Lái xe vận chuyển hàng hoá trong nội bộ 19 tỉnh, thành phố phía Nam không cần phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Tuy nhiên, lái xe phải được bố trí chỗ ở riêng, không tiếp xúc với người khác, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 ngày 18-7.
- Nhu cầu thực phẩm tăng đột ngột, siêu thị khẳng định không thiếu hàng
- Người dân TPHCM lại đến siêu thị, cửa hàng gom thực phẩm
- Đi chợ trên mạng mùa dịch, dễ hay khó?
Ngày 18-7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc còn tồn tại trong bối cảnh 19 tỉnh, thành phía Nam sẽ giãn cách theo Chỉ thị 16 bắt đầu từ ngày 19-7.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn nêu vướng mắc trong việc vận chuyển hàng hóa hiện nay là yêu cầu lái xe, người đi cùng xe phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với Covid-19. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại yêu cầu khác nhau, nơi yêu cầu RT-PCR, nơi chấp nhận xét nghiệm nhanh. Ngoài ra, thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm mỗi địa phương cũng quy định khác nhau.
Ông Tuấn đề nghị cần phải có hướng dẫn để thực hiện thống nhất cho tất cả các địa phương.
Liên quan đến hiệu lực của giấy xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ Y tế chấp nhận kết quả xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm nhanh do tất cả các cơ sở y tế từ cấp xã trở lên xác nhận. Kết quả có hiệu lực trong 3 ngày.
Để tháo gỡ cho vận chuyển hàng hóa, ông Long cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã bàn và thống nhất hướng dẫn việc vận chuyển hàng hoá trong nội bộ 19 tỉnh, thành phố phía Nam không yêu cầu lái xe, người đi cùng trên xe phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Tuy nhiên, xe vận chuyển phải được khử khuẩn, lái xe được bố trí chỗ ở riêng, không tiếp xúc với người khác…
Các xe chạy qua lại giữa các địa phương cần có mã QR-Code để đảm bảo việc kiểm soát và được vận hành thông suốt.
Cùng với việc không yêu cầu giấy xét nghiệm đối với lái xe, các cơ quan chức năng cũng cho phép các xe chở hàng nông sản mau hỏng được sẽ in bảng "hàng mau hỏng" dán trên kính xe để các chốt kiểm soát dịch nhận biết, tạo điều kiện cho xe lưu thông nhanh nhất.
Mấy ngày qua các xe chở hàng nông sản từ vùng đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên xuống TPHCM lưu thông rất chậm do khâu kiểm tra phòng dịch tại các chốt kiểm soát chưa thống nhất, có tỉnh chấp nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 của lái xe (một dạng giấy thông hành) test nhanh, có tỉnh yêu cầu xét nghiệm PCR...
Do mất nhiều thời gian vận chuyển nên các mặt hàng rau, củ, quả khi đến TPHCM đã bị hư hỏng không sử dụng được. Điều này khiến nguồn cung rau, củ, quả mấy ngày qua tại TPHCM rất khan hiếm, giá bị đẩy lên cao.
Lê Anh
Theo KTSG Online