Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Làm chân “chạy vặt” mà vui

(SGTT) - Có lẽ ngày tết vui nhất mà cũng mệt nhất là khi hai chị em tôi phụ mẹ làm những việc lặt vặt không tên. Khôn lớn rồi chúng tôi càng cảm thấy đó là niềm hạnh phúc khi được giúp đỡ mẹ, người vốn bận bịu suốt cả năm dài.

Dọn dẹp là món “đặc sản” đáng ngán nhất của ngày tết nhưng dường như không ai thoát được. Bởi vậy nên tết đến là mệt. Thật sự là rất mệt. Vì thời gian nghỉ dài và không vướng bận việc học, việc làm, nên mọi thứ trong nhà đều có thể lôi ra lau chùi dọn dẹp, dọn từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới.

Từ “chuyên gia” dọn dẹp

Thời còn đi học, tôi và chị thường được nghỉ tết sớm. Thế là chúng tôi lên lịch lau dọn quanh nhà. Hôm nay lau cửa. Ngày mai lau dọn tủ sách, ngày kia lau dọn tủ ly, ngày mốt lau dọn tủ chén, chưa kể quét màng nhện rồi rửa quạt. Nói chung, trong nhà có bao nhiêu thứ là đều được xếp lịch để lau rửa dọn dẹp hết, thậm chí còn mang bộ lư đồng ra đánh bóng lại bằng chanh và mẻ.

Lau lau chùi chùi mãi thì cũng sinh chán. Thế nên lại sinh ra không ít lần nghỉ giữa giờ. Việc đáng lẽ chỉ cần hơn hai tiếng đồng hồ thì đôi lúc mất hết cả một buổi và càng về cuối thường sẽ không còn kỹ như ban đầu nữa. Nhưng chúng tôi cũng phải ráng đụng tới cái thanh cửa hoặc cái ly tách cuối cùng trong tủ mà lau quẹt nhanh qua vài đường để chúng cũng được hưởng cái sự lau chùi.

Đến làm “thợ phụ” mẹ

Trong nấu nướng, chúng tôi chỉ là những kẻ chạy vặt. Một buổi sáng bất kỳ nào đó, chúng tôi sẽ được mẹ “triệu hồi” để chở mẹ ra chợ. Có những ngày mẹ ra vào chợ liên tục, không thể vì thế mà cứ gởi xe vào bãi rồi lấy xe ra được vì giá gửi xe những ngày này đắt hơn bình thường. Thế là chúng tôi sẽ thành người giữ xe tận tụy mà không được tiền.

Ngoài ra chúng tôi cũng được phân công nhặt rửa các thể loại rau dưa, nhồi khổ qua hầm hay bóc trứng cho nồi thịt kho. Mẹ tôi năm nào cũng làm giò thủ. Đó là món ruột của mẹ. Tụi tôi thường góp phần trong khâu rửa (lại là rửa!) hoặc khi bắt đầu đổ vô khuôn - đoạn đầu và cuối trong khâu làm giò thủ.

Có mấy cái tết, mẹ tôi còn nấu bánh chưng. Những năm đó, chúng tôi có thêm các công đoạn như mua lá, rửa lá, phơi lá, luộc đậu, xay đậu, ướp thịt và bày biện ra để gói bánh. Năm đầu tiên bắt đầu nấu bánh chưng lại, hai đứa tôi chỉ ngồi xếp lá cho mẹ gói. Hai năm sau tiến bộ hơn, được tự làm… một hai cái bánh. Năm đầu tiên, ba mẹ con nửa thức nửa ngủ canh nồi bánh, riêng cha tôi hôm đó đi trực nên đã “thoát” được cảnh này.

Mấy lần sau mẹ đổi giờ nấu bánh chưng thành ban ngày, nấu từ sáng đến chiều, cho chị em tôi ở nhà tự canh nồi bánh, tự thêm nước hoặc đổi than trong lò. Nhờ vậy buổi chiều là đã vớt được bánh ra. Ngày tết lúc ấy, nhìn quanh sẽ thấy mấy cây giò thủ đang được nén để ra mỡ và bánh chưng được ép để ra bớt nước. Đó là kiểu bừa bộn quen thuộc và gây sự nhớ nhung của ngày tết.

... ngập trong những thứ không tên

Trong cảnh dọn dẹp triền miên ấy, nhà tôi vẫn không quên nhắc nhau ngó nghiêng tìm mua mấy giỏ bông chưng trước cửa. Có năm nhớ ra trễ, đến tối 30 mới chở nhau dạo quanh các đoạn đường, địa điểm bán bông để tìm được chậu cây vừa ý. Có năm lại hứng chí đi bộ dọc dọc các con đường gần nhà để ngắm nghía mua cây mua hoa. Cuối cùng đến lúc chọn mua được rồi thì không có xe chở, lại không có “viện binh” ra chở giúp – cha mẹ tôi đều bận cả – thế là chúng tôi khệ nệ tự bê về nhà, thở không ra hơi nhưng đứa nào cũng vui.

Bận rộn đâu đã dừng ở đó. Nhà tôi vẫn đảm trách nấu cơm cúng từ 30 cho đến hết Mùng 3 Tết. Thế nên những ngày này, có đi đâu chơi, có làm gì, cũng phải canh giờ về để nấu cơm cúng. Chúng tôi thường đảm trách những công việc ngoài việc đứng bếp nấu nướng, cũng vẫn là nhặt rửa, bưng bê, bày biện, dọn dẹp mà thôi. Đều đặn năm nào cũng vậy. Sau ngày này thì có thể xem là chính thức nghỉ ngơi vì đồ ăn đã có sẵn trong tủ, đến bữa thì cứ lấy ra ăn. Chúng tôi cứ đùa, đồ ăn làm trong tết có thể ăn trong vòng một tháng sau đó.

Thật ra, tôi vẫn có một tâm lý vừa mong chờ vừa ngao ngán khi tết đến. Mệt. Tết thật sự vẫn rất mệt, bởi tất cả sự tất bật chuẩn bị cho những ngày đầu năm được sung túc, vui tươi. Có người nói chính sự chuẩn bị đó mới làm nên không khí nô nức hào hứng của ngày tết. Ngẫm lại thì chính khi được nhìn mọi thứ được dọn dẹp sạch sẽ, sáng bóng như mới, ngăn nắp tinh tươm, tôi mới có cảm giác tết hiện diện thật sự, lại có cảm giác thỏa mãn hài lòng cho ngày đầu năm. Có lẽ “được” mệt cũng là cảm giác không thể thiếu của ngày tết.

Thái Quyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối