Thái Hà
Nhiều người tránh xa mì ống vì sợ lượng carbonhydrate cao trong khi một số khác không thể ăn đồ ăn có gluten, hai thứ này có rất nhiều trong bột mì, vật liệu làm mì ống. Một sản phẩm mới mang tên Banza đã giúp họ có sự lựa chọn thay thế.
Brian Rudolph (phải), người tạo ra loại mì ống từ đậu xanh.
Nó giống như mì ống, nếm như mì ống, mang đến cảm nhận như mì ống, nhưng nó được làm từ đậu xanh. Về giá trị dinh dưỡng, Banza đánh bại mì ống truyền thống: Trong một phần ăn, Banza có 14 g protein, gấp đôi mì ống truyền thống; có lượng xơ 8 g, gấp 4 lần mì ống truyền thống; có lượng carbonhydrate 24 g trong khi mì ống truyền thống chỉ có 40 g. Về protein, một phần ăn Banza cung cấp protein ngang với một phần bít tết bò. Còn chất xơ trong thực phẩm có lợi trong việc: giảm cholesterol xấu, giảm nguy cơ bệnh tim, kiểm soát đường trong máu, ngăn ngừa táo bón, kiểm soát cân nặng.
Brian Rudolph, người tạo ra loại mì ống từ đậu xanh này với người anh trai Scott cho rằng “Banza có thể thay đổi mì ống mãi mãi”. Mục tiêu của Banza rõ ràng: phục vụ những người ăn kiêng gluten và những người ăn low carbs đang ngày một lớn trong xã hội. Giờ đây, Banza có mặt trên 3.300 cửa hàng ở khắp nước Mỹ, gồm cửa hàng thuộc các chuỗi cửa hàng bán chuyên bán thực phẩm Whole Foods, Kroger, Meijer, Fairway, Wegmans, Shoprite, Eataly. Riêng trong tháng 10-2016, họ bán được 250.000 hộp Banza – 5 loại hình dáng và 4 loại hương vị. Tháng 11-2016, họ đàm phán để có mặt trong Target, chuỗi bán lẻ lớn thứ hai nước Mỹ.
Tốt nghiệp trường Đại học Emory ở thành phố Atlanta năm 2012, Brian Rudolph được mời tham gia vào chương trình đào tạo khởi nghiệp Venture for America năm 2014 ở thành phố Detroit. Sản phẩm khởi nghiệp lúc đó anh có trong tay là Quikly, một ứng dụng giúp quảng bá thương hiệu. Nhưng Quikly nhanh chóng rơi tự do trong mắt các thầy tư vấn và bạn đồng học. Trong khi theo chương trình Venture for America, Brian vẫn cần mẫn làm thử các loại mì ống từ đậu xanh trong căn hộ của mình ở Detroit, sau đó dè dặt giới thiệu nó với những người đứng đầu Venture for America, và không ngờ nhận được sự ủng hộ rất lớn.
Banza nhận được 45.000 đô la Mỹ hỗ trợ từ Venture for America, 17.581 đô la Mỹ từ một chiến dịch góp vốn cộng đồng và 75.000 đô la Mỹ đầu tư từ Joe Bastianich, từng nổi tiếng với vai trò giám khảo trong show truyền hình thực tế Masterchef. Khi gặp Banza, Bastianich là giám khảo trong một show truyền hình thực tế khác mang tên Restaurant Startup. Với số tiền ban đầu đó, anh em Rudolph phát triển Banza từ năm 2014. Năm 2015, họ thắng tiếp 500.000 đô la Mỹ từ một cuộc thi khởi nghiệp khác và chứng kiến sản phẩm của mình lên các quầy kệ. “Chúng tôi học theo mô hình kinh doanh của Chobani, họ đã sáng tạo lại yogurt, chúng tôi hy vọng có thể lớn như Chobani”, Brian nói.
Chobani được Hamdi Ulukaya, một người gốc Thổ Nhĩ Kỳ di cư sang Mỹ, thành lập năm 2005. Họ làm yogurt (sữa chua) đặc, kiểu Hy Lạp chứa nhiều protein hơn yogurt truyền thống vốn nhiều đường, nhiều nước. Đến nay, Chobani đã có hơn 2.000 nhân viên và được định giá từ 3 đến 5 tỉ đô la Mỹ. Tháng 4-2016, ông Ulukaya tuyên bố chia 10% cổ phần Chobani cho các nhân viên. Nếu định giá Chobani là 3 tỉ đô la Mỹ thì trung bình mỗi người có 150.000 đô la Mỹ, một số người làm lâu năm ở Chobani đã một bước lên triệu phú.
Trước khi mở Chobani, ông Ulukaya bán Feta, một loại phô mai làm từ sữa cừu nhập vào Mỹ từ Hy Lạp. Năm 2005, ông tình cờ mua lại một nhà đã đóng cửa của hãng Kraft Foods ở bang New York, quyết định chuyển đổi thói quen yogurt của người Mỹ. Ulukaya đưa Mustafa Dogan, bậc thầy yogurt từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Mỹ, trong hai năm phát triển ra một công thức yogurt hoàn hảo cho Chobani. Năm 2012, Chobani xây dựng nhà máy sản xuất yogurt lớn nhất thế giới, tốn tới gần nửa tỉ đô la Mỹ ở bang Idaho.
Ulukaya có đôi lúc bốc đồng khi nói rằng: “Với tôi, có hai loại người trên thế giới. Một là những người làm ở Chobani, và hai là những người còn lại”. Song ông cũng khá thật khi nói: “Tôi đã gây dựng một số thứ tôi nghĩ không thể thành công, nhưng tôi không thể nghĩ Chobani được gây dựng nếu thiếu các bạn”. Vì chuyện chia chác này, Ulukaya có nhiều lần bất đồng với quỹ đầu tư TPG Capital đang nắm cổ phần trong Chobani.
Chobani cũng tổ chức chương trình ươm mầm cho các startup trong ngành thực phẩm tham gia, Banza chính là một trong những học viên của họ. Bên cạnh đó là các công ty như Chops Snacks, Cisse Cocoa, Jar Goods, Kettle & Fire, Misfit Juicery với các sản phẩm mang tính “nghĩ khác về ăn uống”. Ngành thực phẩm là ngành “muôn năm cũ” nhưng nếu bạn biết sáng tạo lại những thứ đã có, sẵn sàng đưa ra cách ăn uống khác, bạn sẵn sàng trở thành tỉ phú như Chobani, Banza.