Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Làm gì để giải tỏa bớt nỗi cô đơn trong đại dịch Covid-19?

(SGTT) – Mới đây, TPHCM vừa đưa ra thống kê ca nhiễm Covid-19 thấp nhất trong nhiều tháng. Trước đó, chính quyền thành phố tuyên bố TPHCM đã trở thành vùng xanh. Đây là những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đại dịch đã đi qua.
Ngược lại, trong tình hình sống chung với Covid-19 hiện nay, bất kỳ ai cũng có thể nhiễm bệnh bất ngờ. Nếu không may điều này xảy ra với mình, chúng ta sẽ phải cách ly với mọi người xung quanh trong vài tuần. Khi ấy, cảm giác cô đơn là khó tránh khỏi.
Bài viết sau đây ghi lại kinh nghiệm đối với bản thân các chuyên gia trị liệu bệnh nhân Covid-19 giúp chính họ giảm bớt cảm giác cô đơn khi phải thực hiện giãn cách.
Nhiều người gặp phải tình trạng cô đơn và đau buồn vì phải giãn cách nhiều hơn trong hai năm qua. Ảnh minh họa: Japantimes

Cảm giác cô đơn ở một lúc nào đó trong cuộc đời là khó tránh. Nếu phải cách ly vì đại dịch Covid-19, điều này càng khó tránh hơn. Nỗi cô đơn đó có thể chỉ thoáng qua khi chúng ta ngồi một mình, nhưng cũng có thể xâm chiếm hết cảm giác của một người khiến họ ray rức mãi không nguôi.

Nhìn chung, chúng ta cần ý thức và biết cách khắc phục tâm trạng cô đơn một cách hiệu quả. Thường ở nhiều nước, cách làm tốt nhất là gặp các chuyên gia để được tư vấn phương pháp.

Tuy vậy, chuyên gia hay bác sĩ điều trị Covid-19 cũng không tránh được nỗi sợ cô đơn khi phải đối mặt với nó. Một bài viết gần đây đăng trên website huffpost.com dẫn lời Lori Ryland, một nhà tâm lý học lâm sàng thuộc trung tâm trị liệu Pinnacle Treatment Centers, cho biết ngay cả các nhà trị liệu Covid-19 cũng gặp cảm giác cô đơn và đau buồn vì phải giãn cách nhiều hơn trong hai năm qua.

Bài báo đưa ra tám phương pháp sau đây có thể giúp giải tỏa sự cô đơn trong mùa dịch từ kinh nghiệm của chính các nhà trị liệu.

1. Không né tránh vấn đề cảm xúc của bản thân

Tương tự như phần lớn các cảm giác khác, chúng ta không thể khắc phục tình trạng cô đơn trừ phi chúng ta nhận ra được cảm giác đó đang xuất hiện bên trong tâm trí của mình.

Nicole Villegas, một huấn luyện viên sức khỏe và nhà sáng lập trung tâm Take Action for Self-Care (Hãy hành động để chăm sóc chính mình), cho biết “Cô đơn là một chỉ dấu báo hiệu cơ thể bị tổn thương và cần sự giúp đỡ”. Theo bà Villegas, bằng cách công nhận cảm giác bản thân đang cô đơn là bước đầu tiên nhằm cải thiện tâm trạng này.

2. Mở rộng mối quan hệ với người khác

Theo Ibinye Osibodu-Onyali, một nhà trị liệu người gặp vấn đề hôn nhân và gia đình, khi mình cảm thấy cô đơn, cô sẽ dành thời gian giao tiếp với người ngoài một cách có ý nghĩa.

“Tôi sẽ giao lưu với người khác thông qua các mạng xã hội hoặc nhắn tin cho họ”, Osibodu-Onyali nói. “Tôi thích trò chuyện với mọi người, và muốn biết họ đang làm gì cũng như liệu tôi có giúp được gì cho họ không”.

Angela Amias, một nhân viên công tác xã hội tại bang Iowa, nói cô thích tìm cách kết nối với mọi người bằng các tương tác nhanh và gọn.

Theo cô Amias, thường rất dễ bỏ qua cơ hội kết nối với người khác. “Tôi đọc một nghiên cứu kết luận rằng tương tác với người lạ nhẹ nhàng và thoải mái có thể cải thiện cảm xúc trong cả ngày. Kể từ khi đại dịch bùng lên, tôi rất vui khi được giao lưu với người bán hàng ở chợ, các nhân viên thu ngân tại cửa hàng tạp hóa và những người tôi gặp khi tôi đi dạo hàng ngày”, cô nói.

3. Lấn át cảm xúc buồn chán, cô đơn bằng cách viết nhật ký

Theo cô Animas, viết nhật ký có thể giúp một người lấy lại tinh thần phấn chấn. Ngồi xuống bàn uống một ly cà phê, dùng cây viết và quyển nhật ký có thể giúp chúng ta sống chậm lại và lắng nghe bản thân nhiều hơn.

4. Ra ngoài vài phút mỗi ngày để hít thở khí trời

“Khi cảm thấy cô độc, tôi thường tìm đến thế giới tự nhiên như là một cách tự giúp mình”, cô nói. Quan sát cảnh vật xung quanh sẽ nhắc nhở một người rằng mình cũng là một phần của thiên nhiên.

Nhiều nghiên cứu cho thấy đi dạo ngoài trời có thể giúp lấy lại tinh thần lạc quan, cải thiện cảm xúc, xoa dịu nỗi buồn và cô đơn trong lòng.

5. Thực hiện các bài luyện tập trí não

Kate Ecke, một nhà trị liệu ở bang New Jersey và nhà sáng lập The Unconventional Therapists - một tổ chức dành cho các nhà trị liệu - khẳng định mỗi người cần hình thành thói quen quan tâm đến những vấn đề xung quan khi cảm thấy cô đơn.

Cô Ecke giải thích “Tôi nghĩ đến những người sống gần tôi, tiếp đến tôi nghĩ xa hơn về người ở các nơi xa hơn, ở các quốc gia khác, thậm chí toàn cầu. Tôi nghĩ về họ với tư cách là con người sống và thở. Ai cũng có giấc mơ, niềm hy vọng và nỗi lo âu. Mỗi chúng ta đều yêu thương một cách sâu sắc dành cho ai đó và ai cũng có thể mất đi thứ gì đó rất quý giá”.

Cô Ecke muốn nhắn nhủ bản thân mình tại thời điểm này đang có hàng triệu người có cùng hoàn cảnh giống mình.

6. Tìm ra được nguồn gốc cảm xúc cô đơn từ đâu đến

Theo Danita Morales Ramos, một nhà tư vấn chuyên nghiệp ở bang Virginia, thì “cảm xúc không phải là vô cùng tận, trái lại chỉ chỉ là các trải nghiệm”.

Do đó, bằng cách kiểm tra lại bản thân để biết được cảm xúc cô đơn gắn với quá khứ hay hiện tại sẽ giúp kiểm soát được bản thân tốt hơn.

“Tôi thường hỏi bản thân cảm xúc có liên quan đến các diễn biến xảy ra ở thời điểm hiện tại, hay hướng về quá khứ hoặc tương lai”, cô Ramos cho biết. “Một khi đã nắm bắt được các cảm xúc nêu trên, tôi sẽ giải quyết chúng đúng hướng. Nếu cảm xúc của tôi bắt nguồn từ quá khứ, tôi sẽ chú trọng đến các vấn đề đang diễn ra. Suy nghĩ về các sự kiện hiện tại sẽ xoa dịu nỗi buồn quá khứ. Nếu cảm giác cô đơn đến từ các vấn đề thuộc tương lai (như lo lắng về chuyện tương lai), tôi sẽ dùng sự quan tâm của mình và cách nói chuyện với chính bản thân một cách tích cực để hướng sự tập trung vào công việc và các sự kiện đang xảy ra”, cô nói.

7. Học thêm kỹ năng mới

Một giải pháp để giải tỏa cô đơn chính là bắt bản thân phải luôn bận rộn học hỏi thêm những điều thú vị và mới mẻ.

Jason Drake, nhà trị liệu tại thành phố Katy ở bang Texas cho biết: “Trong 12 tuần, tôi học cách tối ưu hóa một trang web và tất cả chi tiết khi lập trang web này. Đầu óc tôi tiếp tục suy nghĩ đến việc làm đó trong suốt 12 tuần. Học kỹ năng mới sẽ giúp tôi chú trọng vào công việc và quên đi nỗi buồn. Bắt đầu óc bận rộn là giải pháp giảm đối thoại nội tâm và xoa dịu cảm giác cô đơn”.

8. Chú trọng đến đối thoại nội tâm

Ông Drake cũng nhận định rằng chú trọng đến đối thoại nội tâm tích cực là mấu chốt giúp chúng ta thoát khỏi sự cô đơn, vì não người dễ suy nghĩ đến những điều tiêu cực, đầu óc của chúng ta cũng dễ bị xâm chiếm bởi những vấn đề thiếu tích cực trong cuộc đời.

Andy Huỳnh Vũ

Theo Huffpost

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối