Đèn trang trí đang ngày càng được nhiều hộ gia đình ưa chuộng bởi nét đẹp tinh tế, giúp nâng tầm nội thất ngôi nhà cũng như làm đẹp không gian sống, qua đó góp phần cải thiện tâm trạng, sức khỏe cho gia chủ sau một ngày học tập, làm việc căng thẳng.
Đèn trang trí được sản xuất từ nhiều chất liệu khác nhau như pha lê, thủy tinh, kim loại… với nhiều thương hiệu, cả trong lẫn ngoài nước. Dựa vào cách bố trí đèn theo chiều cao, có thể phân đèn trang trí thành các loại: đèn thả, đèn chùm (gọi chung là đèn áp trần) là đèn cao; đèn tường là đèn trung vị và đèn đặt trên bàn hoặc để sàn (đèn cây) là đèn thấp.
Đèn áp trần là đèn chiếu sáng chủ yếu trong căn phòng, do đó phần lớn được lắp giữa trần nhà nhằm giúp ánh sáng tỏa đều bốn phía, tạo cảm giác cân bằng cho không gian.
Đèn tường là loại đèn thường được đặt ở đầu giường ngủ hoặc phần trên phía sau ghế sofa trong phòng khách, vì là đèn chiếu sáng phụ nên chỉ dùng để trang trí và tạo ánh sáng nhẹ trong không gian căn phòng.
Đèn bàn và đèn cây thuộc đèn ở vị trí thấp, nên phần lớn dùng để chiếu sáng cục bộ. Có thể đặt đèn bên cạnh sofa để đọc sách, báo… Tuy nhiên, người dùng cần lưu ý bố trí đèn ở vị trí phù hợp để không gây chói mắt. Với việc dễ dàng di chuyển, các loại đèn này thuận tiện cho nhiều hoạt động, và khi kết hợp cùng chụp đèn sẽ tạo nên một vật dụng trang trí nổi bật trong phòng ngủ, bàn trang điểm…
“Đèn trang trí có rất nhiều loại, tùy vào chất liệu và kích cỡ sẽ có mức giá khác nhau. Mỗi loại đèn phù hợp cho từng không gian trong nhà nên tùy theo nhu cầu mà khách hàng lựa chọn loại đèn thích hợp”, nhân viên cửa hàng đèn Hoàng Trí, quận Bình Tân, TPHCM cho biết.
[box type="download"] Một số loại đèn phổ biến
- Nhóm đèn pha lê: Đèn chùm pha lê thường đối xứng tâm, có nhiều tầng, nhiều vòng. Ở trên khung xương đèn có nhiều hạt pha lê lấp lánh – yếu tố quyết định toàn bộ giá trị chiếc đèn.
- Nhóm đèn có chóa/chụp: Nhóm đèn này thường ít bóng hơn nhóm đèn pha lê – mỗi chóa/chụp có một bóng đèn. Chóa/chụp của nhóm đèn này thường bằng thủy tinh mờ, sứ hay có vân để giấu bóng đèn bên trong.
- Các kiểu khác: Phần lớn được thiết kế tương đối tự do, kích thước không được lớn (trừ một số đèn có đuôi thả dài). Các loại vật liệu cũng rất phong phú, một số loại còn sử dụng bóng halogen.[/box]
Làm đẹp “mặt tiền” ngôi nhà
Phòng khách được xem như là “mặt tiền” của ngôi nhà, vừa là nơi tiếp khách đồng thời cũng là nơi sinh hoạt chung cho cả gia đình. Vì thế, chủ nhà nên chọn những loại đèn có màu sắc nhẹ nhàng để không gian trở nên dễ chịu, thoải mái và gần gũi. Sự hài hòa màu sắc giữa kiến trúc và nội thất sẽ cho cảm giác thư giãn, qua đó cũng tôn lên phong cách và gu thẩm mỹ của gia chủ.
Ánh sáng phòng khách được phân thành hai loại: tổng thể và cục bộ. Trong đó, ánh sáng tổng thể chủ yếu được tạo ra bởi đèn treo trần, còn ánh sáng cục bộ là từ đèn bàn, đèn tường. Với đèn treo, nên chọn ánh sáng có màu dịu nhẹ và mang đến sự sang trọng như đèn chùm hoặc quạt trần gắn đèn chùm… Ngoài ra, khi kết hợp cùng đèn chiếu sáng phụ sẽ tạo thêm cảm giác rộng rãi cho căn phòng.
Với nhà có diện tích nhỏ, trần thấp mà vẫn muốn sử dụng đèn chùm, gia chủ có thể lựa chọn đèn ngắn có màu sắc phù hợp với đường tô chỉ của trần và nên dùng bộ đèn chùm một tầng (4-6 bóng), không nên dùng đèn nhiều tầng, đèn có kiểu dáng đơn giản sẽ giúp căn phòng thêm thoáng đãng.
“Với phòng khách nên sử dụng đèn treo hoặc đèn chùm để trang trí, vừa sáng lại vừa làm đẹp cho ngôi nhà và tùy theo diện tích ngôi nhà mà khách hàng có thể lựa nhiều kiểu dáng phù hợp”, nhân viên kinh doanh của Công ty Thế Giới Đèn Trang Trí, quận Tân Bình, TPHCM cho biết.
Sau ánh sáng tổng thể, ánh sáng chi tiết cũng giúp tôn thêm vẻ đẹp của căn phòng. Với những gian phòng khách thiếu ánh sáng (ngay cả ban ngày), việc lắp 1-2 chiếc đèn nhỏ là điều cần thiết, vừa tiện lợi lại vừa tiết kiệm.
Đối với đèn tường, tối đa chỉ nên dùng hai bộ cho một phòng có diện tích lớn, phòng có diện tích nhỏ chỉ nên lắp một bộ. Còn đối với đèn đứng để ở phòng khách, cạnh ghế sofa, cạnh đàn piano thì nên chọn loại cao 1,45-1,7 m; phần chụp có đường kính khoảng 45-50 cm.
Ngoài ra, việc trang trí thêm đèn rọi tranh hoặc đèn hắt âm tường sẽ giúp căn phòng thêm ấn tượng, vừa tạo chiều sâu, vừa làm sáng cho những tác phẩm nghệ thuật treo tường, tôn lên nét duyên dáng của căn phòng. Tuy nhiên, đối với đèn âm trần các gia đình nên bố trí những loại đèn bóng tròn, halogen, neon, compact để có được một ánh sáng nền vừa phải.
Với những lối vào hẹp, dài dọc hành lang, chủ nhà nên chiếu sáng nhiều hơn bằng những chiếc đèn chiếu nhỏ, đèn vách để không tạo cảm giác hun hút, hoang lạnh. Còn trong khu vực hành lang, đèn tường là thích hợp để chiếu sáng và dẫn dắt lối đi. Ngoài ra, cầu thang cũng là nơi cần được chiếu sáng đầy đủ, nên dùng đèn trần nếu là cầu thang thẳng và đèn tường nếu là cầu thang uốn. “Nếu không gian nhà quá rộng có thể lắp một lúc hai bộ đèn trần, kết hợp cùng một số đèn nhỏ chiếu sáng phụ phía dưới để giúp cho ngôi nhà có đủ ánh sáng”, nhân viên tư vấn của Công ty Thiên Mạnh Phát, quận Tân Bình, TPHCM chia sẻ.
Cũng theo nhân viên này, để hoàn hảo hơn, chủ nhà nên tận dụng ưu điểm không gian, nội thất cùng màu sắc để tạo ra nét “nghệ thuật” cho kiến trúc của ngôi nhà. Chẳng hạn, màu vàng nhẹ, nâu hoặc kem nên kết hợp với màu xanh biển, đỏ và tía – hướng đến sự tinh tế, hài hòa cho những vật dụng trong căn phòng. Ngoài ra, nên phối hợp đèn chính và đèn chiếu phụ halogen để giúp ánh sáng được phân bố đều, sử dụng hệ thống công tắc đèn độc lập cho từng loại đèn lắp đặt ở các khu vực khác nhau hoặc nên dùng các thiết bị có điện áp thấp để chiếu sáng những vị trí được cho là điểm nhấn.
[box type="download"] Một số cửa hàng tham khảo tại TPHCM
* Cửa hàng Ngọc Cương, 152 Nguyễn Oanh, phường 7, quận Gò Vấp.
* Cửa hàng Hoàng Trí, 228 đường 1A, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân.
* Công ty Thế Giới Đèn Trang Trí, 894 Lạc Long Quân, phường 8, quận Tân Bình.
* Công ty Thiên Mạnh Phát, 304 Lý Thường Kiệt, phường 6, quận Tân Bình.[/box]
Ánh sáng êm dịu cho phòng ngủ
Với đèn ngủ, gia chủ nên tùy vào sở thích, nhu cầu và thiết kế nội thất để trang trí đèn sao cho phù hợp với không gian phòng ngủ. Tường màu sáng nên trang trí ít đèn, ngược lại tường màu tối thì nên sử dụng nhiều đèn hoặc đèn màu sáng.
Nên sử dụng các loại đèn có chức năng điều chỉnh độ sáng, không treo đèn ngay phía trên tầm nhìn mà tập trung vào những điểm chủ yếu như phía trên đầu giường hay bàn trang điểm hoặc có thể dùng thêm rèm vải dày – công cụ khuếch tán ánh sáng hữu hiệu để giúp căn phòng có một không gian êm dịu mang đến giấc ngủ sâu và tạo cảm giác an tâm.
Nhiều người có thói quen đọc sách báo trước khi ngủ. Vì thế, để không ảnh hưởng tới người nằm cùng, nên sử dụng một chiếc đèn đọc sách được thiết kế có thể xoay chuyển để hướng ánh sáng tập trung về phía mình. Đèn đọc sách nên đặt phía sau người đọc và có công tắc xoay tròn điều chỉnh độ sáng tối, không làm ảnh hưởng đến mắt.
Nếu có thói quen xem ti vi trước khi ngủ, nên chọn đèn đặt ở hốc tường hoặc đèn treo tường có ánh sáng dịu nhẹ, đặt đối diện ti vi để cung cấp vừa đủ độ sáng cho căn phòng và cân bằng với ánh sáng từ ti vi.
Chủ nhà nên chọn các loại đèn ngủ có kích thước vừa phải, cao khoảng 50 cm, đường kính phần chụp khoảng 35 cm, như vậy sẽ tạo ra một không gian ánh sáng cân bằng.
Phòng ăn ấm áp, kích thích vị giác
Trong thiết kế truyền thống, mỗi ngôi nhà chỉ có một không gian ăn uống; còn đối với thiết kế hiện đại không gian này sẽ được ưu ái nhiều diện tích hơn. Chính điều này tạo nên sự thoải mái, đa dạng trong cách trang trí cho nhà bếp.
Là không gian nấu nướng, ăn uống của các thành viên, vì vậy nên chọn 1-3 đèn có ánh sáng trắng, không nên sử dụng đèn có ánh sáng vàng nhằm tránh gây cảm giác nặng nề, mệt mỏi. Ở khu vực bàn ăn, đèn nên đặt ở tầm thấp để có ánh sáng tập trung làm điểm nhấn giúp tăng tính thẩm mỹ, tạo không gian ấm áp gắn kết gia đình và kích thích vị giác.
Đèn dùng cho phòng ăn có rất nhiều loại, trong đó đèn treo, đèn trần nổi hoặc đèn âm trần là phổ biến. Ngoài ra, còn có hệ thống đèn led hoặc đèn lon. Nếu đèn trần là đèn chùm thì nên chọn đèn có kiểu dáng hình trống, kích cỡ có tỷ lệ phù hợp với bàn ăn để tạo ra độ “phủ” ánh sáng một cách tốt nhất.
Những chiếc đèn treo hình quả bóng tròn với bề mặt kim loại bóng loáng sẽ khiến cho khu vực bếp trở nên sáng bừng và ấn tượng. Nếu sở hữu một căn bếp rộng rãi thì bộ đôi đèn theo phong cách Nhật Bản – thiết kế như một ngôi chùa thu nhỏ, cổ điển, độc đáo sẽ là sự lựa chọn phù hợp. Còn nếu thích sự mới mẻ, cá tính chủ nhà có thể kết hợp những chiếc đèn khác nhau theo nguyên tắc không đồng nhất nhưng hòa hợp.
“Bếp ăn nếu có trần nhà thấp thì nên dùng đèn treo, trần cao thì nên dùng đèn chùm, phần không gian nấu nướng có thể gắn thêm một số đèn nhỏ để chiếu sáng khi nấu ăn, nhưng cũng cần chọn kiểu dáng và màu sắc phù hợp với nội thất ngôi nhà”, nhân viên của Công ty Thiên Mạnh Phát tư vấn thêm.
[box type="bio"] Mua và bảo quản đèn
Ngoài các nguyên tắc về màu sắc, độ trung thực, công suất, cường độ ánh sáng… thì yếu tố kiểu dáng của đèn cũng quyết định đến tính thẩm mỹ cho nội thất căn phòng. Hiện nay có bốn xu hướng chính trong mua sắm đèn trang trí:
- Hiện đại, đơn giản: Đây là xu hướng thời thượng, thịnh hành tại châu Âu, Singapore và Bắc Mỹ. Chất liệu thường là pha lê, thủy tinh cao cấp kết hợp kim loại… thích hợp cho nội thất chung cư, nhà phố hoặc biệt thự ít chi tiết rườm rà.
- Cầu kỳ, tinh xảo: Loại đèn phù hợp với các kiểu nội thất cổ điển Tây phương có nhiều chi tiết trang trí cầu kỳ, hoặc không gian nhà hàng, khách sạn… có phong cách cổ điển sang trọng.
- Hoài niệm, ấn tượng: Loại đèn này phù hợp với những ngôi nhà theo phong cách cổ kính, nội thất truyền thống. Đèn được mô phỏng theo các kiểu đèn dầu, đèn lồng Trung Hoa… sử dụng ánh sáng nến hoặc bóng tròn ánh sáng vàng.
- Hương đồng, gió nội: Là sản phẩm từ thiên nhiên như xơ mướp, tre, lục bình… thích hợp với những ngôi nhà được trang trí theo phong cách nhà cũ kiểu thuộc địa, nhà Á Đông… Hiện nay, ngoài đèn pha lê, thủy tinh thì các loại đèn được làm từ vải, lụa, phim, xơ dừa… thân thiện với môi trường, giá rẻ, lại tiết kiệm điện đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng quan tâm.
Khi mua đèn trang trí, ngoài việc chú ý đến kiểu dáng, chất liệu thì các linh kiện của đèn như bóng điện, dây điện… cũng nên lưu ý. Chọn những linh kiện có xuất xứ rõ ràng để đảm bảo chất lượng ổn định, không gây thất thoát điện và an toàn khi sử dụng.
Đèn trang trí là nơi rất dễ bám bụi nhưng lại khó lau chùi. Do đó nên tránh sử dụng nhiều đèn nếu nhà nằm trong khu vực có nhiều bụi bặm. Để giữ gìn vẻ mới và đẹp cho đèn nên tháo gỡ từng chao đèn để lau sạch bụi bặm. Để làm mới không gian với đèn, nên chọn những loại đèn trang trí có giá phù hợp để dễ dàng thay đổi hay chọn loại đèn có sẵn chao đèn để thay thế màu sắc khác sau một thời gian sử dụng.
Để chọn kích thước đèn phù hợp với trần nhà có thể căn cứ vào công thức sau:
- Nếu chiều cao trần (L) khoảng 3 m: H = 1/5 L (H là độ dài của đèn chùm)
- Nếu chiều cao trần lớn hơn 3 m: H = 1/4 L[/box]
Thanh An-Nguyễn Quyên