Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

‘Làm người’ có nghĩa là gì?

(SGTT) - Đó là câu hỏi mà tôi hay đặt ra cho học trò và với cả riêng mình khi cùng các em tiếp cận và phân tích văn bản văn học trong chương trình tú tài quốc tế (IB) trong suốt hơn mười lăm năm qua.

Trong các buổi học đầu tiên, tôi thường giải thích ngắn gọn rằng khái niệm “con người” có hai phần là “Con” và “Người”. Học văn sẽ giúp các em cảm nhận, trân trọng và tôn vinh giá trị của phần “Người” so với “Con” và nhờ đó hiểu cuộc sống, thế giới chung quanh và khám phá chính bản thân.

Nhưng còn một khái niệm khác không kém phần thú vị mà tôi nghĩ cần phải bổ sung vào bài giảng sau khi tình cờ đọc được bài viết “The essential skills for being human” (Tạm dịch: “Những kỹ năng thiết yếu để làm người”) của nhà báo người Mỹ gốc Do Thái David Brooks đăng trên báo The New York Times.

Ảnh: Asia News

Ba lý do để tìm hiểu và học về kỹ năng làm người

Với khái niệm “Kỹ năng làm người”, tác giả thổ lộ rằng ông muốn có được những kỹ năng này vì ba lý do.

Thứ nhất, về mặt thực dụng, nếu định làm việc với ai đó, ông không chỉ muốn xem khả năng kỹ thuật bên ngoài mà còn muốn hiểu người này một cách sâu sắc hơn, như có bình tĩnh trong tình huống khủng hoảng, thoải mái khi có điều gì đó không chắc chắn hoặc rộng lượng với đồng nghiệp hay không.

Thứ hai, về mặt đạo đức, nếu có thể hướng sự chú ý tích cực đến người khác, ông có thể giúp họ phát triển bởi nếu ông nhìn thấy tiềm năng ở người khác thì họ cũng có thể nhìn thấy tiềm năng ở chính họ.

Cuối cùng, theo Brooks, kỹ năng làm người cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự sống còn của một quốc gia. Tác giả cho rằng nhân loại tiến hóa để con người có thể sống với những nhóm nhỏ gồm những người giống nhau nhưng hiện nay chúng ta đang sống trong những xã hội vô cùng đa dạng, trong khi đó kỹ năng xã hội của chúng ta lại không đủ để đáp ứng những sự chia rẽ đang tồn tại.

Brooks dùng hình ảnh ẩn dụ của một “người chiếu sáng” (illuminator) là người có khả năng mang niềm vui đến cho mọi người và sở hữu một số kỹ năng cần thiết để nhìn rõ người khác. Những người chiếu sáng này cũng là những người bạn tâm tình thực sự tốt được chúng ta tìm đến khi gặp khó khăn và hành xử như huấn luyện viên hơn là những vị vua triết học.

Họ tiếp nhận câu chuyện của bạn, chấp nhận nó, nhưng thúc giục bạn làm rõ điều bạn thực sự muốn hoặc nêu tên những hành trang mà bạn đã bỏ sót trong câu chuyện của mình. Họ không ở đây để sửa chữa bạn mà chỉ đơn giản giúp bạn chỉnh sửa câu chuyện của mình sao cho trung thực và chính xác hơn. Những kỹ năng này có thể được đúc kết bằng ba từ tiếng Anh bắt đầu bằng chữ A qua sơ đồ như hình 1.

Lẽ đương nhiên những “kỹ năng làm người” mà nhà báo David Brooks đưa ra trong khuôn khổ một bài báo chưa thật sự đầy đủ và toàn diện nhưng đối với tôi cơ hội tiếp cận và nhận thức khái niệm này không chỉ bổ ích cho việc dạy và học môn văn hay trong lĩnh vực tư vấn đang làm mà còn là sự gợi mở cần thiết cho hành trình sống của một người đã từ lâu bước qua độ tuổi ngũ thập tri thiên mệnh.

Với sự tò mò soi sáng đó, tôi tìm được định nghĩa tương đối bao quát về con người trên trang web của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ, trong đó loài người phải mất hàng triệu năm mới đi được bằng hai chân lưng thẳng và những kỹ năng khác để cùng tồn tại trong thiên nhiên cùng các chủng loài khác. Nhưng điều làm con người khác với loài vật là chúng ta có trái tim, có cảm xúc và khả năng nhận biết đúng sai hay điều hay lẽ phải. Và hơn thế nữa, con người có ngôn ngữ, có văn chương để thể hiện tính người và nêu lên ý nghĩa của việc làm người.

“Cha làm chuyện đó thì cũng giống như mấy con vịt đạp mái…” Lời nói của cậu bé Điền mười sáu tuổi về cách sống của người cha và suy nghĩ “cha hơi khác con-người” của người chị gái tên Nương trong truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là một vài dẫn chứng khá thú vị về ý nghĩa làm người trong các tác phẩm văn học mà tôi cùng đồng hành với các em học sinh.

Trong truyện ngắn này, Nương và Điền phải sống trong cảnh cơ cực, thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ từ thời thơ ấu nhưng đau đớn hơn cả là sự ghẻ lạnh, dửng dưng của người cha mang đầy lòng hận thù đang ngày đêm lênh đênh trôi dạt trên sông nước và những cánh đồng bất tận để mưu sinh và trả thù… đàn bà.

Hai chị em phải tự học tất cả mọi thứ trên đời như kỹ năng “định hướng bằng mặt trời, bằng sao đêm, bằng gió, bằng ngọn cây”, học cách chấp nhận đòn roi của cha, học cách nương tựa vào nhau mà sống và học cách thể hiện sự yêu thương đồng loại và cả những sinh linh xung quanh mình. Tác phẩm kết thúc bằng tình huống Nương bị cưỡng hiếp tập thể dưới sự chứng kiến của người cha nhưng nghiệt ngã thay lại buộc miệng kêu tên của người em trai…

Trong bài khảo luận “Đôi chân trần của tâm hồn” viết năm 2007, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng “Cánh đồng bất tận” là truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Ngọc Tư bởi nó đã vượt ra giới hạn của miền Tây Nam Bộ để “đạt đến một tình huống hết sức người, (…), với tất cả những cao cả và thấp hèn, tốt đẹp và xấu xa, bao la và chật hẹp, khoan dung và thù hận, nhân hậu và ác độc, hữu lý và phi lý… của kiếp người”.

Với tôi thì một tác phẩm văn học hay ở chỗ nó buộc người đọc phải suy nghĩ, phải đặt câu hỏi, phải lựa chọn và có khi đặt mình vào hoàn cảnh nhân vật trong các tình huống hay ứng xử với tư cách một con người đúng nghĩa. Và qua trải nghiệm dạy và học môn văn cũng như thực tiễn cuộc sống, tôi tự hỏi phải chăng “làm người” là việc nhận thức được vai trò của bản thân trong sự tồn tại trên Trái đất, xây dựng những giá trị nền tảng cho sự tồn tại đó và xác định thái độ hay cách ứng xử với những điều xảy ra xung quanh mình. Trong chiều kích đó, kỹ năng làm người là việc thực hiện và cụ thể hóa những lựa chọn của một cá nhân với vai trò, thái độ và cách ứng xử nói trên.

Một số đặc tính cơ bản trong định nghĩa về con người

Để dễ hình dung khái niệm “kỹ năng làm người”, tôi dùng triết lý Chân – Thiện – Mỹ của Catherine Lim, nữ văn sĩ nổi tiếng người Singapore nêu trong tập sách “An Equal Joy: Reflections on God, Death and Belonging” (tạm dịch “Một niềm vui bình đẳng: suy ngẫm về Thượng Đế, cái chết và sự thuộc về”) (Xem hình 2).

Với định đề rằng Thượng Đế – dù có thật hay chỉ là giả thuyết – luôn muốn sản phẩm mà mình tạo ra phải phát triển đến mức tối đa với khối óc để suy nghĩ, trái tim để cảm nhận và cơ thể để tận hưởng vẻ đẹp tạo hóa, bà Lim dùng thuật ngữ “Trinity” (“Chúa ba ngôi”) trong giáo lý Cơ đốc giáo để liên hệ đến tính thống nhất, tổng thể và trọn vẹn của triết lý làm người.

Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của đời sống trí tuệ đó, con người phải luôn cố gắng hiểu biết về thực tại xung quanh bằng cách tiếp cận khoa học và kiến thức thực tế nhờ phương pháp khách quan, chặt chẽ dựa trên bằng chứng xác thực có thể đo lường, định lượng, kiểm tra và xác minh độc lập. Các kiểu tư duy mê tín, huyền thoại và phỏng đoán nên được loại bỏ nhưng cũng không thể xem nhẹ những giá trị nằm ngoài phạm vi khoa học nhưng lại rất quan trọng như tôn giáo, triết học, văn hóa, đạo đức…

Theo bà Lim, con người vẫn cần có các giá trị cần thiết để sống hòa hợp với người khác và với chính mình nhưng phải được quyền lựa chọn những phương cách riêng để thể hiện tín ngưỡng hay lòng tin. Bà cho rằng giá trị quan trọng nhất của lòng nhân (Thiện) là sự thấu cảm: không chỉ hiểu và cảm thông với nỗi đau của đồng loại mà còn sẵn sàng hành động để giúp giảm bớt nỗi đau đó.

Cuối cùng, bà cho rằng con người phải tận hưởng niềm vui khi tương tác với cái đẹp và sự kỳ diệu của thế giới xung quanh như các kỳ quan của thế giới tự nhiên, tác phẩm của các nhà soạn nhạc, nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư… Tương đương với những niềm vui này là niềm vui được trải nghiệm hàng ngày, dù nhỏ nhặt đến đâu, như nụ cười trẻ thơ, lời nhắn nhủ của ai đó mà bạn thấy là đặc biệt, sự mới lạ của một món ăn chưa từng được nếm thử, tâm trạng sảng khoái của một người tập thể dục thể thao, phản ứng tự phát, nhịp nhàng của cơ thể với âm nhạc sôi động, mùi thơm của cà phê buổi sáng, cảm giác uể oải khi chìm vào giấc ngủ ban đêm…

Dẫu rằng việc đặt ra mục tiêu sống để đạt đến sự hoàn hảo là không khả thi nhưng vẫn luôn cần thiết cho con người. Bà Lim so sánh những mục tiêu này như những ngọn đèn hiệu soi sáng để con người tiến về phía trước, dẫu rằng có chậm chạp. Bà viết:“Không có chúng, con người sẽ không chỉ trì trệ mà còn trượt lùi. Một sự thật cơ bản về bản chất con người là mặc dù không hoàn hảo nhưng chúng ta sẽ có khả năng ứng biến”.

Lê Hữu Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối