng yên, hoặc tăng nhẹ, tuỳ tình hình thị trường – PV).

Vị này cho biết thêm, nhu cầu vay vốn lúc nào cũng tăng cao vào dịp cuối năm, và đây thường là thời điểm đem lại nhiều lợi nhuận cho ngân hàng. Hiện nay thanh khoản khá tốt, nên các ngân hàng đủ vốn để đáp ứng được nhu cầu vay cuối năm. Do đó, tuỳ tình hình thị trường, có thể các ngân hàng sẽ không tăng cao lãi suất huy động vào dịp cuối năm nay như mọi năm, nhưng cũng khó giảm lãi suất đầu vào bởi lý do thanh khoản.

Giải thích về việc này, vị phó tổng giám đốc trên cho biết, trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng đều đang dư vốn. Do đó, lãi suất trên thị trường này hiện rất thấp, dưới 1%/năm. Nếu cần thiết, ngân hàng có thể huy động nguồn vốn này mà vẫn có lời dù cho vay với lãi suất nào. Tuy nhiên, việc huy động vốn từ dân cư vẫn tốt hơn. “Hiện nguồn tiền tại các ngân hàng đang có đủ để đảm bảo nhu cầu vốn cuối năm”, vị này khẳng định.

Một phó tổng giám đốc của một ngân hàng khác tại TPHCM cũng cho biết trong tháng rồi, ngân hàng có giảm nhẹ lãi suất vì thực ra việc huy động vẫn khá tốt. Trong khi đó các ngân hàng không được cho vay quá hạn mức tín dụng được NHNN quy định cho từng ngân hàng. Ngân hàng không dám giảm mạnh lãi suất huy động vì không thể đưa ra mức lãi suất quá thấp so với mặt bằng hiện nay của thị trường để đảm bảo dòng vốn cuối năm.

Trong khi đó, một số ngân hàng khác từ đầu tháng 9-2016 đến nay đã tăng nhẹ lãi suất huy dộng hoặc tăng qua hình thức cộng lãi suất thưởng áp dụng cho một số chương trình, hay nhân kỷ niệm thành lập.

Lãi suất huy động kỳ hạn dài, thường trên 12 tháng của nhiều ngân hàng dạo gần đây được đẩy lên khá cao, một số ngân hàng huy động với lãi suất trên 8% như CB, Tienphong Bank, VPBank, NCB… Đa phần các ngân hàng tăng lãi suất đều là ngân hàng nhỏ hoặc nằm trong diện tái cơ cấu. Tuy nhiên, nhìn vào những con số này sẽ thấy khả năng cuối năm người vay, và doanh nghiệp có vốn rẻ để kinh doanh là không dễ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối